Nhận biết hải sản ngâm hóa chất
Trong lúc nhiều vụ hải sản “tắm” hóa chất liên tiếp bị phát hiện, người tiêu dùng nên biết vài bí quyết để chọn được tôm cá tươi ngon, an toàn.
Cuối tháng 9, phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 1 cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn huyện Lộc Hà có hành vi sử dụng kháng sinh Chloramphenicol xuất xứ từ Trung Quốc để bảo quản sò biển. Đây là loại thuốc đã bị cấm sử dụng ở nước ta.
Hải sản tươi ngon
Các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng urê để bảo quản tôm cá, hay “tắm trắng” cho mực bằng Javen, nhằm giữ hải sản tươi lâu, có màu sắc bắt mắt.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cả urê và chất tẩy Javen đều không nằm trong danh mục hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng để bảo quản, chế biến thực phẩm. Khi sử dụng để tẩm ướp, bảo quản hải sản, urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá. Sau đó, dù có được rửa đi rửa lại nhiều lần thì vẫn không loại bỏ được hết các chất độc hại. Trong cơ thể người, nếu lượng urê quá mức thì có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh.
Còn Javen là chất tẩy có tính oxy hóa mạnh. Nếu dùng với hàm lượng lớn, chất tẩy này đi vào cơ thể sẽ phá hủy tế bào, làm rối loạn trao đổi chất, khó tiêu, cơ thể già nhanh do lão hóa các tế bào, nặng thì có thể làm rối loạn các gene tế bào, gây ung thư.
Để tránh mua phải hải sản bị ngâm, tẩm hóa chất, người tiêu dùng cần lưu ý: Hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng sẽ có mùi ươn rất đặc trưng. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản tươi sống.
Với cá ướp urê, nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.
Với mực, bạch tuộc, tôm… khi được ngâm urê, nhìn bằng mắt thì tươi nhưng sờ tay vào sẽ thấy mềm oặt. Khi ăn sẽ không thấy độ ngọt, thơm tự nhiên mà thường mềm, nhũn, có mùi hôi.