Thông điệp nhân văn từ tiểu thuyết “Dù sợ vẫn cứ yêu”
Ra mắt nửa năm và luôn được đón nhận mạnh mẽ
Thời điểm tháng 8/2017, tiểu thuyết “Dù sợ vẫn cứ yêu” ra đời. Tác giả của nó là một nhà văn hoàn toàn mới trên văn đàn Việt Nam – nữ nhà văn NA. Có thể nói rằng, khi tìm hiểu sâu hơn về nhà văn NA, nhiều người mới bất ngờ nhận thấy công việc của một người viết đơn giản chỉ là đam mê mà cô theo đuổi, nó không phải nghề nghiệp của cô. Là một kiến trúc sư, phong thủy sư, NA đam mê hội họa và đang có công việc ổn định trong ngành thiết kế kiến trúc.
Cô chia sẻ rằng: “Viết không phải để kiếm tiền, không phải vì thấy người ta viết thì mình cũng viết. Tôi viết đơn giản chỉ vì tôi muốn được thể hiện tình yêu của mình với những con chữ. Và luôn nghĩ đó là cách để tôi truyền thông điệp đến những người phụ nữ xung quanh cuộc sống của mình, trước hết là về tình yêu”.
Hơn nửa năm đã qua từ thời điểm Dù sợ vẫn cứ yêu ra đời, trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền hình ở chương trình Chuyện đêm muộn, nữ nhà văn NA đã bộc bạch rằng sự ra đời của cuốn sách cũng khá tình cờ. Ban đầu chị chỉ có ý định phát hành online tiểu thuyết. Nhưng nhờ sự động viên của một người bạn, chị đã đồng ý để phát hành dưới dạng bản in sách giấy. Vì hiểu rằng tình yêu thì bất cứ người phụ nữ nào cũng khao khát, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để được tiếp cận với các phương tiện thông tin trên mạng để biết đến tác phẩm của mình. Ngay ở lý do của việc phát hành, Dù sợ vẫn cứ yêu đã mang trong mình thông điệp nhân văn hướng đến phụ nữ như vậy đó.
Suốt từ thời điểm tháng 8/2017 đến tháng 1/2018, Dù sợ vẫn cứ yêu liên tục có mặt trong các kệ sách của nhiều nhà sách trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt là tại hệ thống cửa hàng của Fahasa tại TP.Hồ Chí Minh, và được sự đón nhận của đông đảo độc giả. Để làm nên thành công này, chắc chắn phải có một điều gì đó ẩn đằng sau những câu chữ. Và câu trả lời không thể chính xác hơn, chính là ý nghĩa nhân văn mà tác phẩm mang lại.
Yêu và sợ là một lẽ dĩ nhiên ở cuộc đời
Lần theo hành trình của Uyển My trong Dù sợ vẫn cứ yêu, người đọc nhiều lần như nín thở trước những thử thách mà cô phải trải qua để chạm tay vào cảm xúc thuần khiết mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong được nếm trải – tình yêu. Những thử thách đó, khiến cho My sợ. Ngay từ khi cô còn là một cô bé phải sống trong lằn ranh của những người đàn ông của vấn nạn buôn người. Cho đến khi cô bắt gặp chuyện tình đẹp của Tiến và Đào. Rồi gặp được Hữu Khôi, biết được những con người xung quanh anh.
Từng tuyến nhân vật trong tiểu thuyết cứ đan xen vào nhau đôi khi khiến cho chúng ta cảm thấy không thể nào tách rời: Giữa yêu và sợ, giữa xấu xa và tốt đẹp, giữa hạnh phúc và khổ đau. Và đôi khi chỉ đơn giản là giữa sống và chết. Như cách My khóc, vì nước mắt là bất cứ người phụ nữ nào cũng phải đối mặt khi bị dồn nén: “Khóc cho sự yêu thương My dành cho người mẹ của mình bị đổi lại bằng sự bỏ mặc không thương tiếc. Khóc cho nỗi uất ức và sợ hãi vẫn còn đầy trong My mỗi khi nghĩ tới việc người bố nhẫn tâm tính đem My bán sang bên kia biên giới.”
Cái kết mở mà nhà văn NA dành cho cuốn sách, để lại cho người đọc nhiều day dứt. Ý nghĩa nhân văn mà Dù sợ vẫn cứ yêu để lại cho chúng ta rất nhiều những bài học về sự chọn lựa. Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nhủ với bản thân về việc phải chọn lựa hay chưa? Hay trong thời khắc của sự chọn lựa giữa yêu và sợ, chúng ta đã bao nhiêu lần phải quay đầu mà không tìm cho mình được một chút nào của thứ gọi là can đảm.
Tiểu thuyết cho chúng ta một ý nghĩa rằng đừng bao giờ cố gắng để hiểu hết người mà mình yêu trước khi hiểu được chính bản thân mình. Mà hãy cứ tin đi, tổn thương không phải là điều gì quá to lớn nếu đặt cạnh niềm tin trong một tình yêu mà cả hai đều chân thành và tử tế. Vì “nếu như còn nhiều điều mà cả hai vẫn chưa hiểu hết về nhau; thì ít nhất, cũng có một điều khiến Khôi và My cảm nhận được sự hòa hợp trời sinh. Rằng người kia đúng là một nửa của riêng mình.”
Nguyên An Lê