Chiếc quần short trên bàn: Không ‘dạy’ được học trò, thầy giáo hãy tự biết bảo vệ mình

Trong tình huống rõ ràng học sinh sai rành rành, tôi sẽ chẳng để phụ huynh có cơ hội “ăn thua đủ” với mình nếu là thầy giáo trong vụ việc chiếc quần short để trên bàn ấy.

Sự việc xảy ra vào chiều 4/12, tại trường Trường THCS Trần Huỳnh (TP Bạc Liêu). Khi thầy giáo K. vào lớp thấy chiếc quần short đen để trên bàn giáo viên, thầy yêu cầu một học sinh của lớp vứt chiếc quần này vào sọt rác. Chị A. – phụ huynh của học sinh có chiếc quần short bị vứt, lên trường chất vấn thầy K., đòi thầy K. phải trả chiếc quần của con gái hoặc đền tiền. Không chỉ vậy, phụ huynh này còn quay clip “cuộc nói chuyện” và tung lên mạng.

Vì không “nói lý” được với phụ huynh, thầy K. đã mời người phụ nữ này lên gặp Ban giám hiệu trường. Sự việc nghiêm trọng, ngay cùng ngày, UBND TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cùng Phòng Giáo dục TP tổ chức buổi họp gấp. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Giáo dục TP Bạc Liêu cho biết, tại buổi họp, lãnh đạo TP xác định nữ phụ huynh đã sai hoàn toàn.

“Chiều mai hoặc sáng mốt, trường sẽ tổ chức cuộc họp mời địa phương, đại diện cha mẹ học sinh, gia đình của vị phụ huynh để phụ huynh đó xin lỗi thầy K.. Quan điểm của thành phố là yêu cầu phụ huynh này xin lỗi trong cuộc họp và xin lỗi trên cộng đồng mạng. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan để xử phạt”, ông Tùng nói thêm.

chiec quan sort

Nhân có nhiều luồng ý kiến phức tạp và trái chiều từ sự việc trên, tôi cũng có một ý kiến mà có lẽ “đi ngược” với nhiều người. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thầy giáo trong sự việc trên có phần kém cỏi trong việc xử lý tình huống khi đã là người thầy đứng trên bục giảng.

Dễ dàng nhận thấy mâu thuẫn của câu chuyện xuất phát từ việc thầy giáo yêu cầu vứt chiếc quần của học sinh vào thùng rác. Tất nhiên cách xử lí này không sai nhưng đủ chứng tỏ thầy giáo thiếu sâu sắc. Bàn giáo viên là biểu tượng của người thầy, sự tôn trọng của học trò dành cho thầy, ấy vậy mà một chiếc quần short lại nằm nghênh ngang ở đấy chứng tỏ các học trò vốn đã có ý định trêu ngươi, “chọc tức” thầy.

Trong tình huống như vậy, thầy giáo nên xử lí đúng “quy trình” là để nguyên hiện trường, truy tìm trước lớp chủ nhân của chiếc quần và người đã để chiếc quần lên bàn, cảnh cáo trước lớp, viết kiểm điểm, mời lên văn phòng trường làm việc rồi sau đó mời phụ huynh đến vì hành vi thiếu tôn trọng thầy giáo của học sinh. Và nhất là không nên “đôi co” với phụ huynh khi không có sự chứng kiến của Ban giám hiệu nhà trường.

Người xưa có câu, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nghĩa là muốn than trách, quy lỗi cho người khác trước tiên phải nhìn lại chính mình. Như vậy, đặt vào sự việc trên có thể thấy, nếu thầy giáo có cách xử lí tốt hơn thì chắc có lẽ đã không xảy ra những mâu thuẫn, ồn ào không đáng có.

Không riêng gì vụ việc của cá nhân thầy K. mà còn nhiều vụ việc đáng tiếc khác nữa quanh giảng đường. Thiết nghĩ, trước hết giáo viên cần học cách xử lí tình huống học đường và nắm bắt tâm lí học sinh cũng như tâm lí phụ huynh nói chung để có cách xử lí các tình huống “oái ăm” một cách tốt nhất thì mới có thể đứng vững trên giảng đường. Nếu đã không “dạy” được trò ngoan, thầy giáo hãy tự biết bảo vệ bản thân mình.

Võ Tắc Thiên

Xem thêm:
Phụ huynh xúc phạm thầy giáo chỉ vì… mất chiếc quần lửng của con
Học sinh lớp 2 bị cô giáo cho bạn tát 50 cái vì ‘nói bậy’
Tập cho bé đi vệ sinh đúng giờ và một số mẹo hay dành cho mẹ bỉm

Nên đọc