Sau Tết, giá thực phẩm ổn định trở lại

Sau những ngày tăng giá chóng mặt dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, giá các loại thực phẩm đã bắt đầu bình ổn định trở lại, nguồn cung cũng đa dạng hơn.

Sức mua trong những ngày sau Tết Nguyên đán 2016 có giảm so với những ngày cận Tết. Tuy nhiên, giá cả nhiều loại thực phẩm nhìn chung đã có xu hướng ổn định hơn so với giáp Tết và trong Tết.

Cụ thể, thịt lợn mông hiện có giá dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, mức giá này tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với ngày thường; sườn non 120.000 đồng/kg; thịt heo xay 92.000 đồng/kg. Thịt gà từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Riêng thịt bò thăn giá khoảng 290.000 – 300.000 đồng/kg, trong khi ngày thường giá loại thực phẩm này dao động trong khoảng 280.000 đồng/kg. Giá các loại thủy hải sản những ngày sau Tết cũng tăng nhẹ so với ngày thường.

Giá thực phẩm dần ổn định sau Tết Nguyên đán

Tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, tiểu thương bắt đầu nhập hàng kinh doanh. Tại các chợ truyền thống như chợ Hàng Da, Hàng Bè, Thành Công… giá bán các mặt hàng trái cây và thịt gia súc, gia cầm cơ bản đã giảm về bằng giá của ngày thường.

Trong khi đó, tại nhiều chợ trên địa bàn TP HCM, giá thực phẩm đều tăng từ 30 – 100%. Do lượng thực phẩm khan hiếm hơn ngày thường nên dù giá cao vẫn đắt hàng.

Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình… giá tất cả các loại mặt hàng đều tăng mạnh so với ngày thường. Cụ thể, rau muống, rau cải ngọt tăng từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/bó. Rau cần tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/bó. Cà chua, súp lơ, dưa leo tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/kg. Bầu, bí, mướp cũng được bán với mức 35.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với ngày thường.

Đến thời điểm này các siêu thị như Co.opmart, Big C… đã mở cửa hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Riêng siêu thị Vinmart do nằm trong hệ thống trung tâm thương mại Vincom nên mở cửa liên tục.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, thời điểm sau Tết, giá cả tại BigC vẫn bình ổn, nhiều loại thực phẩm phục vụ bữa ăn thường nhật của người dân như: thịt gia súc, rau củ quả còn giảm từ 10 – 15% so với ngày thường do từ trước Tết, siêu thị đã chủ động kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm.

Để đảm bảo nguồn cung, ngay trong dịp Tết, các siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết nhất là các nhóm mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống… bởi các mặt hàng này được người dân chọn mua nhiều nhất trong những ngày sau Tết. Giá cả các loại hàng hóa tại siêu thị ổn định, lượng người đi mua sắm vẫn chưa nhiều.

Theo Kinh doanh & Pháp luật

Nên đọc