Đi lại ở TP HCM hiện nay diễn ra như thế nào?
Phunuduongthoi.vn – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm trả lời về việc tổ chức đi lại tại thành phố, sau khi toàn địa phương cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
TP HCM đã lập 12 chốt chính ở cửa ngõ và hệ thống chốt phụ trong nội đô nhằm kiểm soát người được phép ra đường. Vậy người dân cần những giấy tờ gì để qua các chốt này, thưa ông?
Ngoài 12 chốt chính ở khu vực cửa ngõ, trong khu vực nội đô thành phố đang có 311 chốt phụ do các quận huyện và TP Thủ Đức triển khai. Việc tăng, giảm cũng như vị trí lập chốt được điều chỉnh linh hoạt theo thực tế. Ngoài kiểm soát đi lại, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành Chỉ thị 16, hạn chế ra đường.
Hiện 12 chốt cửa ngõ, các lực lượng kiểm tra mục đích đi lại, giấy như xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời gian 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm, cùng các giấy tờ liên quan. Đối với hệ thống chốt ở khu nội đô, người dân cần khai báo y tế; xuất trình thẻ, giấy xác nhận công tác ở các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh lực được phép hoạt động…
Qua đánh giá, tình hình giao thông tại các chốt kiểm soát bốn ngày TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vừa qua cơ bản ổn định. Lượng xe thống kê giảm khoảng 86% so với trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 10.
Lượng xe đi lại giảm nhưng tại sao lại xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, vào sáng 12/7?
Trạm kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm là một trong 12 chốt được quận Gò Vấp thiết lập khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Ba ngày đầu thực hiện, việc đi lại qua chốt này bình thường, thông thoáng. Tuy nhiên sáng 12/7 ùn ứ 600-700 m xảy ra trong khoảng 30 phút tại khu vực này. Nguyên nhân do đây là trục chính từ quận 12, Gò Vấp vào trung tâm thành phố, lượng xe tăng cao sáng đầu tuần. Trong khi đường Nguyễn Kiệm tổ chức một chiều, vị trí lập chốt có bất cập do người không được đi qua vì khi không có các giấy tờ liên quan cũng không thể quay đầu.
Sở Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh các chốt kiểm soát thế nào để tránh ùn tắc, bảo đảm phòng dịch hiệu quả?
Khi xảy ra ùn ứ tại khu vực chốt kiểm soát ở Gò Vấp, Sở Giao thông Vận tải phối hợp UBND quận Gò Vấp điều chỉnh ngay vị trí lập chốt, đồng thời lên phương án phân luồng từ xa nên tuyến đường sau đó thông thoáng. Trường hợp có tình trạng ùn ứ sẽ lập tức giải tỏa như cho xe quay đầu, chuyển hướng…
Trong chiều và tối 12/7, Sở Giao thông Vận tải cùng các địa phương kiểm tra vị trí chốt trạm trên các tuyến đường có nguy cơ ùn ứ. Trong đó điều chỉnh vị trí trạm, bổ sung hệ thống dẫn đường, tạo điểm cho xe quay đầu để chủ động điều tiết, giải tỏa ngay khi có nguy cơ tập trung đông… Ngoài ra tại các chốt kiểm soát cũng công bố số điện thoại đường dây nóng, đầu mối liên hệ để lực lượng làm nhiệm vụ chủ động liên hệ, phối hợp Sở Giao thông Vận tải cùng địa phương liền kề điều chỉnh, phân luồng từ xa.
UBND TP HCM đã chỉ đạo các địa phương không kiểm tra giấy xét nghiệm nCoV với người di chuyển trong thành phố mà chỉ kiểm tra mục đích đi lại. Việc này sẽ rút ngắn thủ tục, thời gian khi kiểm tra tại các chốt kiểm soát. Đồng thời, thành phố cũng giao các địa phương rà soát, kiểm tra cơ sở hoạt động trên địa bàn đảm bảo đúng yêu cầu Chỉ thị 16; xác định các hoạt động thực sự cần thiết… Các công sở cũng cần chấp hành tối đa 1/3 số người làm việc. Riêng khu công nghiệp, nhà máy, phương án đưa ra là cần cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ… Trường hợp đi lại cần tổ chức đưa rước bằng ôtô.
Việc tổ chức cho người dân đi lại giữa TP HCM với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hiện nay như thế nào?
Hiện khu vực cửa ngõ TP HCM với 12 chốt kiểm soát hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tại đây lực lượng liên ngành kiểm tra mục đích người ra vào thành phố, phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân phòng dịch… Việc kiểm soát người ra vào được làm chặt chẽ, chỉ trường hợp có mục đích thiết yếu mới được qua.
Khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Sở Giao thông Vận tải tiến hành cấp thẻ nhận diện (có mã tra cứu QR) cho các ôtô được phép ra vào. Sau khi được hướng dẫn, các địa phương và các cảng gửi danh sách xe, thông tin liên quan tới hộp thư điện tử (sogtvthcm.gov.vn) hoặc qua tài khoản Zalo để Sở Giao thông Vận tải TP HCM xem xét, giải quyết trong 24 giờ. Chủ xe sẽ nhận thông báo kèm thẻ nhận diện, tương ứng với mỗi xe, tự in ấn, đóng dấu và gắn thẻ lên kính trước để kiểm soát.
Những xe được ưu tiên gồm: ôtô chở hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng đến cảng, khu công nghiệp; xe thuộc vùng Đông, Tây Nam Bộ chở chuyên gia, công nhân; ôtô chở hàng quá cảnh qua TP HCM. Doanh nghiệp vận tải ngoài việc phải bảo đảm xe chạy đúng lộ trình, mục đích cần thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tài xế, bốc xếp hàng phải được xét nghiệm nCoV và kết quả âm tính…
Hiện chúng tôi cũng đã công bố lộ trình cụ thể cho xe ra vào thành phố giúp đi lại thuận lợi. Việc đảm bảo giao thông trong bối cảnh TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 nhằm không đứt mạch cung ứng, xuất khẩu hàng hóa của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vậy, đến nay việc cấp thẻ nhận diện cho ôtô ra vào TP HCM chở hàng hoá, chuyên gia, công nhân… phục vụ các nhu cầu thiết yếu đã thực hiện ra sao?
Sau bốn ngày TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 đã có khoảng 17.000 ôtô được Sở Giao thông Vận tải cấp thẻ nhận diện. Trong đó xe phục vụ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu chiếm khoảng 50%, còn lại xe ra vào các cảng hoặc quá cảnh qua thành phố… Toàn bộ quy trình cấp thẻ đều thực hiện online và miễn phí.
Những xe đã được cấp thẻ sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng chức năng thông qua mã QR trên giấy nhận diện kết nối phần mềm của Sở Giao thông Vận tải nắm đầy đủ thông tin phương tiện. Xe có thẻ được ưu tiên theo “luồng xanh” để việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, liên tục, không bị ùn tắc. Đánh giá sau 4 ngày triển khai, việc chở hàng hóa, công nhân… diễn ra thuận lợi, đáp ứng nhu cầu.
Theo VNE
Xem thêm: