Tro Tàn Rực Rỡ: không chỉ là bi kịch của thân phận người phụ nữ
Phunuduongthoi.vn – Đạt giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế 3 châu lục, Tro Tàn Rực Rỡ không chỉ cho thấy bi kịch của những người phụ nữ miền sông nước luôn khao khát tình yêu mà còn nói lên cách thể hiện sự bất lực của những người đàn ông trước sự gò ép của khuôn mẫu nam tính độc hại.
Được chuyển thể từ nguyên tác “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và trở thành những thước phim đậm chất điện ảnh dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Tro Tàn Rực Rỡ kể câu chuyện ở xóm Thơm Rơm nghèo cùng những chất liệu đậm chất thơ văn, mô tả cuộc sống quanh đi quẩn lại, buồn hiu hắt của người dân miền sông nước.
Phim về những người đàn bà khao khát được người mình yêu nhìn thấy…
Nhàn do Phương Anh Đào thủ vai là một cô gái đẹp, tháo vát, được nhiều đàn ông trong làng đem lòng yêu mến. Nhàn lấy Tam (Quang Tuấn), một chàng trai hiền queo và có vẻ hơi khờ khạo, trong sự tiếc nuối của đám đàn ông trong xóm. Bà con lối xóm đều cho rằng Tam thật sướng, thật hên khi lấy được cô vợ đảm đang, xinh đẹp.
Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng sẽ viên mãn và hạnh phúc, nhưng rồi biến cố xảy đến khiến cuộc sống hôn nhân của Nhàn – Tam xáo trộn, vỡ nát. Trong mớ đổ vỡ ấy, Tam đau khổ, vật lộn với nỗi đau và tìm vui qua những ngọn lửa trên chính ngôi nhà mình, còn Nhàn thì vẫn yêu thương chồng tha thiết, cô cố chấp vá víu lại từng mảnh tro than của cuộc hôn nhân không thể vãn hồi.
Đúng như nguyên tác, câu chuyện của Tam – Nhàn được kể lại thông qua lời kể rời rạc của Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling). Trong đám cưới của Nhàn, Dương (Lê Công Hoàng) cũng là một trong những gã đàn ông buộc phải chôn cất mối tình của mình với người con gái mình yêu, và rồi sau đó, trong cái men rượu say mèm, Dương đã khiến Hậu có thai, miệng vẫn gọi tên Nhàn.
Hậu yêu chồng, một tình yêu đơn phương say đắm dù người chồng luôn trốn chạy ngoài biển khơi, mấy bận về nhà cũng chỉ câm lặng và ngó lơ mình. Hậu tìm kiếm sự chú ý của chồng qua những câu chuyện kể về Nhàn, như Nguyễn Ngọc Tư đã viết: “Em cũng đến đám cháy như một người coi hát. Vở tuồng của những con người đổ nát. Thứ ánh sáng lộng lẫy đó xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.”
Song song đó, tuyến truyện của Củi Mục Trôi Về cũng được đạo diễn lồng ghép khéo léo vào phim với bối cảnh ở chùa Thổ Sầu, ngôi chùa “nghèo đến mức người xa về không biết nên gọi là chùa hay nhà”, ngôi chùa có nhân vật nhà sư tuy đã xuất gia nhưng thi thoảng vẫn uống rượu và quên luôn chuyện đọc kinh sám hối. Đây cũng là nơi Khang (Thạch Kim Long) trú ẩn – gã đàn ông được phóng thích sau nhiều năm trả giá trong tù vì hành vi đốn mạt với Loan (Hạnh Thúy). Hắn tìm về đây với ý định “té chỗ nào thì đứng lên ngay chỗ ấy”. Loan từng là nạn nhân của hắn, vì hắn hại đời mà trở nên lúc tỉnh lúc mê, nhưng từ khi Khang trở về chốn cũ, Loan lại lảng vảng quanh chùa, tìm đủ mọi cách để gây sự chú ý với hắn. Cô đã đem lòng yêu cái gã đã gây ra bi kịch của đời mình.
Cứ như vậy, tình yêu của những người phụ nữ vẫn nhẫn nại và đầy cam chịu, họ đợi đến ngày được người mình yêu nhìn thấy. Trong truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã viết: “Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm.”
… và những gã đàn ông mãi quanh quẩn trong những nỗi đau
Những người đàn ông bất lực với thực tại, mãi trốn chạy, tìm quên trong những cuộc đi hoang, trong những đám lửa rực sáng và ghẻ lạnh với người phụ nữ của mình. Cả trong chính cái cách Tam phân trần “Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà” cũng đã thể hiện rõ tính nam độc hại, khi xã hội luôn gắn người đàn ông với những tính cách, trách nhiệm mang tính cực đoan.
Nếu người đàn bà luôn bị buộc phải là người phải hy sinh, phải giữ lửa cho tổ ấm của mình thì đàn ông thường mang trên mình nhiều gánh nặng về cơm áo gạo tiền, và khi phải đối mặt với nỗi đau thương hay mất mát, họ không có quyền khóc, không có quyền biểu đạt cảm xúc và cũng không có quyền được thấu hiểu những ẩn ức khốn cùng của mình. Khi xem phim, ta dễ cảm thấy bức bối với cuộc sống bế tắc, quẩn quanh của những con người ở đó, “nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau, nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà”.
Phim cho ta thấu cách đàn ông và đàn bà đối diện với nỗi đau của mình thông qua những tình yêu rực sáng giữa miền sông nước, những nỗi đau âm ỉ tựa tro than, những kiếp người quẩn quanh khao khát yêu và được yêu… Tất cả được kể qua một lăng kính trung dung và bình thản với một góc máy duy nhất, điều này có thể khiến người xem thấy bí bách vì cái cách kể này làm cho phim không có một nhân vật nào đáng trách để người xem bấu víu vào mà đổ lỗi cho họ vì đã gây ra bi kịch cả.
Ngôn ngữ điện ảnh được đạo diễn vận dụng tối đa vào phim, không có quá nhiều câu thoại, những chi tiết gay cấn nhất, cao trào nhất, bi thương nhất đều được khắc họa một cách bình thản như một thước phim tài liệu. Nhưng chính vì không quá đào sâu vào cảm xúc của riêng một nhân vật nào, phim mới có thể khiến người xem như thấm dần nỗi buồn thương, khiến người xem đồng cảm với nỗi đau và có thể khiến bạn cảm thấy “đau dùm” từng nhân vật trong phim.
Tia sáng lung linh và đầy chất thơ của điện ảnh Việt
Tro Tàn Rực Rỡ đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau 10 năm từ “Lời nguyền huyết ngải” và gặt hái được thành công trên đấu trường quốc tế. Phim đã xuất sắc vượt qua gần 1,700 tác phẩm trên toàn thế giới để vinh dự trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên trong 15 phim tranh giải tại hạng mục Main Competition của Liên hoan phim Tokyo, đồng thời chiến thắng hạng mục danh giá Khinh Khí Cầu Vàng (Montgolfière d’or/ Golden Balloon) tại Liên hoan phim Ba lục địa lần thứ 44.
Tuy vậy, khi trở về quê hương và công chiếu rộng rãi ở Việt Nam, bên cạnh những lời tán dương cho một sản phẩm điện ảnh chỉn chu, phim cũng nhận lại không ít ý kiến trái chiều. Có thể hiểu được bởi những khuyết điểm của phim đến từ đài từ không rặt miền Tây của diễn viên, thoại còn đôi chỗ còn mang đậm ngôn ngữ viết hoặc chưa thể hiện chính xác văn hóa vùng miền,… những khuyết điểm chỉ có thể dễ dàng nhìn thấy khi đối tượng người xem là người Việt Nam.
Nếu nửa đầu năm, điện ảnh Việt Nam sở hữu Đêm Tối Rực Rỡ đã thắp lên niềm hy vọng cho một sản phẩm điện ảnh chỉn chu, có đầu tư nghiêm túc và được đón nhận thì nửa cuối năm nay, ta có Tro Tàn Rực Rỡ chính là điểm sáng rực rỡ nhất giữa những ảm đạm sau quá nhiều thất bại ê chề của hàng loạt “phim rác” Việt bị khán giả tẩy chay.
Dù có những điểm trừ nhất định thì đây vẫn là một tác phẩm điện ảnh chất lượng và xứng đáng được ghi nhận bởi khán giả quê nhà. Cuối tuần này, hãy thử ra rạp xem phim với một tâm thế thuần tuý để được chiêm ngưỡng ngôn ngữ điện ảnh tráng tuyệt cùng vẻ đẹp nên thơ của miền sông nước mà Tro Tàn Rực Rỡ mang lại.
Xuân Uyên
Xem thêm: