Học viện Phật giáo Larung Gar: Thung lũng đỏ diệu kỳ giữa Tây Tạng
Chẳng mộng mơ hay ngập tràn sắc hoa lãng mạn như các địa điểm du lịch khác, thế nhưng Thung lũng Larung Gar lại mang đến cho bạn một cái nhìn hoàn toàn mới về niềm tin, cuộc sống và sự thuần khiết.
Học viện Phật giáo Larung Gar: Thung lũng đỏ diệu kỳ giữa Tây Tạng
Học viện Phật giáo Larung Gar nằm trong thung lũng Larung thuộc huyện Sắc Đạt (Sêrtar), khu vực tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc và nằm cách thị trấn Sắc Đạt khoảng 15km. Nơi đây vốn nổi tiếng với quần thể kiến trúc xếp bậc thang với hàng chục nghìn ngôi nhà bằng gỗ đỏ nổi tiếng thế giới.
Larung Ga – vùng đất của sự huyền bí
Học viện Phật giáo Larung Gar được thành lập từ năm 1980 bởi Khenpo Jigme Phuntsok – một vị Lạt-ma có ảnh hưởng thuộc dòng Cổ Mật (hay dòng Mũ đỏ), với mục đích đem lại nguồn sức sống mới cho Phật giáo Tây Tạng cũng như gửi gắm những điều tốt đẹp tới toàn bộ nhân loại trên thế gian này.
Ban đầu, Khenpo chọn khu vực thung lũng Larung để xây dựng học viện bởi nó có vị trí quan trọng trong Phật giáo Mật Tông – là nơi mà các vị cao tăng thường tới thiền tịnh mong đạt được Kim Cương Thân và ngộ ra Tứ Diệu Đế.
Khi đó, khu vực thung lũng này vẫn còn hẻo lánh. Nhưng nhờ danh tiếng của ông mà học viện ngày càng phát triển và trở thành một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Larung Gar là nơi sinh sống và học tập của hơn 10.000 tăng ni phật tử. Đồng thời, học viện cũng cung cấp các chương trình giáo dục trực tuyến dành cho hàng chục nghìn người trên toàn thế giới.
Khoảng 10% học viên là người Hán và đang theo học chương trình dạy bằng tiếng Trung Quốc, trong khi đa phần các chương trình này đều được dạy bằng tiếng Tây Tạng Amdo. Đặc biệt hơn, bên trong học viện còn có cả một ni viện với khoảng 4.000 ni cô – một điều hiếm thấy tại các trung tâm Phật giáo khác trên toàn châu Á.
Mang đậm âm hưởng Phật Giáo phương Đông
Đặt chân tới Larung Gar, nhiều người đã không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh trùng trùng điệp điệp của những ngôi nhà gỗ màu đỏ được xây dựng san sát nhau trên một thung lũng lộng gió và trải dài bát ngát.
Do nằm ở độ cao hơn 3.800m so với mực nước biển cùng không khí lạnh giá quanh năm nên những người dân ở đây luôn biết cách để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài việc khoác lên mình vài lớp quần áo dày cộp, hay xây dựng các ngôi nhà giữ nhiệt bằng gỗ thì họ còn lấy kinh Phật làm “công cụ” tránh rét hữu hiệu, bởi trong thâm tâm, người dân luôn nghĩ rằng Đức Phật từ bi sẽ luôn sưởi ấm tâm hồn cho những đứa con bé bỏng của mình.
Ngoài ra, Larung Gar còn được mệnh danh là Học viện Phật Giáo lớn nhất thế giới với hơn 50.000 sư vãi, chú tiểu và ni cô đang hội tụ tại đây. Dĩ nhiên, họ phải chấp nhận cuộc sống biệt lập – hay nói cách khác là hoàn toàn xa lánh với sự xô bồ bên ngoài để có thể tĩnh tâm tụ thiền và đạt tới cảnh giới đắc đạo trên con đường khổ hạnh của mình.
Sống trên một thung lũng rộng lớn với hàng loạt các “giới luật” hà khắc, song những nhà tu hành tại đây vẫn được đáp ứng đầy đủ những điều kiện cơ bản nhất như: Được ra chợ mua vài chai sữa bò đặc trưng vào buổi sáng sớm, được tự do khám phá các khu vực tâm linh huyền bí tại Học viện và quan trọng nhất là vẫn có thể sử dụng smartphone như bao người bình thường khác.
Ngay từ sáng sớm, khi mà vạn vật vẫn yên giấc ngủ say thì các vị sư vãi đã bắt đầu rảo bước tới học viện trong những bộ trang phục mang sắc đỏ trầm ấm cùng chuỗi tràng hạt trên tay để tiến hành tu thiền và nghiên cứu Phật giáo hoặc triết học phương Đông.
Như một vòng tuần hoàn cố định, họ chỉ trở về nhà và nấu nướng những món đồ chay khi mặt trời đã buông xuống sau buổi hoàng hôn. Larung Gar về đêm cũng rất tuyệt vời với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh được trải dài từ đỉnh thung lũng xuống dưới tận chân cùng. Nơi đây hệt như một thành phố thu nhỏ giữa khung cảnh bạt ngàn toàn rừng núi hoang vu ở miền đất Tây Tạng xa xôi.
Hàng năm tại đây vẫn có khoảng 1.000 căn nhà gỗ được xây mới bởi cả nhân công chuyên nghiệp lẫn các tăng ni cùng người dân địa phương.