Tiêu chuẩn nào để trở thành hoa hậu Việt Nam?

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988 với tiền thân là Hoa hậu báo Tiền Phong, bắt nguồn từ mong muốn đi tìm hình mẫu phụ nữ đại diện cho đất nước để tuyên truyền về văn hóa và nét đẹp truyền thống của dân tộc đến các nước bạn bè trên toàn cầu. Kể từ đó đến nay, cuộc thi diễn ra đều đặn hai năm một lần trong sự mong chờ của khán giả cả nước. Một cuộc thi để chọn ra hình mẫu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam thế nên sẽ có những chuẩn mực nhất định, nhưng rõ ràng đang dần thay đổi theo thời gian, phù hợp hơn với chuẩn chung của các cuộc thi sắc đẹp thế giới nhưng hẳn nhiên vẫn phải giữ được những chuẩn mực và văn hóa đặc thù riêng.

Chiều cao có phải là thước đo đầu tiên?

Trong các cuộc thi người đẹp, những thí sinh nào có chiều cao dưới 1m70 thường được cho rằng không có nhiều cơ hội để đăng quang. Vậy có khác gì giữa một cuộc thi hoa hậu và một cuộc thi tìm kiếm người mẫu?

Dược sĩ Phan Bảo An là người từng làm phó ban cân đo cuộc thi hoa hậu toàn quốc 2000 đã từng giải thích vấn đề này: “Các số đo khác đều tuỳ thuộc vào chiều cao, nhưng không nhất thiết càng cao càng đẹp. Chiều cao hoa hậu của một dân tộc thường tương ứng với chiều cao trung bình trở lên của dân tộc đó. Ví dụ, chiều cao trung bình của người Việt Nam khoảng 1m58-1m60 thì các cô gái từ 1m60 trở lên đều có thể đạt danh hiệu hoa hậu Việt Nam. Tuy nhiên, khi trình diễn trên sân khấu thì những người cao thường đẹp hơn. Vì thế, có thể một số giám khảo dễ có khuynh hướng cho điểm người cao. Nhưng nếu chỉ chọn những cô gái cao 1m65 trở lên thì có thể bỏ sót một số người đẹp hoàn hảo trong khoảng 1m58-1m64! Tại các nước châu Á – Thái Bình Dương, ta thấy có năm hoa hậu Hồng Kông chỉ cao 1m57, Singapore cao 1m64… Hoa hậu báo Tiền Phong 2000 cao 1m69. Hoa hậu thế giới có thể chọn từ 1m60-1m70 vì chiều cao của nhân loại cũng nằm trong khoảng đó, họ cũng thường chọn những người đẹp cao khoảng 1m70. Và để hoa hậu nước mình tham gia thi hoa hậu thế giới, chúng tôi cho điểm tối đa 12/12 ở chiều cao 1m70 và dưới 1m70 đều bị trừ đi một số điểm tương ứng. Thí dụ cao 1m60 hoặc 1m80 vẫn có thể đạt hoa hậu nếu được nhiều điểm ở các chỉ tiêu khác”.

Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên năm 1988 với chiều cao 1m57
Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên năm 1988 với chiều cao 1m57

Xem thêm:

Bí quyết để sở hữu đôi chân thon gọn nuột nà

Trẻ ra cả chục tuổi với kiểu tóc đang được các sao rất ưa chuộng

“Cửa ải” nhân trắc học:

Một trong những yếu tố tạo nên uy tín của cuộc thi là quy trình tuyển chọn khắt khe ngay từ vòng gửi hồ sơ. Mọi thí sinh tham gia cuộc thi từ vòng sơ khảo đều được ban tổ chức đo chiều cao, kiểm tra nhân trắc học kỹ lưỡng. Bộ phận đo nhân trắc học hoạt động độc lập với ban tổ chức và ban giám khảo.

Tiêu chí của Hoa hậu Việt Nam từ trước đến nay không chấp nhận những thí sinh đã từng dùng các phương pháp thẩm mỹ, kể cả không xâm lấn và có xâm lấn. Vì vậy, một số cô gái dù rất xinh đẹp nhưng đã không vượt qua được “cửa ải” nhân trắc học.

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang” không còn là chuẩn mực nhất định:

Những năm đầu của “Hoa Hậu Việt Nam”, vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ châu Á là sự ngây thơ, trẻ trung với làn da trắng, mỏng mịn, đôi mắt tròn to, cơ thể mảnh khảnh, mái tóc buông xõa. Chuẩn mực về cái đẹp ở Việt Nam có một phần quan trọng là tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Nhìn lại hành trình hoa hậu Việt, không ít mỹ nữ sở hữu khuôn mặt trăng tròn, làn da trắng, mái tóc dài đã trở thành chủ nhân vương miện. Các tiêu chí chung đó đã đóng khung chuẩn mực vẻ đẹp phụ nữ Việt vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Những nhận xét về hình thể chưa thực sự được quan tâm mà chủ yếu đánh giá dựa trên khuôn mặt.

Hoa hậu Hà Kiều Anh đăng quang năm 1992
Hoa hậu Hà Kiều Anh đăng quang năm 1992

Tuy nhiên, chuẩn mực vẻ đẹp của phụ nữ Việt rõ ràng đang thay đổi theo thời gian bởi chịu sự ảnh hưởng nhất định từ xu thế “hội nhập” văn hóa thế giới. Một làn sóng tranh cãi đã nổ ra khi hoa hậu Ngọc Khánh đăng quang năm 1998, không phải là khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, hoa hậu Ngọc Khánh mang đến một nét đẹp “Tây hóa” với làn da nâu, khuôn miệng rộng và đường nét góc cạnh.

Hoa hậu Ngọc Khánh với khuôn mặt "Tây hóa" phá vỡ những chuẩn mực trước đó
Hoa hậu Ngọc Khánh với khuôn mặt “Tây hóa” phá vỡ những chuẩn mực trước đó

Và có thể thấy từ đó đến nay, không còn một chuẩn mực nhất định cho nét đẹp của các tân hoa hậu. Chính sự du nhập của văn hóa nước ngoài thông qua các bộ phim và những trào lưu thẩm mỹ khác nhau đã ảnh hưởng không nhỏ các tiêu chí lựa chọn Hoa hậu Việt Nam, các quan niệm về chuẩn mực nhan sắc thay đổi theo chiều hướng hoàn thiện hơn từ vóc dáng, ngoại hình, chiều cao và cả vẻ đẹp tâm hồn.

Những năm gần đây, các người đẹp lên ngôi Hoa hậu Việt Nam đều sở hữu vẻ đẹp hình thể và chiều cao “nổi bật”, gần hơn với xu hướng chuẩn mực quốc tế. Nguyễn Thị Huyền Mai Phương Thúy, Đặng Thu Thảo – mỗi nàng đều có một nét đẹp riêng nhưng không thể phủ nhận họ giống nhau ở vẻ hiện đại, sắc sảo khó cưỡng. Những nhan sắc này, từng nhiều lần vươn mình ra thế giới và dành được chỗ đứng riêng trên trường quốc tế. Minh chứng là Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền từng góp mặt trong Top 15 Hoa hậu Thế giới 2004, Mai Phương Thúy đứng ở Top 17 Hoa hậu Thế giới 2006…

Mai Phương Thúy ngày càng hoàn thiện vẻ đẹp hiện đại của mình
Mai Phương Thúy ngày càng hoàn thiện vẻ đẹp hiện đại của mình

Bất kỳ một Hoa hậu Việt Nam nào khi đăng quang cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Tùy vào gu thẩm mỹ của mỗi cá nhân mà sẽ có người thích, kẻ không bởi “cái đẹp không nằm trên đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong ánh mắt của kẻ si tình”.

Có thể thừa nhận rằng, những chuẩn mực về nhan sắc Việt đang thay đổi theo thời gian với những tiêu chí lựa chọn riêng. Và chuẩn mực đó ngày càng gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Điển hình như Đương kim Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cô đăng quang vào năm 2014 không mấy được lòng số đông. Cô thực sự không đẹp xuất sắc mà chỉ nổi bật với làn da trắng sứ, gương mặt nhỏ nhắn và có nét gì phảng phất chút thẩm mỹ Hàn Quốc. So với chuẩn mực vẻ đẹp thời trước, Kỳ Duyên chưa chắc sẽ có “cửa” trong ngôi vị Hoa hậu nhưng rõ ràng mọi thứ đã thay đổi.

Kì Duyên đăng quang năm 2014
Kì Duyên đăng quang năm 2014

“Y phục xứng kỳ đức”

“Hoa hậu có nhiều tiêu chí, phù hợp với từng thời kỳ khác nhau của sự phát triển xã hội, nhưng có một tiêu chí chung không thay đổi, đó là phải đẹp. Vẻ đẹp toát lên từ ngoại hình, từ học thức, từ văn hóa ứng xử và lối sống có trách nhiệm, chứ không phải có danh hiệu cho riêng mình thì sau đó làm gì cũng được. Bởi vì sắc đẹp kiểu đó thì chóng tàn, dù có là hoa hậu đi chăng nữa…” – Nhà báo Nguyễn Như Phong.

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, một người đã ấp ủ nhiều năm để có được sáng kiến tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988. Người đã cùng các đồng nghiệp tổ chức thành công các cuộc thi hoa hậu toàn quốc và đến năm 2002 được Nhà nước cho phép đổi tên là Hoa hậu Việt Nam chia sẻ: “Năm 2012, lúc đó tôi đã thôi làm TBT báo Tiền Phong, nhưng báo vẫn mời tôi làm Trưởng ban giám khảo cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2012 và hoa hậu Đặng Thu Thảo đã đăng quang năm đó. Thật thú vị, cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm nay (2016), Hoa hậu Đặng Thu Thảo là thành viên ban giám khảo.”

Không vô cớ mà nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh lại nhắc đến hoa hậu Đặng Thu Thảo với cương vị là giám khảo cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2016 như vậy, bởi có lẽ không ai không biết hoa hậu Đặng Thu Thảo từ khi đăng quang năm 2012 đến nay là hoa hậu Việt Nam nhận được nhiều sự yêu mến và đồng tình từ phía khán giả nhất. Mang vẻ đẹp thuần khiết, mong manh cùng sự thông minh, thánh thiện nhưng đầy bản lĩnh, hoa hậu Đặng Thu Thảo xứng đáng là người đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Đặng Thu Thảo được khán giả yêu mến gọi là "thần tiên tỉ tỉ" nhờ vẻ đẹp thuần khiết cùng cốt cách chuẩn mực của một hoa hậu
Đặng Thu Thảo được khán giả yêu mến gọi là “thần tiên tỉ tỉ” nhờ vẻ đẹp thuần khiết cùng cốt cách chuẩn mực của một hoa hậu

Trở thành một hoa hậu tức là trở thành đại diện cho người phụ nữ Việt Nam trước toàn thế giới. Một hoa hậu phải đẹp, đẹp từ nhan sắc lẫn cốt cách bên trong, kiến thức phải đi liền với tri thức. Đội trên đầu vương miện hoa hậu Việt Nam, trọng trách của một người đẹp là mang tấm lòng nhân ái cùng tri thức nổi trội của mình truyền đi những thông điệp tốt đẹp đến với xã hội. Những chương trình thiện nguyện, những dự án phát triển xã hội được xây dựng bởi một vẻ đẹp toát ra từ trái tim và nhan sắc rạng ngời thì còn gì tuyệt vời hơn thế!

“Y phục xứng kì đức” – là điều khán giả luôn kì vọng ở các tân hoa hậu mỗi cuộc thi qua…

Tổng hợp từ internet

Nên đọc