KHÁM PHÁ BHUTAN HUYỀN BÍ (P1)

Người dân Bhutan gọi đất nước mình là Druk Yul – nghĩa là miền đất của Rồng Sấm. Cái tên Bhutan mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, theo tiếng Phạn, Bhutan nghĩa là “nơi chấm dứt của Tây Tạng” hay “phía Nam của Tây Tạng”.

Những người đã từng tới Bhutan đều đồng tình với nhận định, Bhutan được ví như một thiên đường nơi hạ giới. Bởi vì, nơi đây còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện kì bí về ngài Liên Hoa Sinh Guru Rinpuche cưỡi lưng thần hổ bay từ Tây Tạng qua Bhutan truyền đạo phật cho người Bhutan…

THIÊN ĐƯỜNG NƠI HẠ GIỚI

Chị Wangchen Hà – có nickname là Hà Bhutan, một người Việt Nam đã lập gia đình và sống tại đây, đang điều hành Công ty Du lịch Bhutan Excursions, cho biết Bhutan được gọi bằng cái tên “Shangri-La cuối cùng” (Thiên đường nơi hạ giới cuối cùng). Bhutan tuy nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ nhưng vẫn nổi bật và được coi là viên ngọc quý của dãy Himalaya. Bhutan thực sự là một thiên đường kỳ thú với sự đa dạng của khí hậu, các hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào.

Bhutan_phunuonline
Chị Hà chia sẻ Bhutan được coi là viên ngọc quý của dãy Himalaya

Đối với bất kỳ ai dù chỉ một lần đặt chân đến đây cũng sẽ cảm nhận được hơi thở của thiên đường trong từng ngóc ngách của sự sống, từng kẽ lá cành cây, và từ mỗi người dân nơi đây. Theo chị Hà Bhutan, những cảnh đẹp hoang sơ mời gọi khám phá, những con người hồn hậu nồng nhiệt chào đón du khách, những ngôi chùa tuyệt đẹp mang đến cảm giác thanh bình và trân trọng cuộc sống là những cảm nhận không thể phai mờ khi ghé thăm cõi niết bàn này.

Như nhiều người đã biết, bên cạnh một nền tôn giáo với lịch sử lâu đời, người dân Bhutan rất chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Tôn giáo chính thức là Phật giáo Đại thừa hay còn gọi là Phật giáo Tây Tạng được ngài Liên Hoa Sinh Guru  Rinpuch truyền dạy. Từ năm 1971, Bhutan đã không dùng chỉ số GDP – tổng sản phẩm quốc nội, là cách duy nhất để đo lường sự tiến bộ đất nước mình. Thay vào đó, vùng đất Shangri-La cuối cùng này đã có một phương thức mới để đánh giá sự thịnh vượng, đó là tổng hạnh phúc quốc gia (GNH – Gross National Happiness).

Nguyên tắc của Bhutan là thiết lập chính sách thông qua các chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia, với các thông số về sức khỏe tinh thần, thể chất dựa trên phát triển công bằng xã hội, bảo tồn văn hoá, bảo tồn môi trường và thúc đẩy quản trị. Với quan niệm đặt thế giới tự nhiên ở trung tâm của chính sách công, việc bảo vệ môi trường đã được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong Hiến pháp của vùng đất Rồng Sấm.

Bhutan_phunuonline.1
Du khách tham quan Bhutan hào hứng với những cảnh đẹp hoang sơ nơi này

Hiện nay, khi thế giới bị vây bủa bởi những những hệ thống tài chính sụp đổ, các nền kinh tế suy thoái, sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và những hiện tượng khí hậu cực đoan trên diện rộng, Bhutan đất nước nhỏ bé theo đạo Phật này đang ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Người dân Bhutan, đất nước được coi là “Thụy Sĩ của châu Á”, càng sống có trách nhiệm hơn với những gì thực sự là của mình, thoải mái tự tại hơn về tinh thần, và ngày càng giàu có hơn về đời sống vật chất.

TRẢI NGHIỆM NÊN CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI

Giới thiệu với mọi người, Hà Bhutan khẳng định ai đã từng đến với Bhutan đều có cảm giác thật sự như lạc vào thiên đường nơi hạ giới, một xứ sở hạnh phúc và một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới phát triển ồn ào bên ngoài mà mình đang sống. Chúng tôi nhiều lần ngắm những tấm hình mà Hà Bhutan đưa lên mạng xã hội, về cuộc sống riêng của gia đình chị, về những khoảnh khắc mà những du khách Việt Nam được Công ty Bhutan Excursions của chị dẫn tour, đều cảm thấy đây quả là mảnh đất huyền bí mà mỗi người nên ước muốn được một lần đến đây.

Chính vì thế, theo chị thì khi đến Bhutan du khách không thể bỏ qua Tiger Nest, biểu tượng của nền phật giáo Bhutan, một ngôi chùa được xây dựng cheo leo trên vách núi cao. Có thể nói, Tiger Nest như một Thánh địa của Bhutan, nơi ngài Liên Hoa Sinh đã cưỡi hổ cái từ Tây Tạng qua đây và dừng chân toạ thiền truyền đạo Phật vào Bhutan.

Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1692 xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup, cheo leo trên vách đá dựng đứng ở độ cao 900m so với thung lũng Paro và khoảng 3000m so với mực nước biển. Ngôi chùa này thờ ngài Liên Hoa Sinh trong 8 hình tướng Ngài hiện thân, lưu trữ nhục thể của Ngài ở tư thế toạ thiền và hàng năm chỉ mở  cửa cho xem vào 3 ngày trong khoảng tháng 2 âm lịch. Đường lên Tiger’s Nest phải mất khoảng 2,5 đến 3 tiếng, có thể đi ngựa 2/3 quãng đường sau đó là leo bộ.

Những địa điểm khác cần tham quan là Thủ đô Thimphu có cung điện Hoàng gia Bhutan. Rồi đến Punakha Dzong, chùa Dzong đẹp nhất và hùng vĩ nhất trong các chùa Dzong ở Bhutan. Bhutan được chia làm 20 tỉnh thành, có rất nhiều chùa. Thế nhưng, chùa Dzong thì mỗi tỉnh thành chỉ có một và được sử dụng như một cơ quan đầu não của tỉnh-thành phố, một nửa chùa Dzong được sử dụng làm nơi làm việc cho cơ quan hành chính đầu não của tỉnh-thành phố và một nửa dành cho văn phòng tôn giáo của tỉnh.

Theo Hà Bhutan, nếu du khách có nhiều thời gian tham quan trên một tuần thì có thể đến thung lung Phobjikha, thung lũng Bumthang và rất nhiều thắng cảnh nữa của Bhutan… Theo đó, tại Bhutan cũng có rất nhiều thứ nên mua sắm mà chị bảo sẽ kể với du khách trong một dịp khác.

Nguồn: Thethaovanhoa.vn

Nên đọc