Vương quốc bí ẩn trên dãy Hymalaya
Nhờ vị trí hiểm trở nên hàng ngàn năm nay, vương quốc Mustang gần như cách biệt với thế giới. Họ sống yên bình trong tĩnh lặng.
“Tao nghĩ với tính cách của mày, mày nên đi Upper Mustang. Ở chốn thiên đường ấy mày sẽ tìm thấy điều mày muốn”, trong một lần trò chuyện, một người bạn Nepal thân thiết của tôi đột nhiên bảo.
Theo bạn, Upper Mustang là một vương quốc ẩn giấu trên dãy Hymalaya, là hình ảnh phản chiếu đậm nét của Tây Tạng cổ xưa huyền bí. Độc đáo hơn, đó là Sa mạc lạnh và rất ít người được đặt chân đến. Chỉ vài câu ngắn gọn thế thôi đã khiến niềm đam mê khám phá trong tôi trỗi dậy mãnh liệt. Vậy là tôi quyết định đến đây, bất chấp lời cảnh báo của bạn rằng chi phí rất đắt và đường đi vô cùng khó khăn.
Ðường đến thiên đường sao gian nan
Dù được cảnh báo trước nhưng khi trả khoản tiền gần 600 USD để xin giấy phép đặc biệt cho tối đa 10 ngày vào vùng Mustang cho Sở Di trú Nepal, tôi vẫn hết sức “đau lòng”. Thông thường người nước ngoài đến Nepal muốn leo núi hay khám phá những cung đường đều phải xin một vài loại giấy phép với một khoản phí thấp, có nơi miễn phí. Vậy mà giấy phép vào cổng Mustang thôi đã 600 USD lại bị giới hạn số ngày lưu trú. Quá thời hạn sẽ phải nộp thêm 50 USD/ngày trễ hạn. Chính phủ Nepal cho hay Mustang cần bảo vệ nghiêm ngặt nên không khuyến khích du lịch đại trà. Mỗi năm Nepal chỉ cấp phép cho tối đa một ngàn du khách đến đây. Việc thu phí cao ngất ngưởng là cách kén khách để bảo tồn nền văn hóa độc đáo của nơi này. Thậm chí rất ít ỏi người dân Nepal đến đó. Khi nghe tôi nói sẽ đi Upper Mustang, nhiều người đã không giấu được bất ngờ và ngưỡng mộ.
Xin được giấy phép rồi tôi vẫn lo lắng không yên. Những ngày tháng 11 khi tôi ở đây, cả đất nước Nepal rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Vừa trải qua trận động đất lịch sử tháng 4, chỉ vài tháng sau Nepal lâm vào khủng hoảng nhiên liệu. Ấn Độ đóng các cửa khẩu với Nepal, xăng dầu không thể đưa vào nước này bằng đường bộ nên chỉ còn con đường hàng không nhỏ giọt. Nhiều nhà hàng đóng cửa, người dân thủ đô phải dùng củi, than nấu ăn. Giá xăng dầu tăng hơn năm lần, lên khoảng 100.000 đồng/lít mà phải xếp hàng dài chờ mua từng lít một.
“Tao không chắc mày đến được Mustang đâu vì phải qua rất nhiều chặng đường và rất có thể không có xe. Nếu đi bộ thì mày sẽ không kịp thời hạn của giấy phép”, bạn tôi bảo. Thôi thì cứ liều…
Dù đã chuẩn bị tinh thần để leo lên những chuyến xe bão táp nhưng thực tế đường tới Mustang cực nhọc hơn tôi hình dung nhiều lần. Có hôm tôi phải ngồi trên nóc xe buýt từ sáng đến tối mịt cùng với hơn bốn mươi người. Thời tiết vùng núi vô cùng khắc nghiệt, sáng sớm sương mù tê tái nhưng đến trưa thì nắng chói chang, chiều về lại lồng lộng gió. Đường đi mịt mờ bụi bặm. Không biết bao nhiêu lần tôi phải nhắm mắt lại khi những chuyến xe già nua đang cõng tôi và hàng chục con người oằn mình bò qua những con đường cheo leo bên miệng vực thẳm.
Có hôm để không lỡ xe, tôi chưa kịp ăn uống, từ sáng đến chiều chỉ gặm vài viên kẹo. Đói và mệt lả, tôi ngồi vặt vẹo trong xe nhìn ra núi rừng hùng vĩ hoang vắng mà rã rời, chán nản. Ngạc nhiên là tôi không thấy ai kêu ca, giận dữ khi xe hỏng hóc dọc đường, khi mỏi mòn ngồi nhiều tiếng đồng hồ chờ xe mua được xăng, khi phải nhích tới trở lui để tìm từng milimet chỗ ngồi trên chiếc xe ọp ẹp hay khi phải cõng hành lý nặng trĩu giữa cái lạnh thấu xương leo núi hàng trăm mét trong đêm tối để chuyển xe. Sự nhẫn nại, chịu đựng và hiền hòa của họ, những người Nepal ấy, thương sao là thương…
Bảo tháp trên đường đến Lo Manthang, kinh đô của vương quốc Upper Mustang.
Sa mạc lạnh hay xứ sở của những bức tường
Mười sáu chặng xe nhọc nhằn đi về, cuối cùng tôi cũng thỏa ước mong khám phá vương quốc bí ẩn Mustang. Giờ thì tôi hiểu vì sao Upper Mustang được gọi là vương quốc ẩn giấu trên dãy Hymalaya. Upper Mustang có bảy ngôi làng với kiến trúc độc đáo nằm nương mình trên những ngọn núi hùng vĩ cao hàng nghìn mét ngàn năm tuyết phủ. Núi ở đây hình thù kỳ vĩ, trên thân núi có những vân nằm ngang đủ màu đủ sắc, những hang động lớn nhỏ bí ẩn.
Trên đường đi, giữa mênh mông trời đất không một bóng người, thỉnh thoảng xuất hiện vài ngôi bảo tháp màu đỏ cam với những lá cờ cầu nguyện vây quanh. Upper Mustang là chân trời mênh mông cát đá với những bụi cây trơ trụi. Hiếm khi thấy bóng người. Chính vì vậy người ta còn bảo Upper Mustang là Sa mạc lạnh. Sa mạc luôn được hình dung là cát và nắng nóng. Ở đây cũng toàn là cát nhưng trời lại lạnh cóng quanh năm. Mùa đông, tất cả trường học phải đóng cửa để học sinh di dời về các vùng khác ấm áp hơn. Càng gần đến Lo Manthang, kinh đô của vương quốc bé nhỏ này, trời càng rét buốt, không khí càng loãng – nơi đây cao gần 4.000 m so với mặt nước biển.
Không biết có kinh đô nào bé nhỏ, nghèo nàn và lạ lùng như Lo Manthang của Upper Mustang không nhỉ? Mọi người bảo với tôi Lo Manthang có khoảng 600 nóc nhà với hơn hai ngàn dân. Nhưng thực ra nhà của người xứ Lo bé xíu xiu, cũ kỹ và ọp ẹp. Cũng như sáu ngôi làng còn lại của vương quốc, kinh đô Lo Manthang bao quanh bởi những bức tường dài. Trong những bức tường lớn ấy có những bức tường nhỏ. Sau mỗi bức tường nhỏ là những bức tường nhỏ hơn. Nhà ở đây căn nào cũng giống căn nào, cũng có cái cổng nhỏ xíu và những bức tường. Để chống chọi với những cơn gió, nhà không lợp mái mà chất rơm và củi đốt. Việc làm tường xung quanh vừa để bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ gia súc và vài cây trồng quý giá hiếm hoi. Nghe nói từ khi lập quốc từ trước thế kỷ thứ VII, vị quốc vương đầu tiên đã cho xây những bức tường như thế và tập quán đó đến nay vẫn giữ nguyên. Bởi vậy, Upper Mustang còn được biết đến như là Xứ sở của những bức tường. Hay chưa! Một vương quốc nhỏ xíu mà có tới bốn tên gọi, tên nào cũng bí ẩn và thú vị.
Người dân xứ Lo trước công cung điện.
Lo Manthang là xứ sở của những bức tường.
Ở Lo Manthang, ngựa là phương tiện vận chuyển phổ biến.
Một ngôi làng ở Upper Mustang – vương quốc ẩn giấu trên dãy núi tuyết.
Cùng gia đình một người nông dân trên thửa ruộng ở Lo Manthang.
Cung điện bằng đất của vị vua cuối cùng
Chắc Lo Manthang là một trong những kinh đô hiếm hoi trên thế giới đến giờ vẫn chưa có lưới điện, không có Internet, bưu điện thì không bán tem. Nhờ nguồn điện năng lượng mặt trời, buổi tối ngôi nhà tôi ở le lói chút ánh đèn. Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa chủ yếu vẫn dựa vào sức ngựa.
Vị trí tôn quý nhất ở kinh đô dĩ nhiên là cung điện của nhà vua Jigmi Palbar Bista. Nhưng cung điện ở đây hoàn toàn không lung linh như những cung điện tôi đã từng thấy. Cùng với Lo Manthang, cung điện được xây hơn 500 năm trước và là công trình cao nhất ở Lo Manthang. Cung điện cũng được bao quanh bởi những bức tường bằng đất. Trước cánh cổng chính dẫn vào cung điện là một cây cờ cầu nguyện và một khoảng sân trống làm trung tâm sinh hoạt của người dân. Họ giã bột, làm hương, họ ngồi cầu nguyện, họ chơi đàn… nơi đây.
Men theo những bức tường của cung điện là các bảo tháp màu đỏ cam quen thuộc và những bánh xe cầu nguyện của Phật giáo Tây Tạng. Cung điện nhà vua cách nhà dân một cái hào nhỏ xíu, dân ra vào thoải mái. Không có chút bóng dáng của lộng lẫy xa hoa, cung điện cũng xây từ đất và đá như nhà dân vậy. Sát cung điện là ba tu viện lớn, cũng cổ xưa như mọi công trình ở Lo Manthang. Thật tiếc cho tôi, do ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng vừa rồi, cung điện bị nứt nhiều nơi nên phải đóng cửa để tu sửa. Và cả gia đình nhà vua đang dời về một tu viện lớn ở thủ đô Kathmandu. Nếu đến trước tháng 4, tôi đã được vào cung điện lạ lùng này và có thể yết kiết nhà vua.
Người dân xứ Lo cho tôi biết do những thay đổi về chính trị, bảy năm trước đây nhà vua đã tuyên bố thoái vị. Đây cũng là vị vua cuối cùng của vương quốc này. “Dù vậy chúng tôi vẫn luôn kính trọng và mãi xem ông là nhà vua của mình”, anh chủ nhà cho hay khi tôi thấy những bức ảnh nhà vua cùng gia đình được treo trang trọng trong nhà của họ.
Buổi sáng hôm sau trời vừa chớm đông nhưng Lo Manthang đã lạnh căm căm. Tuyết phủ trắng xóa trên những bức tường quanh nhà. Bặm môi chịu rét, tôi theo người Lo cưỡi ngựa đến ngôi làng Chhoser, vùng biên ải cách Tây Tạng vài bước chân. Trên đường, họ chỉ cho tôi những ngọn núi phủ đầy tuyết vẫn còn sót lại dấu tích của kinh đô xưa khi chưa dời về Lo Manthang. Họ cũng đưa tôi đến những hang động nằm chót vót trên sườn núi xưa kia từng là chốn ẩn mình của các nhà sư…
Đường đến Mustang quá gian nan vất vả, thời tiết khắc nghiệt, thức ăn khan hiếm lại vô cùng đắt đỏ. Có những lúc tôi nhủ lòng thôi nhanh nhanh về. Vậy mà vừa rời khỏi vương quốc bé nhỏ lạ lùng này, tôi lại nhớ cồn cào. Nhớ thanh âm lóc cóc của đàn ngựa trên đường, nhớ những nụ cười phóng khoáng, hồn nhiên trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió của người Lo, nhớ những ngôi nhà nhỏ bé khuất sau những bức tường đất, nhớ cả cung điện xiêu vẹo của vị vua cuối cùng. Không biết lần sau trở lại, tôi còn thấy Mustang như vậy nữa không?
Cách biệt với thế giới
Hơn ngàn năm chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Tạng, Upper Mustang chẳng khác gì xứ sở Tây Tạng ngày xưa từ tôn giáo đến trang phục, ẩm thực hay những nghi lễ, phong tục tập quán. Buổi sáng, người dân cũng một tay cầm tràng hạt, một tay cầm bánh xe cầu nguyện đi nhiều vòng cầu nguyện. Họ cũng uống trà muối, cũng làm bánh mì kiểu Tây Tạng. Khi chết, chỉ trừ gia đình hoàng gia và các vị chức sắc tôn quý nhất được chôn cất, tất cả thần dân đều được thiên táng như người Tây Tạng.
Theo Pháp luật TP HCM