HÌNH TƯỢNG ZOMBIE LƯỜI VẬN ĐỘNG GÂY “CHIA RẼ” CỘNG ĐỘNG MẠNG
“Người Việt đang tạo ra một thế hệ lười vận động” – hẳn chúng ta chẳng còn xa lạ với những lời lẽ phê phán gay gắt như thế. Tuy nhiên, hình tượng zombie lười vận động những ngày qua đã một lần nữa khiến chủ đề này gây tranh cãi hơn. Có người đồng tình, có người phản đối và chính những người nổi tiếng như nhà văn Giáo sư Cù Trọng Xoay, VJ Thùy Minh, hot blogger Jvevermind, Phan Ý Yên đều có quan điểm riêng của mình!
Không hiểu ở đâu ra suy nghĩ này luôn!
Người đi đầu là VJ Thùy Minh. Thùy Minh thẳng thắn chia sẻ “đừng ai nói thế hệ trẻ Việt Nam lười biếng, vật vờ như xác sống, không chịu vận động, tập thể dục thể thao… nữa nhé!”. Tưởng như đang bảo vệ những cô cậu zombie, bà mẹ trẻ càng vạch rõ căn bệnh lười vận động đáng xấu hổ trong giới trẻ. Các bạn “đi bộ nhiều đấy, mỗi tội không phải bằng chân mà là bằng… tay!”. Cùng tìm thấy sự thú vị trong hiện tượng zombie, Giáo sư Xoay cũng bỏ thời gian ngồi ngẫm nghĩ về thế hệ trước của anh và thế hệ trẻ ngày nay: “hồi đó yêu xa, cuối tuần mượn bạn cái xe đạp, đạp phăm phăm đi về hai chục cây số chỉ để gặp cười nói mấy câu mà cũng chẳng hề biết mệt. Giờ thì “bọn trẻ” hẹn nhau ra phố đi bộ để ngồi lướt face đến tối rồi phóng xe về… Chả zombie là gì…”. Zombie là tên gọi chuẩn không cần chỉnh!
Ngược lại, vlogger JVEvermind nhất quyết không đồng ý với cái mác zombie ấy. Đại diện cho cả một lớp trẻ, anh chàng thật sự bất ngờ với cách so sánh giới trẻ – zombie: “Không hiểu ở đâu ra suy nghĩ này luôn”. Vận động không đồng nghĩa với tập thể dục. Thiết nghĩ, vận động chỉ gói gọn trong tập thể dục sao mà áp đặt tư tưởng quá? Giờ xã hội đã khác rất nhiều, vận động không bị bắt buộc nữa mà trở thành một lối sống tự chọn. Xuất phát từ sự bức xúc cho việc đánh đồng cả một thế hệ là zombie, nhà văn nữ Phan Ý Yên mang niềm tin về một thế hệ zombie đã “tiến hóa” bên cạnh nhóm zombie tự thả trôi và đánh rơi sức khỏe của mình qua năm tháng.
Zombie có là giải pháp tốt?
Theo nghĩa gốc, zombie là các xác chết sống lại, đi lại dật dờ, không có hồn, không có ý thức. Nên hay không khi mang cả thế hệ trẻ Việt Nam đặt vào hình tượng zombie có sẵn ấy?
Xét về bản chất, vận động là hai từ quá đỗi xa xỉ đối với zombie. Zombie vốn không suy nghĩ, cứ dật dờ nghiêng lắc theo quán tính. Giới trẻ cũng dần hoạt động theo quán tính. Mắt thì dán vào màn hình điện thoại, tai thì nghe nhạc K-POP, tay thì hoạt động hết công suất ở các thể loại bàn phím có trên đời, chân thì bước đi thôi. 10 giây nhìn đường một lần cũng không xảy ra tai nạn. Giác quan nào còn thời gian nghỉ ngơi! Cứ thế, chúng rệu rã và đuối sức qua từng ngày. Nhưng thật sự trong giới trẻ, không ai là không biết tác dụng của vận động: khỏe người, khỏe tim, khỏe xương. Vậy mà các cô cậu vẫn thích than mình lười vì những nguyên nhân khách quan hơn. Bước ra đường 10 bước là giới trẻ có ngay những lộ trình ăn chơi. Vận động đương nhiên là một trong những thứ xếp từ dưới lên. Làm zombie sống qua ngày thích thật! Cảm giác ngồi ì một chỗ hấp dẫn quá nhiều so với vận động.
Nói xuôi thì cũng phải nói ngược, hình tượng zombie có thật sự là giải pháp giúp các bạn trẻ thức tỉnh? Một bộ phận giới trẻ sống xứng đáng và không bỏ lỡ một giây phút thanh xuân nào vẫn đang kêu trời vì oan ức. Họ vận động và di chuyển bằng cả cơ thể. Nhiệt huyết trong họ không thể đặt lên bàn cân với sự lờ đờ, yếu ớt của zombie. So sánh cả một thế hệ trẻ Việt Nam với cộng đồng zombie kinh dị chỉ thấy trong phim Mỹ có chăng là một quan điểm bảo thủ và quy chụp. Có chăng những bạn trẻ lười như zombie là những con sâu làm rầu nồi canh.
Câu chuyện zombie hiện nay vẫn chưa giảm sức hút. Dù thế nào thì cách sử dụng hình tượng zombie đã góp công trong việc thức tỉnh bệnh lười vận động khó trị của giới trẻ Việt Nam. Nếu bạn dành thời gian suy ngẫm về zombie, về nguồn gốc của vấn đề, những ngày thanh xuân của thế hệ trẻ sẽ có giá trị hơn nhiều đấy!