Kỳ bí lăng mộ cổ: Ngôi mộ đại thần Phan Thanh Giản
Về H.Ba Tri (tỉnh Bến Tre), ngoài khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu ở thị trấn Ba Tri, tại xã Bảo Thạnh ven biển còn có khu mộ của đại thần Phan Thanh Giản, một nhân vật lịch sử triều Nguyễn gây nhiều tranh luận cho hậu thế.
Theo đường nhỏ quanh co qua nhiều khúc rẽ, từ thị trấn Ba Tri đi khoảng 8 km dọc theo đường đê bao, chúng tôi đến khu mộ Phan Thanh Giản tọa lạc tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh. Mặc dù hiện tại khu mộ được chính quyền quan tâm chỉnh trang khá khang trang với đền thờ và hệ thống tường rào bao quanh, nhưng do hẻo lánh xa xôi, cùng với những định kiến về lịch sử, nên rất ít người biết tới khu mộ.
Những tương truyền về ngôi mộ
Ngôi mộ nguyên thủy của Phan Thanh Giản được nhân dân trong vùng xây dựng từ năm 1867, sau khi ông qua đời. Hiện tại không rõ kết cấu hình dáng mộ của ông ban đầu ra sao.
Năm ấy, Phan Thanh Giản đang làm Tổng đốc Vĩnh Long. Trước sức mạnh của quân đội Pháp, nhận thức được binh lực của triều đình và thời đại, không muốn nhìn thấy đồng bào và binh lính phải đổ máu xương, ông đã bỏ thành Vĩnh Long đầu hàng để tránh thương vong, từ đây Nam kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp. Chịu mang tiếng “bán nước”, sau khi tuyệt thực 17 ngày liên tiếp vì dày vò với đất nước và vua, Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử. Con cháu đã phải đem trộm thi hài của ông về Bảo Thạnh an táng khẩn cấp.
Tương truyền sau khi đưa thi hài ông từ Vĩnh Long về Bảo Thạnh bằng ghe, người dân và con cháu chỉ đắp mộ ông bằng đất sơ sài. Sau đó, qua nhiều lần tu sửa trong thế kỷ 20 cho đến hôm nay, khu mộ có kết cấu kiến trúc khá đơn giản với bình phong tiền, bia mộ, nấm mộ hình voi phục, trên nấm mộ có biểu tượng xoắn và hồi văn chữ S; kết thúc là bình phong hậu và hai dải tường thành thấp bao bọc ra cửa mộ, tất cả đều mang những đặc điểm kiểu thức mộ của người Việt gốc Hoa. Hai bên bình phong hậu có hai liễn đối được một số nhà Nho dịch là: “Giọt sương lắng đọng mùa xuân, hơi sương lan tỏa vào mùa thu làm cho lòng người se lại; Hoa núi cỏ cây như bùi ngùi tiếc thương”.
Bia mộ Phan Thanh Giản có nội dung: Quốc hiệu Đại Nam, mộ của Tiên công người họ Phan, được phong là Hiệp biện Đại học sĩ Toàn quyền đại thần; không rõ ngày tháng lập bia. Tuy nhiên, vào năm 1916, người dân lại lập một tấm bia khác đề tự: Nam kỳ (phía nam nước Việt)… Mộ của lão thư sinh họ Phan công. không ghi niên hiệu lập bia mà ghi là Thiên quốc năm Bính Thìn (1916).
Đã có nhiều lời truyền lại rằng khi ở Vĩnh Long, ông chỉ muốn sau khi mình qua đời, con cháu dựng bia mộ với nội dung: Lương Khê Phan lão nông chi mộ (mộ của người họ Phan, hiệu là Lương Khê, là một nông dân già). Có người hỏi vì sao cương vị như ông lại không đề chức tước, ông trở lại với đúng bản chất nhà Nho đầy thâm thúy cho rằng: “Những hạng thường dân hay cầu chức khoe danh. Ta xem việc ấy là một sự hổ thẹn”. Và cũng tương truyền trên quan tài của ông, ông cũng đã tự tay mình đề hiệu với nội dung: Đây là quan tài của thư sinh họ Phan ở góc biển nước Nam.
Điều đáng nói là mặc dù Phan Thanh Giản phải gánh cái án lịch sử: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” (Chánh sứ Phan Thanh Giản và Phó sứ Lâm Duy Hiệp đi đàm phán và bán nước Việt; Triều đình bỏ rơi dân đen để cầu toàn cho hoàng gia), nhưng người dân Nam bộ nhiều nơi vẫn tôn nhớ và ghi nhận công lao của ông như vị thần đáng kính. Hiện nay, ngoài đền thờ ông trong khu mộ ở Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre, ông còn được thờ trong Văn Thánh miếu Vĩnh Long, đình Ba Thê (thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang), đình Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và nhiều nơi khác nữa, chứng tỏ ông là một vị quan có nhân cách cao cả trong lòng dân qua nhiều đời.
Cái nhìn lịch sử đa chiều về Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản (1796 – 1867) tên tự là Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê, người gốc Trung Hoa, tổ tiên ông sang xin thần phục chúa Nguyễn và trở thành con dân Việt Nam. Năm 1826, ông là người đầu tiên ở Gia Định thi đỗ tiến sĩ, sau đó trải qua nhiều chức vụ trở thành quan lớn dưới thời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, chức vụ cao nhất của ông là Khâm sai đại thần toàn quyền, Hiệp biện đại học sĩ, Kinh lược sứ Nam kỳ, Tổng tài Quốc sử quán, soạn thảo bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục.
Sau khi Pháp xâm chiếm VN, vua Tự Đức cử ông làm chánh sứ đi thương thảo và ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp năm 1862. Không biết vì lý do gì mà cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, ông đã để mất 3 tỉnh Đông Nam bộ và bị cách chức Tổng đốc Vĩnh Long và sau đó tự tử như đã nói ở trên. Triều đình truy luận tội xử trảm ông nhưng vì ông đã chết nên tha, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ. Đến thời Đồng Khánh mới xóa bỏ án, truy phục chức tước và khắc lại tên trên bia.
Trong những năm qua, giới sử học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học, xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Phan Thanh Giản đối với lịch sử dân tộc nhằm ghi nhận lại công lao của ông, trả lại cho lịch sử những gì thuộc về chân lý khi phê phán nhân vật lịch sử ở góc độ đa chiều, khi mà trong suốt thời gian dài trước đây ông bị mang danh là “kẻ bán nước”.