Lễ cuối năm mời tổ tiên về ăn Tết: Những việc nên và không nên
Phunuduongthoi.vn – Lễ tạ mộ, lễ chạp là lễ cuối năm mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Đây là việc quan trọng của mỗi gia đình thể hiện lòng hiếu kính. Nên và không nên làm gì khi thực hiện nghi lễ này?
Lễ cuối năm còn gọi là Lễ tạ mộ, Lễ chạp, là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.
Lễ này được hiểu là con cháu đi thăm mồ mả ông bà, tổ tiên cuối năm để sửa sang, quét dọn và thắp hương rước linh hồn tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.
Tạ mộ còn có ý nghĩa để thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Việc làm này cũng góp phần tạo nên sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”.
Thực hiện lễ cuối năm vào khi nào?
Lễ tạ mộ được thực hiện vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, từ ngày 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết. Nhưng lễ này cũng có thể thực hiện sớm hơn, tùy theo điều kiện của từng gia đình.
Tuy nhiên, các gia đình thường chọn làm lễ tạ mộ, sau ngày 23 tháng Chạp, sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo để mời ông bào tổ tiên về ăn Tết.
Cần chuẩn bị gì cho lễ cuối năm?
Tạ mộ ngày Tết nhắc nhở con người về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là cơ hội để những người còn sống thể hiện tấm lòng với người đã khuất.
Vì vậy, để chuẩn bị nghi lễ này, không quan trọng mâm cao, cỗ đầy hay lễ vật quý giá, mà cốt yếu ở tấm lòng của con cháu thành kính tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên, những người đã khuất.
Tùy theo điều kiện từng gia đình có thể chuẩn bị hoa tươi, trái cây, vàng hương, rượu lễ hay mâm lễ chay, lễ mặn… để dâng cúng người đã khuất.
Những việc cần làm tại lễ cuối năm
Trước khi tiến hành dọn dẹp phần mộ, người chủ gia đình hoặc người lớn tuổi cần thực hiện thắp hương xin phép và đọc văn khấn tảo mộ cuối năm. Trong khi đợi hương tàn, con cháu có thể tiến hành dọn dẹp phần mộ. Khi nén hương cháy được 2/3 thì gia chủ có thể tiến hành hóa vàng và xin thụ lộc.
Một số việc nên làm tại lễ cuối năm:
- Sửa sang, dọn dẹp khu mộ cho sạch sẽ mặt trước, mặt sau và khu vực xung quanh.
- Nhổ phát cỏ, cây dại xung quanh khu mộ.
- Có thể trồng hoa, trang trí cho khu mộ đẹp và ấm cúng.
- Thắp hương cho những mộ phần xung quanh khu mộ của gia đình.
- Nên ăn mặc lịch sự, trang trọng để thể hiện sự tôn nghiêm, thành kính với những người đã khuất. Nếu đi cùng con, cháu, đây là dịp để giải thích cho con cháu về ông bà, tổ tiên và công đức dòng họ.
- Sau khi đi tảo mộ về, nên tắm giặt sạch sẽ để loại bỏ hàn khí, bụi bẩn.
Những việc không nên làm tại lễ cuối năm:
- Không giẫm đạp lên mộ nhà và các mộ xung quanh, làm xáo trộn phần mộ
- Nên tiến hành tảo mộ cuối năm vào buổi sáng, hạn chế tảo mộ vào những ngày trời u ám để tránh nhiễm khí lạnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Không nên đùa giỡn, cười nói to, nói những lời khiếm nhã khi đi tảo mộ.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: