Huế, Quảng Trị đang sốt đất do dự án ảo
PhunuOnline.net – Sau TP Đà Nẵng, Quảng Nam, giá nhà đất ở TP Huế và các khu vực lân cận như thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang… đang nóng lên từng ngày, nhiều lô đất được bán qua tay giá gấp 2-3 lần so với giá “sàn” được đấu giá từ trước.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo một số chuyên gia, là do việc đầu cơ chứ không phải do nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.
Câu thần chú “đất quy hoạch”
Trong vai một người đang cần mua đất xây nhà ở, chúng tôi lân la đến các quán cà phê dọc vùng quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) để tìm hiểu giá đất ở đây. Biết khách có nhu cầu, một người tên N. tự giới thiệu là người môi giới đất tại đây chủ động đến bắt chuyện. Không cần vòng vo, N. hỏi thẳng là chúng tôi có bao nhiêu tiền để mua đất.
“Ở khu vực này giá đất dao động từ 17-25 triệu/m2 tùy vào vị trí” – N. nói rồi cho biết có một mảnh đất rộng khoảng 105m2 có giá bán gần 2 tỉ đồng, nếu chúng tôi muốn sẽ dẫn đi xem.
“Khu vực này cách xa trung tâm TP Huế, em lại thấy quỹ đất còn nhiều mà tại sao giá đất lại đắt đến vậy?” – tôi hỏi. “Do đất quy hoạch khu đô thị mới em ạ. Nhiều khu đất liền kề khu quy hoạch cũng có giá từ 16 triệu đồng/m2 rồi” – N. trả lời ngắn gọn.
Theo tìm hiểu, không chỉ giá đất ở Huế đang “sốt” mà cả giá nhà ở cũng đang nóng lên theo. Qua một trang mạng mua bán nhà chung cư ở Huế, giá bán trung bình một căn chung cư rộng tầm 50m2 rơi vào khoảng 650-900 triệu đồng tùy từng tầng và vị trí chung cư.
“Nhiều khu chung cư dù chưa được xây dựng hoàn thiện nhưng số căn hộ đã được bán gần hết. Riêng ở khu này, 1 căn chung cư cũ diện tích khoảng 50m2 có giá bán lại cũng tầm hơn 600 triệu đồng” – anh Khánh, một người dân ở chung cư Vicoland (phường Xuân Phú, TP Huế), nói.
Coi chừng đất “chững”
Tình trạng sốt đất không chỉ bây giờ mới xuất hiện ở Thừa Thiên – Huế. Theo ông Lê Việt Cường – giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế, tình trạng sốt đất đã từng xảy ra vào năm 2007. Ông Cường dự đoán đợt sốt đất ở Huế lần này cũng sẽ như lần trước, chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi giá đất sẽ chững lại.
“Lúc đó, những người đầu cơ, vay tiền ngân hàng để mua đất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá đất không tăng mà tiền lãi ngân hàng cứ đến hạn thì phải trả” – ông Cường nói.
Nguyên nhân của việc sốt đất ở Huế, theo ông Cường, có thể một phần do quá trình lan tỏa thị trường bất động sản theo xu hướng từ Nam ra Bắc. Đà Nẵng đã trải qua giai đoạn này và Huế cũng vậy.
“Nhiều nhà đầu tư ở phía Nam và phía Bắc đã tìm về Huế để mua đất. Điều này khiến quỹ đất khan hiếm nên giá đất bị đẩy lên cao” – ông Cường nói.
“Sốt” đất lan ra tới Quảng Trị
Khoảng nửa tháng nay, giá đất tại khu vực tây nam thuộc TP Đông Hà (Quảng Trị) bỗng nhiên có dấu hiệu tăng bởi thông tin khu vực này sắp xây dựng trung tâm thương mại lớn mà các nhóm “cò đất” tung ra.
Theo tìm hiểu, khu vực này là khu mới mở rộng của đô thị TP Đông Hà. Giá đất thời điểm bán đấu giá tại khu vực này hơn 2 năm trước vào khoảng 500-600 triệu đồng/nền. Tuy nhiên, thời gian khoảng nửa tháng nay giá đất tại đây đã nhảy lên mức từ 800-900 triệu đồng/nền.
Cũng theo xác minh của phóng viên, giá đất khu vực này tăng kể từ khi có thông tin từ một số “cò đất” về việc ở khu vực này sắp xây dựng một trung tâm thương mại lớn. Những người mua đất quanh đó về lâu dài sẽ phát sinh lợi nhuận cao nhờ cho thuê hoặc bán lại.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở đô thị tại TP Đông Hà thực chất tỉnh chỉ mới đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu từ năm 2016 theo đề xuất của Tập đoàn Vingroup. Nhưng vị trí đề xuất là ở khu vực đường Huyền Trân Công Chúa, gần khu công viên Lê Duẩn chứ không phải ở khu đô thị tây nam Đông Hà.
Hoa Liên
Tổng hợp
Xem thêm:
Sỏi thận ảnh hưởng mật thiết tới sức khỏe sinh lí