Sự thật về son handmade không chì

Để “chống” lại với nỗi lo trong son môi có chì, nhiều chị em phụ nữ đã chuyển sang dùng son handmade(son tự chế) và tin vào những lời quảng cáo có cánh từ các cửa hàng son online

 

 

Nhiều người tỏ ra tin vào những lời cam kết “mật ngọt” như: son 100% không chì, Đền 20 triệu nếu sai sự thật; Nguyên liệu làm nên son có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe… và không ngần ngại chi tiền để mua trong khi không biết chất lượng thật sự của nó ra sao.

 

Son handmade được “ra đời” như thế nào?

 

Theo quản lý của một cửa hàng bán son handmade online cho biết, nguyên liệu chủ yếu để làm nên son được kể đến như: bơ, sáp đậu nành, sáp ong trắng, vitamin E…và thường trải qua 3 khâu cơ bản là: đong đếm tỉ lệ nguyên liệu, đổ khuôn và cuối cùng là khâu hoàn thiện.

 

Khi đã có nguyên liệu đầy đủ thì bắt đầu cân đếm nguyên liệu theo một tỉ lệ nhất định, để son không bị sai lệch về màu. Tiếp đó khi việc pha màu đã hoàn tất, thì đến công đoạn đổ hợp chất mới pha được vào khuôn. Việc giữ hợp chất trong khuôn phải mất thời gian khoảng từ 1- 2 giờ đồng hồ, và với mỗi lần đổ khuôn như vậy sẽ thu được 24 cây son. Để tránh tình trạng lẫn màu son, thông thường mỗi lần đổ khuôn chỉ đổ một màu duy nhất, cho đến khi việc đổ khuôn cho màu son này kết thúc, mới chuyển sang đổ khuôn cho màu son khác.

 

Cơ sở sản xuất mất vệ sinh

 

Có mặt tại một cửa hàng son handmade trên địa bàn quận Hoàng Mai, chúng tôi thấy rằng mọi khâu để làm nên thỏi son đều được thực hiện dưới nền nhà, phía trên chỉ đặt những tấm bìa các tông. Theo quan sát, chất tạo màu chỉ được đựng trong những túi ni lông, và không ghi thêm bất kỳ một thông tin nào ngoài màu sắc và khối lượng của nó. Những thỏi son sau khi được đổ khuôn xong lại được chất đống trong một cốc nhựa. Thậm chí có cả vật nuôi đi lại trong phòng làm son, trong khi những cốc nhựa chứa nguyên liệu đặt cạnh đó không hề được đậy nắp che chắn.

 

Tờ cam kết không rõ ràng

“Cam kết 100% không chì – Đền 20 triệu nếu sai sự thật”. Đó là lời cam kết nhằm quảng cáo, khuếch trương về độ an toàn cho những thỏi son của họ. Kèm theo đó là ảnh chụp kết quả thử nghiệm không chì do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp.

Tuy nhiên ở phía dưới phiếu kết quả thử nghiệm này có ghi 3 chú ý, 1 trong số đó là: “Phiếu kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu thử do khách hàng đưa tới”. Điều này đồng nghĩa với việc không ai dám đảm bảo rằng những thỏi son còn lại của cửa hàng đều không chì như trong thử nghiệm.

Và giả sử rằng người tiêu dùng trong quá trình sử dụng, dẫu biết son bị nhiễm chì đi chăng nữa, thì liệu rằng người tiêu dùng có thể bỏ ra một khoản tiền kha khá để kiểm định chì cho một thỏi son chỉ có giá 130-160 nghìn đồng?

Và cũng đã có không ít ý kiến của chị em về độ bền màu của son handmade, khi cửa hàng cam kết không chì, và câu trả lời nhận được từ họ rất chung chung rằng vốn dĩ trong nguyên liệu của son đã có những thành phần tự nhiên, giúp cho son luôn được tươi mới và bền màu. Còn số khác lại cho rằng, đó là “bí kíp” của cửa hàng nên không thể tiết lộ.

Hơn nữa, để có được kết luận chung nhất về độ an toàn của son đối với người sử dụng, thì rất cần đến những kiểm định của ngành y tế, chứ không riêng gì phiếu kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1. Tuy nhiên điều này lại không thấy các cửa hàng bán son handmade đề cập đến.

=> Chính vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, thì “người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông minh; cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm cũng như những thông tin liên quan đến phía cung cấp hàng trước khi mua. Nếu có giao dịch, mua bán thông qua thương mại điện tử thì nên thanh toán theo phương thức trả sau, để tránh trường hợp giao tiền nhưng không nhận được hàng, hoặc nhận được hàng nhưng lại không đúng với mẫu theo thỏa thuận ban đầu”- một số khuyến cáo mà luật sư Thiệp đưa ra cho người tiêu dùng.

Những loại son handmade Việt Nam giá tốt- chất lượng tốt

Nên đọc