5 bí quyết chọn mua và bảo quản bánh Trung thu
Một hộp bánh Trung thu với bao bì trang nhã, chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các nguyên liệu khéo léo kết hợp với nhau để tốt cho sức khỏe… luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng để tận hưởng mùa trung thu an toàn, trọn vẹn.
1. Hiểu đúng về bánh Trung thu
Bánh Trung thu là loại bánh tươi, được sản xuất để phục vụ nhu cầu biếu tặng, thưởng thức của người dân trong dịp tết Trung thu, mùa lễ hội quan trọng thứ hai của người Việt. Bánh có độ ẩm cao, do đó có thể bị hư hỏng, không sử dụng được nếu không tuân thủ điều kiện bảo quản. Bên cạnh đó, bánh Trung thu cũng cần thời gian nhất định để vỏ bánh, nhân bánh hòa quyện và đạt hương vị hoàn hảo nhất. Chính vì thế, bánh có hạn sử dụng ngắn, thường không quá 3 tháng và chúng ta chỉ nên dùng bánh trong hạn sử dụng.
2. Nhận diện bánh ngon bằng mắt thường
Nhiều người cho rằng phải đến lúc cắn miếng bánh trên môi mới biết bánh ngon dở. Điều này không sai nhưng cũng chưa hẳn đúng, bởi chúng ta cũng có thể nhận biết bánh ngon qua quan sát bằng mắt thường. Về màu sắc, bánh nướng ngon có màu vàng hơi sậm và đều, có độ bóng vừa phải (nếu độ bóng quá nhiều có thể bánh đã để lâu), vỏ bánh mềm, có mùi thơm đặc trưng. Bánh dẻo nên chọn bánh hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh, ấn vào cảm thấy vỏ mềm nhưng không quá dính hay nhão.
“Chúng ta không nên mua những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn, bao bì đã bị rách hay có những vết đốm lạ như đốm vàng, xanh, trắng… Đây là một trong những dấu hiệu của bánh bị hỏng, mốc, kém chất lượng hoặc không an toàn cho sức khoẻ” – Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, đưa ra lời khuyên.
3. Chọn thương hiệu uy tín
Bánh ngon, trước tiên phải đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, được sản xuất từ những thương hiệu lớn, uy tín, tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe từ khâu chọn lọc nguyên liệu, sản xuất, bảo quản và kinh doanh trên thị trường. Khi chọn mua chúng ta cần kiểm tra kỹ bao bì phải còn nguyên vẹn, lớp vỏ kính không bị hỏng hoặc bị xì hơi để tránh không khí lọt vào. Trên bao bì in rõ và đầy đủ những thông tin cần thiết như: tem in mã bánh, nhân bánh; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Các hình ảnh, logo nhà sản xuất trên bao bì còn sắc nét, không bị nhòe và cũng lưu ý trong mỗi chiếc bánh có kèm một gói hút ẩm.
4. Bảo quản đúng cách
Vì là bánh tươi nên khi mua về, bạn có thể dùng ngay. Muốn thưởng thức ngon hơn, bạn nên dùng khi mặt bánh hơi tươm dầu, khi đó các thành phần trong bánh đã hòa quyện. Nếu chưa dùng ngay, bánh mua về cần bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo. Thông thường, bánh nướng cần khoảng thời gian nhất định các nguyên liệu thấm đều hương vị và bánh đạt độ thơm ngon nhất. Tương tự, bánh dẻo cũng cần thời gian để có cấu trúc vừa dẻo lại đạt độ săn chắc, đặc biệt ngọt dịu, tạo cảm giác hấp dẫn khi thưởng thức. Chúng ta cũng có thể bảo quản bánh ở ngăn mát tủ lạnh để sử dụng trong thời gian ngắn hoặc ngăn đông nếu muốn giữ bánh lâu hơn, nhưng việc này có thể làm vỏ bánh bị khô và nhân bánh cũng cứng lại. Để bánh ngon hơn, sau khi lấy ra, chúng ta có thể cho vào lò vi sóng để “hâm” lại. Tuy nhiên, việc này chỉ nên áp dụng với bánh nướng.
5. Đừng tiếc bánh hư, quá hạn sử dụng
“Bỏ đi uổng”! Nhiều người vẫn còn tâm lý này khi bánh quá hạn sử dụng hoặc thấy trên bề mặt bánh nổi mốc trắng, các vết lốm đốm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp đa bụng hay rối loạn tiêu hóa. “Đối với thực phẩm nói chung, khi đã quá hạn sử dụng, dù quan sát bằng mắt thường, sản phẩm có thể vẫn bình thường nhưng thực tế cấu trúc thành phần bên trong của sản phẩm đã “lão hóa”, không còn hương vị thơm ngon ban đầu. Vì vậy, tuyệt đối không ăn bánh đã quá hạn. Chúng ta cần mạnh dạn bỏ đi để không xảy ra những ảnh hưởng đáng tiếc về sức khoẻ” – BS Diệp nhấn mạnh.
Nguyễn Minh