Bà Nguyễn Phương Hằng – CEO Công ty cổ phần Đại Nam “Nếu không dám đương đầu thì Đại Nam không có hôm nay”

Đảm nhiệm vị trí điều hành Công ty cổ phần Đại Nam vào thời điểm Khu du lịch (KDL) Đại Nam đang rơi vào tình cảnh trì trệ là một áp lực vô cùng lớn với CEO Nguyễn Phương Hằng, nhất là khi bà chưa từng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn. Thế nhưng, với quyết tâm “Phải giữ thương hiệu cho Đại Nam bằng mọi cách”, bà đã tái cấu trúc và mang lại cho KDL này một diện mạo mới với con số tăng trưởng được vực dậy một cách ấn tượng.

Doanh nhân Nguyễn Phương Hằng điều hành KDL Đại Nam ngày càng khởi sắc

Như bà đã nói, sự thay đổi của Đại Nam là một cuộc cách mạng “đầy thương tích”, bà có thể chia sẻ  những khó khăn đã gặp phải?

Tháng 9 năm 2008, KDL Đại Nam mở cửa đón du khách sau hơn 10 năm xây dựng với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng. Vào thời điểm nền kinh tế chưa nhiều khởi sắc, việc chồng tôi, ông Huỳnh Uy Dũng quyết định đầu tư vào một công trình du lịch nhân tạo, tâm linh có quy mô quá lớn được xem là một sự liều lĩnh, táo bạo đầy rủi ro. Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục du lịch tại Đại Nam như Kim Điện lớn nhất, Khách sạn dài nhất, núi – sông nhân tạo dài nhất, Biển nhân tạo rộng nhất, Vườn bách thú có nhiều loài quý hiếm nhất… đã nhanh chóng thu hút du khách và đến nay vẫn để lại nhiều ấn tượng trong lòng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ngay thời gian đầu đi vào hoạt động, mỗi năm KDL Đại Nam đón tiếp hàng  triệu lượt du khách tham quan. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều khu du lịch ngày càng nhiều ở khắp mọi miền đất nước, cùng với nhiều công trình của Đại Nam chưa có thêm điểm đột phá mới đã khiến lượng du khách quay trở lại Đại Nam ít dần và vỡ lợi thế cạnh tranh của Đại Nam trong khu vực. Cùng thời gian này, Công ty cũng gặp chồng chất khó khăn, cộng với những cạnh tranh không lành mạnh từ bên trong lẫn bên ngoài bủa vây. Phải đối diện với rất nhiều biến cố, thăng trầm đã khiến chồng tôi kiệt sức, có lúc tưởng chừng như muốn từ bỏ dự án kinh doanh đầy tâm huyết của mình.

Đồng hành và âm thầm trợ lực cho chồng trong sự  phát triển KDL Đại Nam ròng rã 12 năm, tôi không khỏi trăn trở, nhiều đêm thao thức, trong đầu tôi thôi thúc suy nghĩ: “Không thể để Đại Nam bị quên lãng và trở thành cái tên tự hào trong quá khứ”. Và trước sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp không khói này, chỉ có những quyết sách táo bạo, sự bứt phá mới, nhất là cải thiện các dịch vụ du lịch đã xuống cấp tại đây sau gần 10 năm vận hành mới có thể thay đổi cục diện.Và tôi bắt đầu xốc vác, lên kế hoạch cải tổ, tái cấu trúc lại KDL.

Trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời điểm năm 2015 – 2016 vẫn chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản thì  tôi lại mạnh dạn đầu tư cả ngàn tỷ đồng thực hiện dự án trường đua tiêu chuẩn quốc tế nhằm mở rộng dịch vụ tại chỗ, tạo vị thế cạnh tranh mới đã khiến không ít người lo lắng, dư luận xôn xao. Và dĩ nhiên, sự đột phá nào cũng có những “thương tích”. Đầu tiên là phải đối diện với những rào cản từ chính sách điều hành theo lối mòn cũ của ban lãnh đạo cũ, trong đó có…chồng tôi (cười) và sự bất công về bình đẳng giới trong nội bộ dàn điều hành cấp cao của doanh nghiệp, tiếp theo đó là thuyết phục ban lãnh đạo cải tổ, thực hiện dự án mới.

Trường đua Đại Nam quy mô lớn thu hút đông đảo du khách.

Dù bên ngoài rất quyết liệt và tự tin, nhưng hỏi thật, bà có thấy lo nếu “lỡ’ dự án thất bại?

Để tạo niềm tin cho đội ngũ và cũng củng cố tinh thần, sự quyết tâm cho Ban lãnh đạo và anh em công nhân viên, tôi đã mạnh dạn tuyên bố: ‘Cam kết sẽ hoàn lại toàn bộ kinh phí đầu tư hạng mục Trường đua Đại Nam nếu thất bại”. Thú thật, lúc đó, tôi cũng rất lo nhưng “xót” công sức và tâm huyết mà chồng tôi đã gầy dựng cho Đại Nam đã giúp tôi quyết tâm, tự tin và bản lĩnh. Và đây chính là cơ sở để tôi được ban lãnh đạo chấp nhận làm được cuộc cách mạng lớn cho Đại nam. Chỉ sau một năm,  với các hạng mục du lịch giải trí kết hợp văn hóa, thể thao mà điểm nhấn là mô hình Trường đua phức hợp “5 trong 1” theo tiêu chuẩn mô hình trường đua quốc tế với quy mô trên 60ha với nhiều hạng mục đua chuyên nghiệp: Đua ngựa, Đua chó, Đua xe Go-kark, đua mô tô phân khối lớn, biểu diễn Jet ski – Fly board… đã tạo ra sự thay đổi đột phá. Bên cạnh đó, chúng tôi đã mở thêm nhiều dịch vụ theo tour trọn gói, nâng cấp và làm mới chất lượng dịch vụ, đưa vào mô hình kinh doanh khép kín bên trong khuôn viên KDL với những dịch vụ đưa đón khách tham quan theo quy củ chứ không xô bồ như trước đây, đồng thời cải tạo nâng cấp toàn bộ khu vui chơi giải trí, vườn bách thú, biển nhân tạo, dịch vụ nhà hàng – khách sạn… xây dựng  những chuyến xe điện trung chuyển các trạm miễn phí để du khách được tự do khám phá cảm giác thư thái khi ngắm nhìn những cảnh đẹp trong KDL. Bản thân tôi chăm chút cho từng cành cây, ngọn cỏ bên trong KDL. Với nỗ lực đó, Đại Nam đã hanh chóng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quay trở lại. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại chỗ tại KDL Đại Nam tăng trưởng trên 20- 30% doanh thu hàng tháng. Chính sự nhạy bén dựa trên nguyên tắc điều hành dân chủ, cởi mở và công tâm của tôi đã loại bỏ mô hình kinh doanh kiểu “công ty gia đình” trước đây, giúp nhân viên phát huy năng lực, tạo cơ hội thăng tiến cho từng người, giúp họ đặt ra những mục tiêu lớn hơn.

Nhưng đưa ra dự án thực hiện là một chuyện, việc điều hành để cả bộ máy hoạt động trơn tru cần rất nhiều kỹ năng lãnh đạo và quản lý, bà có gặp trở ngại?

Trở ngại thì rất nhiều nhưng quả thực đến giờ, tôi rất tự tin về khả năng  điều hành của mình. Kể từ thời điểm đưa ý tưởng xây dựng trường đua và thực hiện xây dựng trường đua cho tới khi trường đua đi vào hoạt động và tổ chức những hạng mục đua theo tiêu chuẩn quốc tế, không ít những ý nghĩ  lo ngại, hoài nghi , thậm chí có cả đố kỵ đã gây không ít áp lực cho tôi, nhưng đến bây giờ, tôi tin mọi người đều nhìn thấy thành quả và chính những nhân viên tại Đại Nam (cả người còn làm việc hay đã nghỉ việc) và ngay cả chồng tôi đều nhìn thấy những sự hy sinh vô điều kiện cũng như tâm huyết của tôi đặt để vào dự án nên tất cả đều ủng hộ và tiếp tục đồng hành với tôi. Ngoài việc phải chứng minh năng lực của mình, ngay cả khi dự án đi vào hoạt động, tôi vẫn luôn trong tâm thế phải “chiến đấu” mỗi ngày với một bộ máy cũ, nặng nề để bảo vệ dự án hoạt động thành công. Và tình thế trở nên khó khăn hơn khi mặc dù chồng tôi  đồng ý giao quyền cho tôi điều hành dự án nhưng có lúc vẫn bị lung lạc trước sự chống đối từ mọi phía. Đó là rào cản lớn mà tôi phải vượt qua.

Vượt qua mọi thử thách, đến giờ này bà cảm thấy thế nào, có chút tự mãn với những thành quả  làm được không, thưa bà?

Phải nói rằng, mỗi việc tôi làm cho Đại Nam hôm nay đều thấm biết bao mồ hôi và nước mắt của tôi. Tôi đã phải trải qua một cuộc đấu tranh và bản thân tôi phải trả giá rất nhiều.Tôi đã thức trọn nhiều đêm ròng rã để một mình điều hành xây dựng trường đua chỉ trong 6 tháng. Mặc dù gặp không ít tổn thương về mặt tinh thần hết lần này đến lần khác và đối thủ của tôi trong cuộc cách mạng này không ai khác chính là … chồng tôi. Rồi khi trường đua đi vào hoạt động, tôi phải thuyết phục ban lãnh đạo thay đổi chính sách vận hành để thu hút khách đến với trường đua. Thời gian đầu, trường đua thất thu, một lần nữa, tôi phải gồng mình chứng minh va không thể để dự án của mình chết yểu, tôi đã đấu tranh để bán vé gộp nhằm đưa du khách đến với các hạng mục giải trí mới mẻ tại trường đua. Song, nhờ kiên định với mục đích của mình nên  tôi bình thản vượt qua mọi trở ngại. Chính điều đó đã rèn luyện cho tôi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng để chứng minh cho  những quyết định đúng đắn của mình. Tôi dám đặt cược danh dự của mình để chứng minh cho con đường mình đã chọn. Và thành công bước đầu chính là sự khẳng định để tôi mạnh mẽ đi tiếp chứ không tự mãn. Vì tôi hiểu, mình còn phải nỗ lực nhiều, học hỏi nhiều vì con đường phía trước cũng còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nếu cho tôi được tự hào, thì điều đó chính là: Nếu không có sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu của tôi thì Đại Nam không thể có ngày hôm nay. Đến giờ, tôi điều hành Đại Nam chỉ nhận một đồng lương danh dự. Tất cả lợi nhuận vợ chồng tôi đều dành  cho công tác xã hội và từ thiện.

Cái khó của ngành dịch vụ du lịch là “làm dâu trăm họ”, việc vận hành dịch vụ lại gần như phụ thuộc rất nhiều vào yêu tố con người, bà hiểu và vận dụng điều này thế nào để phát huy nguồn lực nhân sự?

Một khi guồng máy đã đi vào ổn định, việc phân bổ con người cũng hợp lý theo năng lực của từng cá nhân, tạo cơ hội để nhân viên phát huy sở trường của mình mà họ không phải dè dặt hay trốn tránh trách nhiệm đã khiến cho môi trường làm việc tại Đại Nam cũng lý tưởng hơn. Ai nấy đều hiểu về vai trò quan trọng của họ trong công ty và sự tưởng thưởng tương xứng một khi họ làm việc bằng hết tâm huyết và niềm đam mê công việc của họ. Cũng từ đó, tôi định hình nên nét văn hóa riêng trong công ty với toàn những con người năng động và nhiệt huyết vì sự phát triển chung. Nhờ đó đã giúp tôi hiện thực hóa tiềm năng du lịch tại Đại Nam theo định hướng đưa du lịch thể thao làm điểm nhấn thu hút du khách đến với KDL Đại Nam trong tương lai.

Nếu nhìn bên ngoài, không ít người ngưỡng mộ về số phận may mắn của bà, tại sao bà không an phận mà lại chấp nhận đương đầu với nhiều thử thách trên thương trường để nhận lại nhiều sự thiệt thòi về tinh thần và thậm chí cả vật chất, nếu chẳng may dự án kinh doanh thất bại?

Như đã nói, động lực giúp tôi lao vào cuộc, vực dậy Đại Nam chỉ vì: Không muốn sự nghiệp chồng tôi gầy dựng nhiều năm qua bị xóa sổ trong tiếc nuối. Quan điểm của tôi: Vợ chồng lúc sướng có nhau thì khi gian nan, vận hạn cũng phải là điểm tựa của nhau. Nhiều năm tôi  lui vào hậu trường vì công việc lầm ăn của công ty yên ổn, nhưng khi công ty gặp khó khăn, tôi nghĩ “Đó là lúc người vợ phải bên cạnh chồng, là chỗ dựa cho chồng, ít nhất cũng  về tinh thần”. Bản tính tôi cũng rất quyết liệt, nếu đã nói là phải làm bằng được, thậm chí khi đó có ai “đuổi “, tôi cũng không từ bỏ.

Nếu cho một lời chia sẻ thật, bà sẽ chia sẻ nỗi khổ gì về cuộc đời của mình

Suốt 12 năm đồng hành cùng chồng, tôi phải trrai qua rất nhiều sóng gió. Dù cuộc sống không thiếu thốn vật chất. Sóng gió đó đến từ những đố kỵ, bia miệng tiếng đời sau những sóng gió nghiệt ngã ấy, tôi nghiệm ra chỉ  khi tâm sáng thì sẽ được hưởng điều lành. Cứ làm điều đúng và sống đúng sẽ có ngày cuộc đời cho quả ngọt. Suốt 12 năm chịu nhiều điều thị phi, tôi cũng học được nhiều giá trị của cuộc sống, học được cách chịu đựng, học được nhiều thứ và Đại Nam cũng đã cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều điều tự hào về bản thân qua sự chịu đựng để rèn luyện ý chí kiên cường.

Bà từng nói: ‘Tôi điều hành Đại Nam chỉ nhận 1 đồng lương danh dự”.

Đúng vậy, từ năm 2014 đến 2030, vợ chồng tôi đã tuyên bố công khai trao tặng 100% lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của công ty cho hoạt động mổ tim từ thiện cho trẻ em nghèo trên khắp cả nước thông qua Quỹ từ thiện Hằng Hữu và Chương trình Trái tim Hằng Hữu, mỗi năm cứu sống hơn 500 người. Sau 4 năm chính thức triển khai hoạt động từ thiện liên kết với các bệnh viện trung ương: Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng… Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã tài trợ cho hàng ngàn ca mổ tim bẩm sinh cho hàng ngàn gia đình nghèo có con bị mắc bệnh hiểm nghèo này với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi ca.

Hạnh phúc nhất của bà hiện nay là gì?

Hạnh phúc của tôi lúc này là đã  tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn con người đang dựa vào Đại Nam để mưu sinh. Tôi cũng tự hào vì những hy sinh ấy mang lại nụ cười cho hàng triệu lượt du khách khi đến Đại Nam du lịch, giải trí. Và hơn hết sự phát triển của Đại Nam hôm nay cho phép vợ chồng tôi đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cứu sống cho thêm nhiều trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh mà không có tiền để mổ tim, giải thoát gánh nặng cho hàng ngàn gia đình nghèo có con em bị bệnh tim bẩm sinh và nhiều hơn nữa những số tiền từ thiện giúp đỡ người nghèo khắp cả nước

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

 

 

Nên đọc