Chợ truyền thống hoà nhịp chuyển đổi số, tương lai đi chợ không cần tiền mặt sắp đến rồi!

Phunuduongthoi.vn – Sau đại dịch, với sự lên ngôi của thương mại điện tử và mua sắm online, việc thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu thế chung. Và các chợ truyền thống cũng không nằm ngoài xu hướng.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng được ưa chuộng, từ mua sắm online đến những giao dịch nhỏ lẻ trong hoạt động tiêu dùng hằng ngày đều thấy bóng dáng của nhiều hình thức thanh toán số như chuyển khoản ngân hàng, sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM, thanh toán qua ví điện tử,… Theo thống kê của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, các chỉ số thanh toán không tiền mặt đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo đó, trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán không tiền mặt đã tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị,…

Để bắt nhịp với xu hướng này và đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền số của người tiêu dùng, các chợ truyền thống đã có những động thái tích cực trong chuyển đổi số. Đơn cử như từ đầu năm 2023, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) đang ráo riết triển khai mô hình “Chợ công nghệ – chợ 4.0 – thanh toán số cho các hoạt động mua sắm, dịch vụ, không dùng tiền mặt” nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh. 

Để thương nhân trong chợ từng bước làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin, phía Ban Quản lý chợ đã có kế hoạch thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền và kết nối tiểu thương với các đơn vị, tổ chức tài chính để hỗ trợ các thương nhân tại đây mở tài khoản ngân hàng và điểm thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023, phía chợ đã hợp tác cùng SmartPay – đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tài chính và công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ tất cả bà con thương nhân trong chợ mở mã QR miễn phí.

Nhiều thương nhân chợ Phạm Văn Hai hưởng ứng tham gia ứng dụng thanh toán không tiền mặt trong kinh doanh

Việc ứng dụng thanh toán không tiền mặt tại các chợ truyền thống là bước đi nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía người tiêu dùng. Chị T.N (26 tuổi, Phú Nhuận) chia sẻ: “So với tiền mặt thì mình thích quét mã thanh toán hoặc thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hơn, phần vì không phải mang theo nhiều tiền mặt, phần vì giao dịch như vậy tiện lợi hơn, không sợ gặp phải tình huống trớ trêu như muốn mua món đồ 5-10 nghìn mà trong túi chỉ còn tờ 500 nghìn thì mình cũng ngại mà người bán họ cũng phiền.” Chị N. cũng chia sẻ thêm rằng hiện tại chị chỉ có thể dùng các phương thức thanh toán không tiền mặt ở các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị, còn ở những nơi như chợ truyền thống hay mua sắm ở các cửa tiệm bình dân thì vẫn phải sử dụng tiền mặt là chủ yếu. 

Phía chợ Phạm Văn Hai cho biết hiện tại cũng đang tích cực thực hiện các kế hoạch để đạt mục tiêu 70% thương nhân tại chợ mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện thanh toán số; 30% các giao dịch được thực hiện bằng phương thức thanh toán điện tử; 30% mua, bán hàng hóa tại chợ chấp nhận mọi hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR. “Hiện nay cũng có nhiều thương nhân trong chợ nắm bắt phong trào chuyển đổi số và phát triển kinh doanh tốt. Thời gian tới, chúng tôi cũng có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số cho các thương nhân và hộ kinh doanh. Hy vọng kế hoạch thực hiện hiệu quả để đồng bộ việc chuyển đổi số cho tất cả thương nhân tại chợ.” – Chị M.P, phó Ban Quản lý chợ cho biết.  

Bên cạnh đó, chợ cũng đang làm việc với các sở ban ngành, hội Liên hiệp Phụ Nữ để triển khai chợ trực tuyến nhằm bắt kịp xu hướng kinh doanh online đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam.

Xem thêm:

Nên đọc