‘Công chúa Huawei’ tại ngoại với 7,5 triệu USD

PhunuOnline.net – Tòa án tại Canada ngày 11/12 đã cho phép bảo lãnh bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) kiêm phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, với 7,5 triệu USD (10 triệu CAD) trong khi xem xét đề nghị dẫn độ bà sang Mỹ.

Quyết định được đưa ra vào ngày thứ ba tòa án xem xét yêu cầu tại ngoại của bà Mạnh, tòa án Canada chấp thuận cho bà Mạnh Vãn Châu tại ngoại với những lý do như bà có nhân phẩm tốt, không tiền án tiền sự

“Tôi hài lòng rằng dựa trên một số yếu tố của vụ việc, cụ thể là bà Mạnh là một nữ doanh nhân có học thức không có tiền án và một số người cũng chứng minh nhân cách tốt của bà, thì nguy cơ từ việc bà được tại ngoại có thể giảm xuống một mức độ chấp nhận được”, thẩm phán William Ehrcke nói về quyết định của tòa.

Ký họa phiên xem xét đề nghị tại ngoại của bà Mạnh (áo xanh) tại tòa án ở Vancouver, Canada. Ảnh: AP.

Bà Mạnh và chồng sẽ chịu trách nhiệm chi trả 7 triệu CAD tiền bảo lãnh, và 3 triệu CAD còn lại sẽ do những người quen biết bà chi trả. Sau khi hoàn thành thủ tục giấy tờ của tòa án, bà Mạnh sẽ được trả tự do. Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh sẽ chịu sự giám sát của 2 nhân viên bảo vệ và một tài xế cùng với thiết bị định vị GPS 24/24. Bà cũng sẽ bị giới nghiêm trong khoảng từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, thẩm phán cho biết. Cho tới nay bà Mạnh đã bị giam giữ trong 10 ngày liên tiếp. Lần ra tòa tiếp theo của bà dự kiến diễn ra vào ngày 6/2.

Khi được các luật sư chúc mừng sau phán quyết của tòa, bà Mạnh đã khóc. Trong khi đó, chồng bà, ông Lưu Hiểu Tông, đứng nhìn vợ “qua hai lớp kính chống đạn”, nở nụ cười tươi và giơ tay làm động tác chiến thắng, theo South China Morning Post.

Chồng bà Mạnh Vãn Châu, ông Lưu Hiểu Tông tại tòa án ở Vancouver ngày 11/12. Ảnh: AP.

Mỹ đang yêu cầu dẫn độ bà Mạnh để xét xử các cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên Iran. Mức án tối đa cho mỗi tội danh có thể lên đến 30 năm tù. Trong khi đó, quá trình xem xét đề nghị dẫn độ có thể kéo dài đến một năm.

Không lâu sau quyết định, Huawei đã phát đi thông cáo, khẳng định họ “tuân thủ mọi luật lệ và quy định phù hợp tại các nước và khu vực mà chúng tôi hoạt động, bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu”. “Chúng tôi trông đợi một giải pháp kịp thời cho vấn đề này”, thông cáo nêu.

Được biết, khoảng 200 người đã tụ tập bên ngoài trụ sở tòa để theo dõi buổi nghe về khả năng tại ngoại cho bà Mạnh. 149 chỗ trống bên trong tòa án được lấp đầy và hơn 100 người đã không còn ghế ngồi. Ít nhất 5 màn hình lớn đã được dựng lên để phục vụ người theo dõi.

Một doanh nhân Canada gốc Hoa bày tỏ sự phản đối chính phủ nước này trước vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. Ảnh: South China Morning Post.

Cho đến thứ sáu tuần trước, hầu hết người tham dự phiên tòa đều là các phóng viên. Nhưng cuối tuần vừa qua, chính phủ Trung Quốc và truyền thông nhà nước đã tăng cường chỉ trích Canada và Mỹ, gọi vụ bắt giữ bà Mạnh là hành động “hèn hạ” và cảnh báo về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu CFO Huawei không được thả tự do. Có lẽ điều này đã khiến những người Hoa xuất hiện nhiều hơn bên ngoài tòa án.

Phương Nguyễn

Tổng hợp

Xem thêm:
“Công chúa Huawei” đề xuất 11 triệu USD để được tại ngoại
‘Công chúa Huawei’ bị bắt: Có đến 7 hộ chiếu trong vòng 11 năm
Nữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu ra tòa, đối mặt án tù 30 năm

Nên đọc