Đọc ít, bia rượu nhiều, đánh đấm gia tăng?

Mỗi năm VN chi 63.000 tỉ đồng cho việc uống bia rượu, nhưng chỉ chi hơn 2.000 tỉ đồng cho việc mua sách báo. Từ những con số này, thấy gì về việc chi tiêu của dân Việt?

Mỗi năm VN chi 63.000 tỉ đồng cho việc uống bia rượu - Ảnh: TL
Mỗi năm VN chi 63.000 tỉ đồng cho việc uống bia rượu – Ảnh: TL

Dưới đây là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Vương – nghiên cứu sinh VN tại Nhật Bản, người dịch cuốn “Cải cách giáo dục Nhật Bản” của Ozaki Mugen và cuốn “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản”.

“Nhìn vào con số thống kê năm 2015, người Việt chi hơn 2.000 tỉ đồng cho hoạt động xuất bản, nhưng lại chi 63.000 tỉ đồng cho việc uống bia rượu, tôi thấy buồn nhưng không thấy ngạc nhiên. Chưa cần đến thống kê tôi cũng có thể cảm nhận thực tế đó trong cuộc sống hằng ngày.

“Tôi nghĩ việc ít đọc sách, uống rượu bia nhiều còn có mối quan hệ mật thiết với tình trạng bạo lực gia tăng tại VN thời gian gần đây. Khi không có giải trí lành mạnh và không gian để sáng tạo, thưởng thức văn chương, nghệ thuật… con người dễ trụy lạc và đánh mất nhân tính. Sự thiếu hụt tri thức về cuộc sống, thế giới thông qua sách vở đi kèm với thói quen nhậu nhẹt bia rượu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà dễ thấy nhất là bạo lực”.
Ông Nguyễn Quốc Vương – nghiên cứu sinh VN tại Nhật Bản

Ở VN rất hiếm cảnh người ngồi trong công viên, tàu xe, hành lang bệnh viện… đọc sách. Kể cả những người làm việc liên quan đến sách vở nhiều như giáo viên cũng ít đọc. Chuyện giáo viên chỉ đọc các sách liên quan trực tiếp đến bài giảng hoặc luyện thi không phải hiếm.

Ở những giới khác có lẽ tình hình còn xấu hơn.

Trong các cuộc trò chuyện thường ngày, người ta cũng ít nhắc đến sách vở. Đơn giản vì thói quen đọc sách chưa có. Tôi có nói vui rằng có lẽ cần phải làm một cuộc điều tra thống kê nữa xem tương quan giữa số thư viện và quán bia xem thế nào.

Nếu so sánh những con số trên với Nhật Bản, có thể nhận xét ngay rằng nhìn vào lịch sử và cả hiện tại thì Nhật Bản là dân tộc thích đọc và viết. Sự phát triển của ngành xuất bản và số lượng sách, thư viện ở Nhật nói lên điều ấy.

Ở Nhật có thể thấy người ta đọc sách ở bất cứ đâu. Các đầu sách bán chạy ở Nhật thường có số lượng vài triệu bản, thậm chí có cuốn đạt 10 triệu bản. Tôi cũng có đọc một bài báo người Nhật viết rằng số sách trung bình một người Nhật đọc trong một năm là 46 cuốn, đứng hạng nhất nhì thế giới.

Để biết nguyên nhân chính xác vì sao người Việt đầu tư cho đọc sách ít hơn nhiều việc chi tiền cho bia rượu, có lẽ cần đến một nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng cá nhân tôi cho rằng đằng sau sự chênh lệch này là một xuất phát điểm thấp và gặp nhiều trục trặc ở nhiều phương diện.

Người Việt chưa có thói quen đọc sách trong sinh hoạt và dùng sách như một công cụ để tìm kiếm thông tin, biến thông tin đó thành sản phẩm hoặc dùng nó phục vụ cuộc sống. Nói kiểu dân dã là “không đọc sách vẫn sống như thường” hay “đọc sách đâu có ra tiền”…

Trong giáo dục thì lối giáo dục nặng về khoa cử với triết lý học để làm quan, học để kiếm tiền, học để thành người “thành đạt” đã làm cho mối quan tâm của người học với thế giới hẹp lại một cách đáng tiếc. Khi thế giới hẹp lại như vậy, họ sẽ không có động lực thôi thúc từ bên trong để đọc sách. Lối giáo dục khoa cử sẽ tạo ra kiểu giáo dục với đáp án đúng – sai có tính tuyệt đối. Một khi như vậy, học sinh chỉ cần tìm kiếm câu trả lời, đáp án có trong sách giáo khoa.

Hệ quả nhìn thấy rõ của sự chênh lệch đó là sự lệch chuẩn so với các giá trị phổ quát mà thế giới công nhận. Thay vì tập trung sức khỏe, tinh thần và tuổi trẻ làm những việc thật sự có giá trị thì thanh niên sẽ dành nó cho trụy lạc hoặc tiêu khiển. Nhìn xa hơn là sự nới rộng ngày càng lớn về văn minh, phát triển bền vững giữa nước ta và thế giới. Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa thiếu hụt tri thức, tư duy và nghèo đói, lạc hậu, bảo thủ.

Tôi nghĩ việc ít đọc sách, uống rượu bia nhiều còn có mối quan hệ mật thiết với tình trạng bạo lực gia tăng tại VN thời gian gần đây. Khi không có giải trí lành mạnh và không gian để sáng tạo, thưởng thức văn chương, nghệ thuật… con người dễ trụy lạc và đánh mất nhân tính. Sự thiếu hụt tri thức về cuộc sống, thế giới thông qua sách vở đi kèm với thói quen nhậu nhẹt bia rượu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà dễ thấy nhất là bạo lực.

Những người có hiểu biết thật sự sẽ không chọn bạo lực là phương thức giải quyết khúc mắc trong cuộc sống thường ngày.

Muốn có giải pháp đúng cho vấn đề này, cho dù chỉ là trên lý thuyết thì cần đến các nghiên cứu thật sự công phu nghiêm túc.

Ở phương diện là một giáo viên, một người bố, tôi thấy muốn hình thành thói quen đọc sách, giáo viên và phụ huynh phải có nhận thức đúng, hợp lý về triết lý giáo dục. Nếu muốn có những con người khỏe mạnh về thể chất, sắc bén về trí tuệ và phong phú, tự do trong tâm hồn thì đương nhiên phải chú trọng đọc sách. Thay vì cung cấp trực tiếp các chân lý tuyệt đối có tính đúng sai thì sự gợi mở cho trẻ em tự trải nghiệm, khám phá, tra cứu, thể hiện sẽ tạo ra động lực đọc sách hiệu quả.

Xét ở phạm vi rộng, trong khi chưa có những chính sách hiệu quả, quy mô từ vĩ mô thì sự tự thức tỉnh và thúc đẩy đọc sách của các cá nhân, dòng họ, trường học ở khắp nước là những tia hi vọng”.

Nguồn: Tuoitre.vn

Nên đọc