Dùng tay trần bán thức ăn sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng

Người bán thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng, quy định này được áp dụng từ ngày 20/10.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ. Nghị định mới bãi bỏ hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo, giữ lại duy nhất một hình thức là phạt tiền.

Từ 20/10, dùng tay trần bán thức ăn sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng

Theo Nghị định số 115/2018 do Chính phủ ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng nếu vi phạm một số điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, mức phạt này được áp dụng tại Điều 15 của Nghị định khi các cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn ngay sử dụng người trực tiếp chế biến không đội mũ, đeo khẩu trang, cắt ngắn móng tay và không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn dùng ngay.

Ngoài ra, hành vi bày bán, chứa thực phẩm bằng thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; nơi chế biến, kinh doanh có côn trùng, động vật gây hại hoặc nơi bán không có đủ dụng cụ để chế biến, bảo quản và sử dụng riêng với thực phẩm tươi sống và đã qua chế biến cũng bị phạt theo mức này.

Nghị định mới được áp dụng thi hành từ ngày 20/10 tới. Như vậy, qua thời gian này, các cửa hàng bán bánh mì, xôi chè, hủ tíu, bún phở… có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính số tiền lên đến tiền triệu nếu trực tiếp chế biến mà không mang găng tay, đội mũ, đeo khẩu trang.

Các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và mức phạt trên được áp dụng tương tự với các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căn tin, nhà hàng kinh doanh dịch vụ này tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Nghị định cũng lưu ý về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với người kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố, quy định tại Điều 16.

Cụ thể, người bán sẽ bị phạt từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng khi không trang bị bàn, tủ, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Mức phạt này gần như tăng gấp đôi so với Nghị định số 178/2003 được Chính phủ ban hành trước đó. Các hành vi vi phạm của hoạt động kinh doanh đường phố như trên tại Nghị định 178 bị phạt từ 300.000-500.000 đồng.

Ngoài ra, nghị định số 115 bổ sung thêm một số hành vi bị xử lý như phạt tiền từ 80 đồng đến 100 triệu đồng với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; ngoài danh mục được phép hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, trong Điều 12 của Nghị định cũng quy định về về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm.

Theo đó, phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị; Phạt tiền từ 2 lần đến 3 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ô nhiễm vi sinh vật; tồn dư chất, hóa chất vượt giới hạn theo quy định của pháp luật; Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.

Theo Tiêu Dùng 

Mới nhất:
Người phụ nữ lái xe BMW gây tai nạn chết người ở Sài Gòn bị bắt
Nếu Vinasun thắng, chắc chắn không chỉ mình Grab thua
Lộ bằng chứng khẳng định Nhã Phương đang mang thai 4 tháng

Nên đọc