Gia đình mong đoàn tụ khi anh em Đoàn Văn Vươn được xét đặc xá

Lần vào thăm chồng mới đây, nghe tin Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vươn được đưa vào danh sách xét đặc xá dịp 2/9 sắp tới, vợ của 2 phạm nhân không nén nổi niềm vui: “Chị em tôi mừng muốn khóc. Vậy là sắp đỡ cơ cực rồi…”.

Đã hơn 3 năm trôi qua, kể từ 5/1/2012, vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản (khu bãi triều Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) xảy ra khiến 2 anh em ruột Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý vướng vào vòng lao lý. Kể từ đó, 2 người vợ của 2 phạm nhân cùng các con bao phen điêu đứng vì vừa phải hầu tòa, vừa bám đầm kiếm kế sinh nhai…

Căn nhà của Đoàn Văn Quý bị phá trước đó, nay được xây dựng lại với một căn chòi nhỏ dùng để coi đầm. Cách đó không xa là căn nhà nhỏ của gia đình Đoàn Văn Vươn.

Trầm ngâm nhớ lại những gì đã qua, bà Hiền kể tiếp: “Suốt quãng thời gian 4 anh em trong gia đình cùng bị bắt giam, chị em chúng tôi thực sự rất lo sợ. Bao công việc bộn bề khiến chúng tôi hoang mang. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại mà thấy vẫn run. Chẳng hiểu sao mình lại có thể vượt qua được giai đoạn kinh khủng như thế”…

Dưới cái nắng chói chang, đôi chân bà Hiền cứ thoăn thoắt bước đi trên bờ đầm không chút mệt nhọc.

Chỉ về phía bên kia bờ đầm, bà nói: “Sức chị em tôi không cáng đáng hết được nên bản thân tôi chỉ lấy 1 đầm; những đầm còn lại, hiện tạm thời cho người khác mượn làm trả sản lượng. Hai chị em cũng phải nhờ một người cháu ngoại làm giúp thì mới cáng đáng nổi việc trông coi, nuôi thả và thu hoạch đầm vùng. Chị Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) sức yếu nên nhận nhiệm vụ đưa đón các cháu đi học và lo việc nội trợ. Riêng tôi, ngoài làm đầm thì còn phải lo đối nội, đối ngoại và theo kiện suốt từ lúc xảy ra vụ việc. Giờ xong việc hầu kiện, tôi lại phải lo tính chuyện làm ăn, gom góp để trang trải các khoản nợ của gia đình do vay mượn để đắp đầm từ nhiều năm trước…”.

Đoàn Văn Vươn
Bà Thương (trái) và bà Hiền đang mong ngày chồng được đặc xá.

Theo lời bà Hiền, mỗi tháng bình quân 2 chị em dâu phải chi 30 triệu đồng cho cả 2 gia đình với 10 nhân khẩu. Số tiền chi lớn khiến họ phải gồng mình, còng lưng làm lụng bám trụ nơi bờ sông bãi sú lo cho các con, các cháu học hành, thăm nuôi chồng và trả nợ. May thay, cuối năm 2013, hai chị em cũng đã mua được đất, cất tạm 2 căn nhà cạnh nhau ở thôn chùa Trên, xã Vinh Quang, để các con, các cháu có chỗ ở đàng hoàng, yên tâm học hành.

Dẫn chúng tôi về nhà, bà Hiền vừa đi vừa kể: “Trước kia, khi chưa xây được nhà trên làng, những ngày mưa bão, 2 chị em cùng với đứa cháu ngoại phải chuyển hết tụi trẻ con lên gửi trên làng. Đêm hôm phải mặc áo phao thức trắng lo đầm có bị vỡ không, nước có đang lên ngập lụt không… Nhiều đêm mưa bão gió to, 2 chị em đi trên bờ đầm suýt bị gió cuốn phăng xuống đầm. Nghĩ lại vẫn thấy sợ!”.

Bà Thương tâm sự: “Kể từ ngày bị bắt giam cho đến nay, chồng tôi thụ án được 3 năm 7 tháng. Trong suốt thời gian ấy, chị em chúng tôi bìu díu, nương tựa vào nhau để trông coi khu đầm và nuôi các con khôn lớn. Hiện tại, con đầu của chúng tôi đã sắp bước sang năm thứ 3 của khoa Công nghệ sinh học – trường ĐH Hải Phòng. Lúc bố bị bắt giam, cháu đang học lớp 11. Con nhỏ của chúng tôi đã lên lớp 7. Hai con trai của vợ chồng chú Qúy cũng đã khôn lớn. Ơn trời, mọi việc cũng đã qua rồi!”.

“Từ ngày thụ án, 2 anh em ở cùng nhau được vài tháng, sau đó ông Vươn chuyển sang K1, ông Quý ở K3 tại trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương). Hàng ngày, 2 anh em tích cực lao động, thực hiện tốt nội quy và các phong trào của trại giam, được cán bộ trại giam và các bạn tù quý mến.  Sức khỏe của ông Vươn và ông Quý đều tốt. Ông Vươn lạc quan, vui vẻ khi thấy có người thân đến thăm. Còn ông Quý thì vẫn giữ tính cách ít nói. Từ lúc biết tin các ông ấy sắp được xét đặc xá, cả nhà mừng đến mất ngủ. Bữa cơm nào cũng mường tượng sắp tới ngày cả gia đình sẽ đoàn tụ đông đủ”, bà Thương chia sẻ.

Ngày 5/1/2012, tại khu vực đầm tôm ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã diễn ra vụ cưỡng chế. Không đồng tình với quyết định cưỡng chế này, anh em ông Đoàn Văn Vươn đã nổ mìn, dùng súng bắn vào đoàn cưỡng chế khiến cho 5 cán bộ chiến sĩ công an bị thương. Vụ việc sau đó được báo chí phản ánh với những sai phạm của chính quyền huyện Tiên Lãng khiến một loạt quan chức huyện, xã phải hầu tòa.

Sau 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án tuyên Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Sinh tội “Giết người”. Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý cùng bị tuyên phạt 5 năm tù giam.
Nên đọc