Giết bạn để ‘thế mạng’ do mê tín, người phụ nữ đối diện án tử hình
PhunuOnline.net – Thêm khai do mê tín, cần người “thế mạng” nên sát hại người bạn cùng xã rồi dựng hiện trường giả vụ cướp để báo cảnh sát. Hành vi của cô ta có khung hình phạt lên đến tử hình.
Liên quan vụ án mạng khiến chị Vũ Thị Ngà (ở huyện Lục Nam, Bắc Giang) bị sát hại do mê tín, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi của nghi can Trần Thị Thêm (36 tuổi) thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ giết người.
Theo Công an Bắc Giang, rạng sáng 18/12, Thêm mang theo dao, đi xe máy đến rủ chị Ngà cùng ra chợ để buôn cá. Đến cánh đồng vắng ở thôn Hố Trúc (xã Cẩm Lý), Thêm dùng dao sát hại nạn nhân.
Sau đó, nghi can dựng hiện trường một vụ cướp rồi báo tin giả cho cảnh sát. Khi lấy lời khai đối với Thêm, công an thấy có nhiều bất thường. Sau 3 ngày đấu tranh, Thêm thừa nhận hành vi và khai nguyên nhân gây án do mê tín, sát hại bạn để thế mạng.
Theo luật sư, căn cứ lời khai của Thêm, cô ta không có mâu thuẫn hay thù oán gì với chị Ngà. Tuy nhiên, do niềm tin mù quáng mê tín dị đoan, Thêm đã chuẩn bị hung khí nguy hiểm rồi đoạt mạng nạn nhân.
Hành vi phạm tội của Trần Thị Thêm đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Ngoài ra, Thêm còn dựng hiện trường giả nhằm che giấu hành vi phạm tội. Đây được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự: “Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, nếu có căn cứ xác định người đã truyền bá tư tưởng mê tín dẫn đến việc Trần Thị Thêm sát hại chị Ngà với mục đích thế mạng, thì cần thiết phải làm rõ và xử lý nghiêm.
Cụ thể, nếu xác định người đó nói cho Thêm việc sát hại người khác để thế mạng, và thực tế Thêm đã thực hiện, thì người xúi giục phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội Giết người, quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Còn trong trường hợp, người này chỉ nói chung chung và đó là nguyên nhân gián tiếp khiến Thêm gây án, thì tùy theo tính chất mức độ người truyền bá việc mê tín có thể bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, theo Điều 15 Nghị định 158.
Nghiêm trọng hơn, nếu người này đã bị phạt hành chính về hành vi hoặc đã bị kết án về tội mê tín, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Tổng hợp
Xem thêm: