Khắc phục ngay những bất cập trong công tác ứng phó thiên tai

Luật Phòng chống thiên tai dù đã có hiệu lực từ ngày 1.5.2014 nhưng đến nay, sau hơn 3 năm vẫn chưa thể xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia.

Chiều 17.4 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở ngay trong các cơ chế, chính sách phục vụ phòng chống thiên tai hiện nay đang còn nhiều bất cập. Dẫn chứng ngay, luật Phòng chống thiên tai, dù đã có hiệu lực từ ngày 1.5.2014 nhưng đến nay, sau hơn 3 năm vẫn chưa thể xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia.
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 
Thủ tướng cho rằng thiên tai năm 2016 gây thiệt hại nặng về người và tổn thất về kinh tế với khoảng 2 tỉ USD, chiếm gần 1% GPD cả nước nhưng công tác ứng phó không để người dân thiếu đói, đứt bữa và lâm vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất là sự nỗ lực, cố gắng lớn. Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong công tác ứng phó thiên tai hiện nay, yêu cầu phải sửa đổi, khắc phục ngay trong năm nay.
“Trong thiết kế ở nhiều công trình thủy điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông… chưa tính toán dự báo hết các tình huống làm gia tăng thiên tai cho khu vực. Nhiều công trình thủy điện đáng lẽ làm chức năng cắt lũ, điều tiết lũ thì mưa bão xảy ra xả nước lại làm ngập úng, gây lũ cho vùng hạ lưu nhưng vẫn nói đúng quy trình. Công trình xây hồ chứa, thủy lợi trữ nước phục vụ sản xuất và chống hạn, nhưng khi hạn hán thì các hồ chứa lại thiếu nước để chống hạn, như thế là quy trình sai. Nhiều địa phương ven biển nhưng mưa lũ xảy ra thì nước không thể thoát được ra biển và gây úng ngập trong nhiều ngày”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, ngay trong việc thu chi, sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai hiện nay đang còn bất cập. Các địa phương xã, phường thu nộp xong chuyển lên cấp trên khi xảy ra thiên tai, phải khắc phục hậu quả lại phải đi xin cho như thời bao cấp.
Trong khi đó, cấp cơ sở trực tiếp triển khai nhiều việc ứng phó thiên tai. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng phải nghiên cứu để sửa đổi ngay, theo hướng cho phép chính quyền cơ sở giữ lại một phần nguồn thu lại để chi đầu tư vào các công trình, phần việc ứng phó thiên tai.
Nên đọc