Ngành bán lẻ điện máy tại Việt Nam – Biết “chơi” sẽ thắng lớn
Vừa qua, tạp chí Retail Asia dựa trên thông tin của Euromonitor, nhà nghiên cứu và phân tích thông tin thị trường hàng đầu thế giới đã trao giải thưởng cho 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Thế Giới Di Động nhận giải thưởng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á –Thái Bình Dương.
Sức hút từ bán lẻ công nghệ:
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ngành bán lẻ nói chung, rõ ràng bán lẻ điện máy tại Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất lớn. Trong danh sách 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam của tạp chí Retail Asia, Thế Giới Di Động chỉ xếp sau Saigon Coop ở lĩnh vực siêu thị (Supermarket). Ngược lại, nếu xét về doanh số bán hàng/m2 cửa hàng, Saigon Coop lại đang bị các nhà bán lẻ điện máy bỏ xa. Cụ thể, doanh thu/m2 của Thế giới Di động là 12.545USD/m2, trong khi đó chuỗi siêu thị bán lẻ này chỉ là 6.180 USD/m2.
Theo nghiên cứu của Nielsen về hành vi tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm điện thoại, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đang ngày càng tăng lên bởi những tác động tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian qua. Cụ thể, có tới 91% cho rằng ưu tiên các sản phẩm công nghệ, ví dụ như dòng sản phẩm ti vi 4K có tới 79% người tiêu dùng muốn mua.
Theo đó, sự chạy đua về công nghệ khiến cho vòng đời của sản phẩm cũng trở nên ngắn hơn, điều này một mặt khiến cho tốc độ quay vòng mua lặp lại nhanh hơn nhưng đồng thời cũng gia tăng sức ép về khâu “quản trị tồn kho” lên các doanh nghiệp bán lẻ. Đó là lý do dù sức tăng trưởng ngành lớn nhưng vẫn có khá nhiều tên tuổi đã phải dừng chân trong cuộc đua cạnh tranh như Bestbuy, Home Care và mới đây nhất là Top Care.
Đến hiện tượng “Thế Giới Di Động”:
Bảng xếp hạng năm nay của Euromonitor dựa trên những số liệu từ năm 2014, năm Thế Giới Di Động có tổng cộng 319 siêu thị với doanh thu hơn 15 ngàn tỷ đồng. Hiện số lượng siêu thị của công ty đã tăng lên nhanh chóng với 500 cửa hàng thegioididong.com và hơn 50 cửa hàng Điện máy Xanh, đồng thời doanh thu năm dự kiến sẽ đạt hơn 23 ngàn tỷ đồng.
Trong danh sách 10 nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ có mức tăng doanh thu cao nhất, từ 9,8 ngàn tỷ đồng lên hơn 15 ngàn tỷ đồng. Theo kết quả mới nhất ghi nhận từ 9 tháng đầu năm nay, con số này đã vượt 17 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, Thế Giới Di Động được xem như một hiện tưởng điển hình cho sự thành công của ngành kinh doanh bán lẻ nói chung, và bán lẻ điện máy nói riêng.
Biết “Chơi” sẽ thắng lớn
Cách xâm nhập thị trường bán lẻ điện máy và từ đó bành trướng, lan rộng là một nước cờ rất hay của Thế Giới Di Động. Với ưu thế về mặt bằng nhỏ gọn, mà sau này Điện máy Xanh cũng áp dụng thành công tương tự, Thế Giới Di Động có thể nhanh chóng phân bổ sâu được vào các khu dân cư một cách trực tiếp. Đồng thời, vì không chịu áp lực quá lớn về mặt chi phí cho một cửa hàng nên việc loại bỏ để tối ưu kênh rất dễ dàng, từ đó đem lại hiệu quả cho thương hiệu.
Và khi thị trường đã tràn ngập các mô hình “ăn theo” kiểu Thế Giới Di Động, thương hiệu này đã kịp tạo ra sự khác biệt vượt lên đối thủ về thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng thông qua chính sách cho nhân viên, chế độ bảo hành, hậu mãi và các giá trị đem lại trong trải nghiệm sản phẩm. Điển hình, nhân viên siêu thị được vinh danh và thăng tiến căn cứ dựa trên mức độ hài lòng của khách hàng, chứ không phải vào doanh số.
Xét về lý thuyết, chiến lược này đi ngược lại với mô hình kinh doanh thông thường, khi nó không những không khích lệ tăng trưởng doanh thu mà ngược lại còn đẩy cao chi phí trong khâu chăm sóc, hậu mãi. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, khách hàng chính là nhân tố quyết định cách chơi và tồn tại của doanh nghiệp, đặc biệt đối với ngành dịch vụ. Do đó, Thế Giới Di Động đã chọn cách đi xa thay vì đi gần, một chiến lược khôn ngoan để chiếm lấy cảm tình của khách hàng trong dài hạn.
Rõ ràng, với cách làm này, Thế Giới Di Động đã từng bước gom được thị phần cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Suy cho cùng, mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược riêng để tồn tại. Theo một chuyên gia cho biết, quy luật chung của thị trường điện máy là không bao giờ phát triển thấp hơn 2 lần GDP. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cuộc chơi khốc liệt. Trong bối cảnh thị trường đang từng bước chuyển mình theo hội nhập, phần thắng sẽ chỉ nằm trong tay những thương hiệu nào biết cách “chơi” để tạo bản sắc cho riêng mình.
Nguồn: Bizlive.vn