Nhà văn Vũ Huy Anh: Nhân quả trong “Phách lạc hồn xiêu”

Cuốn tiểu thuyết nhưng mỏng, chỉ có 242 trang, của nhà văn Vũ huy Anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, nhưng nó nhìn lại cả một quãng thời gian dài của một đời người với bao biến cố, trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt của đất nước.

2

Ông Phạm Tham Tán, nhân vật chính của câu chuyện vừa chết nên hồn lìa khỏi xác. Với đạo Phật, khi đó linh hồn không còn thuộc về thể xác vừa tắt thở, nhưng cũng chưa được tái sinh vào một thể xác mới để có cuộc đời mới, giai đoạn này linh hồn được gọi là Thân Trung Ấm. Thân Trung Ấm được tách ra khỏi thể phách (phần xác), có thể bao quát nhìn lại cuộc đời cũ, trong cái thể xác vừa chia lìa kia, vốn đã từng hòa quyện là một nhưng lại vừa độc lập với cái thể xác đó.

Trong câu chuyện “Phách lạc Hồn xiêu” của Vũ Huy Anh thì nhân vật Phạm Tham Tán chết vì một cơn đau tim khi gặp lại người yêu thủa ban đầu và con gái trong một ngôi chùa, Thân Trung Ấm của Phạm Tham Tán vừa lìa khỏi cái xác đó, băn khoăn nhìn lại cái thân hình bất động nằm kia, nhớ lại những gì cái thân xác đó đã làm, có những việc khi còn sống cái thân xác này làm mà linh hồn không đồng tình, có lúc tranh luận đấu tranh nhưng cũng không ngăn cản được và phải thỏa hiệp.

Bằng một thủ pháp lạ, đứng ở góc nhìn của quan điểm Phật pháp, một Thân Trung Ấm đã đánh giá lại toàn bộ hoạt động của một đời người, có thiện, có ác, có đúng, có sai, và lý giải ở một góc độ nào đó về nghiệp chướng, quả báo và phúc phần… Cái khôi hài trong cuộc sống chính là việc, từ một anh lãnh đạo đạo địa phương, vì tham nhũng trong quản lý và phá rừng mình kỷ luật. Rồi cũng vì kỷ luật nên bị đá lên trung ương với quyền lực cao hơn. Rồi ở trung ương lại nắm ngay cái chỗ chống tham những, cái tội mà vì nó mình phải bay về đây. Và rồi, mọi sự lung tung trả thù, gây hấn lại bắt đầu từ cái vòng quay này.

Tội lỗi, hay tội ác lại bắt đầu ở một vị trí cao hơn, ghê gớm hơn.

Câu chuyện của ông Phạm Tham Tán được Thân Trung Ấm chính ông kể lại, từ thủa mới sinh phần hồn và phần xác còn liên kết chặt chẽ là một, ngây thơ trong trắng. Ngay cả việc khi nhà cậu Phạm Tham Tán chuyển về vùng đất trung du khai hoang khẩn hóa, yêu cô hàng xóm tên Hương đẹp người đẹp nét, chuyên chính, mọi thứ vẫn được kết hợp giữa xác và hồn là một. Chỉ đến khi sau năm hai đi học, ngấm cách sống thị thành, phần xác Phạm Tham Tán bắt đầu có những ham muốn không đạt được, phần hồn mới bắt đầu tách ra.

Bắt đầu là từ ham muốn nhỏ nhoi là thỏa mãn dục vọng nhưng người yêu tên Hương, cô không đáp ứng vì muốn dành sự đẹp đẽ nhất cho đêm tân hôn, phần xác chán và tìm kiếm sự hoan lạc ở người đàn bà khác, phần hồn bắt đầu băn khoăn đúng sai, nên hay không nên, khuyên nhủ và phân tích phải trái. Đây là sự xuống dốc hay quá trình tha hóa của một con người, chủ yếu ham mê quyền lực và vật chất. Sự chòi đạp vươn tới cái cao đẹp hơn, thực chất chính là quá trình tự đấu tranh với bản thân để vươn lên cái tốt, cái đẹp, cái đúng với lề thói đạo đức mà xã hội qui định…

Nhưng rồi, Phạm Tham Tán vẫn trượt dài trên cái bả vinh hoa, chấp nhận lấy con gái trưởng ty xấu người để đạt được danh vọng, cuộc sống sung túc, phụ bạc người yêu thuở ban đầu. Phần hồn của Phạm Tham Tán luôn tách ra, nhìn nhận đúng sai, lúc khuyên nhủ, lúc phải thỏa hiệp, chấp nhận làm việc sai trái và nhắm mắt cho người vợ tên Hoa Duyên nhận tiền đút lót, lấy tiền chơi bời thỏa mãn dục vọng trên giường với những người đàn ông khác vì Phạm Tham Tán do phần hồn luôn đấu tranh nên mệt mỏi mà chán ngán vợ. Chỉ khi nào tình cảm tốt đẹp, không vụ lợi, như sau này Phạm Tham Tán yêu cô Bích Ngọc và có với cô một người con gái, rồi Bích Ngọc mất tích ông gặp cô Xuân cũng là người thật lòng yêu thương ông, thì lương tâm ông, hay chính là phần hồn của ông nó mới hướng thiện, nó mới hòa quyện với phẩn xác.

Câu chuyện về cuộc đời của Phạm Tham Tán trong một bối cảnh xã hội phân hóa các cực tốt xấu giàu nghèo, sự giả dối, bao che, liên kết nhau về quyền lợi… Một xã hội có nhiều điểm tương đồng với thực tế đang diễn ra ở đâu đó trong xã hội hiện nay, là thực, không phải trong sự tưởng tượng… Câu chuyện ấy được nhà văn Vũ Huy Anh kể lại với một cách kể chuyện nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, không có các tuyến nhân vật đầy mâu thuẫn, chỉ là chuyện như thật, ẩn hiện đâu đó, ai cũng nhìn ra nó ẩn khuất trong cuộc sống thực hàng ngày, thậm chí có cả mình tham dự trong cuộc sống đó.

Và qua câu chuyện của cuộc đời ông Phạm Tham Tán, những được mất, những căn nguyên của các hành động, đều lẩn khuất cơ duyên của nhà Phật. Chuyện trong đời có thể gặp gỡ nhau, chuyện phụ bạc hay lợi dụng, cũng là nhân quả của kiếp trước và sẽ là nguyên cớ cho những cơ duyên sau này của kiếp sau. Chọn một giai đoạn rất ấn tượng và ngắn trong cuộc đời, đó là giây phút lìa đời, giữa cái sống và cái chết, cái lúc rất đặc biệt hồn lìa khỏi xác, hồn là một Thân Trung Ấm để nhìn lại cả một kiếp người với những lý giải, không ân hận cũng không đau thương, lý giải mọi cơ duyên của một kiếp người trong hệ qui chiếu của một xã hội hiện đại, là một sự lựa chọn cao tay của nhà văn Vũ Huy Anh.

Để rồi, qua đó người ta vẫn thấy cần phải sống tốt hơn, cố gắng tu luyện để ngày một hoàn thiện hơn, nhân ái hơn. Kiếp này dù phải trả nhân quả cho kiếp trước, nhưng nếu mình cố gắng nhận thức được sống tốt và chan hòa, không tham lam tàn ác, không sân si thì không chỉ cuộc sống hiện tại mang lại sự tốt đẹp mà còn gieo duyên lành cho kiếp sau. Khép cuốn sách lại, người đọc vẫn phân vân tự hỏi, ngày mai, mình nên sống thế nào để mọi việc an lành vì có tranh đoạt cỡ nào thì khi nằm xuống cũng không mang theo được gì. Phần hồn và thể phách sống tốt nó quyện vào nhau cho cuộc sống an lành, nếu không hồn xiêu phách lạc chỉ mang lại tai ương.

Văn Minh Hoa

Nên đọc