Nhộn nhịp thị trường đồ cúng ông công ông táo giá bình dân
Cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời là truyền thống lâu đời của người Việt. Thời điểm cận kề ngày Tết ông Công, ông Táo, thị trường phục vụ cho ngày lễ quan trọng này như vàng mã, cá chép lại trở nên rộn ràng, tấp nập hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, cách đây ít ngày, thị trường vàng mã khá ảm đạm, ít người mua. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp, thị trường đã sôi động hơn rất nhiều. Từ các gian hàng bán vàng mã tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố đến các gánh hàng rong bên đường phố, hoạt động mua bán diễn ra rất nhộn nhịp.
Tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), thời điểm hiện tại bày la liệt quần áo, mũ, hài, cá chép, tiền, vàng thoi, hương… phục vụ cho ngày cúng Táo quân. Trên thị trường ông Công ông Táo năm nay, giá cả các mặt hàng năm nay không tăng so với mọi năm.
Những đồ cúng Táo quân bao gồm vàng mã, quần áo, cá chép, tiền vàng, hương, nến,… |
Hàng hoá phong phú, đủ loại mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Cá chép cho ông Công, ông Táo cưỡi về trời có loại giấy để hoá vàng hoặc thành nhựa hay vải để treo như một vật phong thủy đem lại may mắn.
Đáng chú ý nhất là mặt hàng cá chép vải, được làm từ xốp bọt biển mềm, bên ngoài bọc vải đỏ thêu các họa tiết rất bắt mắt. Giá của những con cá này tùy thuộc vào kích cỡ. Cá chép đơn loại to có giá 150.000 – 180.000đồng/con, cá chép loại đôi to giá từ 250.000 – 300.000đồng/cặp, cá chép có kèm theo khánh đồng, giá từ 150.000 – 250.000 tùy thuộc kích thước.
Theo các chủ hàng ở đây, loại cá này năm nay mới được nhập khẩu từ Trung Quốc về. Khác với những năm trước, người dân thường chuộng mua cá nhựa hay giấy thì năm nay, mọi người bắt đầu để ý sản phẩm vải, vừa đẹp, vừa bền. Tuy nhiên, sản phẩm này có giá cao nên nhiều người con e dè.
Chị Quỳnh – một tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) chia sẻ, “Ngoài hàng nhập từ Trung Quốc, ở đây còn có nhiều loại nhập từ Thuận Thành (Bắc Ninh), hay Thường Tín (Hà Nội), chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành không quá đắt. Khách về đây mua hàng đều tỏ ra ưng ý lắm. Vài năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, thay vì mua những loại vàng mã đắt tiền; người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có giá bình dân.
“Một bộ đồ đầy đủ quần áo, tiền vàng, cá chép giấy,… cũng chỉ dao động trong khoảng 60 – 80.000 đồng. Để thuận tiện cho khách hàng mua sắm, cửa hàng tôi nhập hàng hóa về cách đây khoảng nửa tháng. Mặc dù sản phẩm hàng bình dân khá chạy nhưng nếu khách có nhu cầu mua hàng cao cấp, cửa hàng tôi lúc nào cũng sẵn. Một bộ sản phẩm cao cấp có giá từ 200 – 250.000 đồng. Riêng những đồ cúng bằng giấy như ngựa, xe máy, xe ô tô, tivi,…chỉ xuất hiện lác đác bởi không có nhiều nhà có phong tục cúng loại này vào ngày Tết ông Công ông Táo”, chị Quỳnh chia sẻ thêm.
Thay vì thả cá chép thật, không ít người chọn đốt cá chép giấy. |
Đang loay hoay chọn đồ cúng tại phố Hàng Mã, chị Hòa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cả gia đình đều là công chức nên tranh thủ thời gian nghỉ trưa chị tranh thủ đi sắm đồ.
“Những đồ giấy như thế này có thể mua trước. Còn đồ cúng mặn và cá chép, ngày 22 tháng Chạp tôi mua cũng được. Đợi đến ngày 23 mới đi mua sợ không kịp. Ngoài mua đồ cúng ông Táo, tôi cũng chuẩn bị thêm ít tiền vàng, quần áo để biếu ông bà tổ tiên tiêu trong dịp tết”, chị Hòa nói.
Theo ông Bùi Văn Quảng, người chuyên sản xuất hàng mã ở phường Bưởi, quận Tây Hồ thì so với năm ngoái lượng hàng của cơ sở sản xuất không tăng hơn và đặc biệt giá bán buôn cũng không tăng. Trung bình mỗi ngày cơ sở này bán buôn khoảng 300.000 – 500.000 bộ.
Theo ghi nhận tại chợ, giá đổ buôn chênh lên khoảng 30% so với giá mua từ các xe chở đến. Giá cả tùy theo loại cá đẹp và bình thường. Cá chép vàng loại nhỏ bán lẻ từ 10.000 – 25.000 đồng/con, bán buôn giá 100.000 – 150.000 đồng/kg, cá ngũ sắc 10.000 – 15.000 đồng/con.
Bác Nguyễn Nhân, một tiểu thương đã bán cá 10 năm ở chợ cá Sở Thượng cho biết: “Người dân mua cá chép vàng nhiều nhất vào ngày 21 và 22 tháng Chạp. Mới từ sáng tôi bán được gần một tạ cá chép vàng, ngày mai tôi tin chắc còn bán được nhiều hơn”.
Những chậu cá chép cho ngày “ông Công ông Táo” được bày bán tại các chợ truyền thống |
Ước tính trong một tuần cận Tết ông Công, ông Táo, mỗi ngày chợ bán được từ 2 đến 3 tấn cá vàng.
Một khách mua cá chia sẻ: “Cá cúng ông Công, ông Táo phải là cá chép ta, màu nhạt hơn những con cá chép lai với cá diếc. Loại cá này được nhiều người ưa chuộng nhất”.
Chị Tô Thu Trang, nhân viên văn phòng chia sẻ: “Theo quan niệm, 23 tháng Chạp hàng năm là thời điểm ông Táo về trời báo cáo tình hình năm qua cho Ngọc Hoàng và cá chép là phương tiện di chuyển của ông Táo. Và, năm nào cũng vậy, cứ đến chiều 22 âm lịch là mẹ con tôi lại ra chợ chọn những chú cá đẹp nhất để sáng 23 gia đình tôi ra hồ thả sớm. Với tục lệ này, gia đình tôi cầu mong có một năm mới tốt lành, vạn sự như ý và đó cũng thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt”.
Ngày này nhà nào cũng sắm sửa mâm lễ để tiễn ông Táo về chầu trời, do vậy lượng vàng mã được hóa cũng rất lớn. Mấy năm gần đây, việc đốt vàng mã xa xỉ cũng không còn rầm rộ như trước. Để đảm bảo phòng chống cháy nổ, nhất là tại các tòa chung cư, khu tập thể cũ, thiết nghĩ người dân nên sử dụng tiết kiệm và có cách phòng tránh hiệu quả.
Theo Nguoitieudung.com.vn