Những phụ nữ làm nghề ép dẻo bằng bàn ủi than tại Sài Gòn

Giữa cuộc sống hiện đại, những người phụ nữ làm nghề cổ lỗ sĩ ép nhựa bằng bàn ủi than vẫn tạo cho mình một sức hút riêng giữa chốn Sài thành. Đồ nghề của họ là chiếc bàn ủi bằng đồng, lò than, cuộn nhựa dẻo.

Một trong số ít những người còn gắn bó với nghề ép nhựa bằng bàn ủi ở Sài Gòn hiện nay là bà Lê Thị Huệ, ngụ tại đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM.

Bà Huệ đang ép giấy cho một khách hàng bằng chiếc bàn ủi cổ lỗ sĩ
Bà Huệ dùng bàn ủi nóng rực đưa từng đường thẳng tắp.

Chiều muộn, vẫn có nhiều người ghé đến “cửa hàng” của bà để ép chiếc chứng minh nhân dân, quyển sách hay hộ khẩu, giấy tờ nhà đất. Thoạt đầu, bà cầm mấy thứ đồ cần bọc nhựa trên tay, ước chừng số nhựa cần thiết rồi dùng kéo cắt từng đường sắc lịm. Rồi chiếc bàn ủi nóng rực được cẩn thẩn đưa lên, đi từng đường thẳng tắp. Mỗi loại giấy tờ chỉ mất vài ba phút là xong, bà gói ghém cẩn thận rồi giao cho khách.

ép dẻo
Một chiếc chứng minh nhân dân được ép với giá 5.000 đồng.

Tính đến nay, bà Trương Thị Hồng Nhung (53 tuổi) cũng gắn bó với nghề ép nhựa bằng bàn ủi được hơn 30 năm.

Bà Nhung kể, quê bà ở Bình Định. Khoảng năm 1984, bà cùng chồng vào Sài Gòn lập nghiệp. Thời gian đầu, bà cùng với chồng đi làm phụ hồ, nay đây mai đó nhưng rồi vất vả quá nên chuyển qua nghề ép nhựa bằng bàn ủi.

Địa điểm mưu sinh của bà là một góc nằm bên cạnh Nhà thờ Thị Nghè, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Chiếc bàn ủi của bà Nhung phía trên đầu có con gà được làm nóng bằng than bên trong, là món đồ có từ thời Pháp thuộc.

nghề ép dẻo
Dù thu nhập hiện nay không được như xưa nhưng bà Nhung vẫn gắn bó với nghề.

Bà Nhung cho biết, thời gian đầu mới làm, vì phải tiếp xúc nhiều với bàn ủi nóng rực nên ngón tay của bà bị phồng đỏ, tối về không ngủ được vì đau rát nhưng rồi làm riết cũng thành quen.

Còn bà Huệ là người Sài Gòn chính hiệu. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ bà đã theo cha mẹ ra vỉa hè làm nghề sửa xe nhưng rồi tuổi tác khiến cho sức khỏe của con người ngày càng giảm đi.

Không còn sức cạy những chiếc lốp xe loại lớn, làm những công việc nặng nhọc nên bà “học lỏm” được nghề ép nhựa dẻo rồi gắn bó với nó đến tận bây giờ.

Vì làm thủ công nên tiền công ép nhựa dẻo cũng rất bình dân. Một chiếc chứng minh nhân dân được ép với giá 5.000 đồng, những loại có kích thước lớn hơn như sổ đỏ, hộ khẩu, sách vở thì 7.000-10.000 đồng.

nghề ép dẻo
Trước đây, nghề này đã giúp bà nuôi các con ăn học. Nay các con trưởng thành rồi, bà làm nghề như một thói quen.
“Ngày xưa khách đông lắm. Làm ngày không hết, tôi còn phải mang về nhà để làm đêm. Còn bây giờ thì ít hơn, hôm đông khách cũng chỉ được dăm bảy chục ngàn, có hôm thì chẳng ai ghé qua”, bà Huệ cho biết.

Dù thu nhập hiện nay chẳng còn được như xưa nhưng khi được hỏi có ý định bỏ nghề không thì bà Huệ cho hay: “Dù ra đây ngồi không có khách thì tôi vẫn cảm thấy vui. Trước đây, nghề này giúp tôi nuôi các con ăn học. Bây giờ chúng đã có thể tự lập rồi. Ngồi ngoài này ngắm phố phường cũng thấy mình trẻ ra, khỏe hơn. Chừng ấy năm làm việc, gần như cái nghề này nó ngấm vào máu mình rồi, không làm thì không chịu được. Đến nỗi, nhiều khi ngủ cũng nằm mơ thấy mình đang ép nhựa dẻo cho khách”.

Chị Minh Vân (quận 3, TP.HCM), một người mẹ đưa cô con gái học lớp 3 đến ép nhựa dẻo cuốn sách, chia sẻ, trước đây chị từng không biết bao nhiêu lần đưa những cuốn sách vở đến ép ở đây. Đến bây giờ, nhiều cuốn chị vẫn còn giữ lại.

Khi thấy con nâng niu cuốn sách trên tay, chị nói: “Không biết cháu mình sau này có còn được ép những cuốn tập theo kiểu này nữa không. Ép nhựa dẻo ở đây không chỉ vì đẹp, bền mà tôi còn thích chiếc bàn ủi bằng đồng bên lò than rực lửa, là cách người phụ nữ cẩn thận làm việc. Một chút hoài cổ giữa phố xá hiện đại”.
Nên đọc