Những phận mưu sinh nơi “Sài Gòn không ngủ”
Sài Gòn được mệnh danh là thành phố không ngủ. Khi đêm về, là lúc những quán bar, sàn nhảy… nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhưng không chỉ có thế – đối lập với sự xa xỉ, hào nhoáng đó là một thế giới khác đầy ắp âm thanh, mùi vị cùng vô vàn cảnh đời mưu sinh nơi chợ đêm. Có ai đã một lần đêm không ngủ, lân la nơi các khu chợ đầu mối Sài Gòn thì mới cảm nhận hết được thế nào là cuộc đời…
Ở Sài Gòn, có lẽ hiếm có ai chưa từng nghe đến tên những khu chợ đầu mối nổi tiếng như: chợ nông sản Bình Điền, Thủ Đức hay chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen… là nơi cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho đời sống của cư dân thành phố.
Khác với khung cảnh nhộn nhịp thường thấy vào ban ngày ở những ngôi chợ truyền thống, cuộc sống ở những khu chợ đầu mối chỉ thực sự bắt đầu khi kim đồng hồ dần nhích sang một ngày mới. Nếu với mỗi người trong chúng ta, giấc ngủ là một điều hết sức bình thường, thì đối với những người mà cuộc sống gắn liền với những nơi “lấy đêm làm ngày” như thế này lại trở thành một điều hết sức xa xỉ. Có cơ hội dạo một vòng quanh những khu chợ đầu mối vào lúc giữa khuya để được nhìn tận mắt và nghe tận tai, chúng ta mới có thể cảm nhận hết cảnh sống thâu đêm của những người lao động ở một góc khác của Sài Gòn. Một Sài Gòn không có dấu vết nào của sự hào nhoáng mà thay vào đó là nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, bởi mới có người ví von: ” đúng là Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo!”.
Những người đàn ông làm bốc vác tại đây chiếm số lượng lớn. Công việc của họ là là chuyển hàng hóa từ các xe vận tải đến từng sạp hàng bằng những chiếc xe kéo nhỏ. Họ đều là những người từ nơi khác tìm đến với Sài Gòn như quê hương thứ hai, mưu cầu kiếm sống bằng sức lao động của mình.
Phải tận mắt chứng kiến chúng ta mới thấy hết cái tất bật, gấp gáp của những người làm việc nơi chợ đêm. Với một khối lượng hàng hóa khổng lồ được chuyển đến, họ phải luôn tay luôn chân cho kịp trước khi trời sáng từ việc sơ chế đến phân chia hàng hóa ra từng phần cho các bạn hàng bán lẻ.
Các chủ hàng phải đảm bảo sao cho từ nông sản đến thủy sản đều phải tươi ngon và đủ số lượng để rải đi khắp thành phố phục vụ nhu cầu của người dân.
Với con người nơi đây, ngoài việc lấy đêm làm ngày, công việc vất vả nặng nhọc ra, những bữa ăn dường như cũng ko đủ đầy và quá đỗi cập rập, dường như chỉ là ăn cho qua bữa, ăn cho có sức làm việc, ăn cho nhanh để kẻo không kịp xong việc. Trong cái cực khổ đời thường ấy, dường như với họ đã thành quen thuộc, ta có thể nhìn thấy sự vất vả, sự mệt mỏi nhưng không tìm đâu thấy sự oán trách hay lời than vãn số phận. Thay vào đó, họ bằng lòng với những gì họ đang có và tạo niềm vui cho bản thân trong sự cơ cực đời thường.
Sài Gòn có hai chợ đầu mối chuyên cung cấp hoa lớn nhất là chợ hoa Hồ Thị Kỷ và chợ hoa Đầm Sen. Cũng như các khu chợ đêm khác, khi nhà nhà đã đi vào giấc ngủ say thì những khu chợ này lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hoa ở khắp nơi đổ về nhưng chủ yếu là từ thành phố hoa Đà Lạt.
Đối với mặt hàng này, các chủ hàng lẫn những người bốc dỡ phải hết sức cẩn thận để không làm dập, nát hoa. Cũng như các chợ đầu mối khác, hoa khi được chuyển đến sẽ qua tay các chủ hàng để phân chia cho các bạn hàng bán lẻ và chuẩn bị cho phiên chợ chính vào sáng hôm sau.
Không kể là đàn ông hay phụ nữ, già hay trẻ, họ đều phải đánh đổi giấc ngủ quý giá của mình để góp mặt nơi chợ đêm vì một lẽ “cơm áo gạo tiền”.
Sự nhộn nhịp của những ngôi chợ này tiếp diễn cho đến tận sáng. Để rồi lại được nối tiếp bởi một sự nhộn nhịp khác khi thành phố thức giấc. Sự vất vả, cơ cực của buổi đêm phải nhường chỗ cho những êm ả, vui tươi ban ngày. Nhịp sống cứ thế mà kéo dài ra tưởng chừng đến bất tận.
Theo Saostar.vn