PGS.TS, BS Lê Hành: Ngành thẩm mỹ cần lắm những người có tài và có tâm

PGS – TS BS Lê Hành, người thầy “tận tâm” của nhiều thế hệ Bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM)  danh tiếng hiện nay vẫn  không ngừng cống hiến cho sự phát triển của lĩnh vực PTTM nước nhà qua các dự án đào tạo Bác sĩ chuyên khoa về PTTM mà ông đặt nhiều tâm huyết.

Trong 10 năm qua, ngành PTTM rất phát triển với hàng ngàn trung tâm, cơ sở thẩm mỹ mọc lên khắp cả nước nhưng trong số đó có bao nhiêu cơ sở có đủ năng lực thực sự ở góc độ PTTM vẫn luôn là niềm đau đáu của những người Bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, những người luôn nỗ lực hoàn thiện tay nghề bằng trách nhiệm và lương tâm của một người thầy thuốc thực sự.

Gặp gỡ ông, người thầy thuốc ưu tú được biết đến như là cánh chim đầu đàn của Hội PTTM TP.HCM cũng chính là người “khởi xướng” dự án đào tạo Bác sĩ chuyên khoa Định Hướng, Chuyên khoa Cấp I và II về PTTM ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhân ngày lễ tôn vinh người thầy (Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11) mới hiểu hết nỗi niềm trăn trở của người thầy thuốc đầy trách nhiệm.

Thưa ông, trong bối cảnh mà ngành PTTM của nước ta đang chuyển mình với nhiều sự phát triển vượt trội cùng hàng loạt các phòng khám, Trung tâm thẩm mỹ và Bệnh viện thẩm mỹ ra đời nhưng xu hướng mọi người vẫn tìm cơ hội làm đẹp cho mình ở nước ngoài, liệu có phải ngành Thẩm mỹ của chúng ta bị đánh giá thấp chăng?

Theo tôi điều đó cũng đúng theo quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường. Người ta có quyền lựa chọn những nơi nào có uy tín, chất lượng đảm bảo, phục vụ tốt… để đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho mình. Có thể nhận thấy xu hướng mọi người đổ dồn vào một số quốc gia có ngành PTTM phát triển trên thế giới: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… trong khi chưa thực sự đánh giá đúng mức tầm vóc phát triển của ngành PTTM Việt Nam hiện nay.

Trước năm 1975, ngành PTTM của miền Nam, Việt Nam phát triển rất mạnh. Thời đó, đa số các Bác sĩ được tu nghiệp từ: Mỹ, Anh, Pháp… rồi trở về nước để hành nghề tại những cơ sở rất uy tín và nhiều khách hàng từ các nước lân cận cũng tìm đến để đất nước chúng ta để trải nghiệm dịch vụ này.

Mặc dù trải qua một thời gian bị “khựng” lại sau đó, nhưng trong 10 năm trở lại đây, có thể nhận thấy số lượng bác sĩ tham gia hành nghề trong ngành thẩm mỹ ở Việt Nam tăng lên cả về chất lẫn về lượng cũng như cơ sở vật chất trang thiết bị cũng được đầu tư không thua kém nước ngoài.

Việc ra nước ngoài thực hiện các dịch vụ liên quan đến PTTM có gặp phải rủi ro, biến chứng không, thưa ông?

Ngoài những điểm lợi mà chị em thấy khi chọn các dịch vụ PTTM ở nước ngoài thì còn có những điểm không lợi mà chị em cũng cần lưu ý. Chẳng hạn như việc hạn chế về ngôn ngữ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trong các công đoạn của PTTM – nhất là lúc tư vấn. Và một khi có biến chứng phải trở lại nước đó để sửa chữa rất tốn kém. Còn một nguy cơ lớn nữa chính là trình độ của phẫu thuật viên. Sẽ rất khó để chắc chắn bạn biết rõ về người sẽ phẫu thuật cho mình là ai, trình độ như thế nào… Hiện tại chúng tôi vẫn đang phải xử lý các trường hợp biến chứng do các PTTM ở nước ngoài để lại.

PGS – TS BS Lê Hành: Ngành thẩm mỹ cần lắm những người có tài và có tâm

Theo như chia sẻ của ông thì sự phát triển trong ngành PTTM ở nước ta tăng đột biến trong 10 năm trở lại đây đồng nghĩa với số lượng phẫu thuật viên, bác sĩ PTTM gia tăng, trong vai trò Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM, ông đã có những bước chuẩn bị cho công tác đào tạo như thế nào?

Nếu như trước đây chỉ có Trường ĐH Y Hà Nội có đưa vào bộ môn tạo hình để đào tạo định hướng chuyên khoa tạo hình trong vòng 1 năm, những phẫu thuật thẩm mỹ khác lại nằm trong từng chuyên khoa khác nhau, đào tạo riêng rẽ và hoạt động riêng rẽ.

Nhưng đến năm 2000, do sự bùng nổ về nhu cầu PTTM, số lượng khách hàng tăng vọt, để lộ tiềm năng tăng các biến chứng nên yêu cầu về đào tạo, học PTTM gia tăng. Lúc đó, Nhà nước mới nhìn lại về tầm quan trọng của hoạt động ngành PTTM và quyết định phải kiểm soát hoạt động này bằng những cơ sở có tính chất nền tảng. Tại TP.HCM, chúng tôi thành lập Khoa PTTM tạo hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm mục tiêu định hướng cho thị trường và giúp sửa chữa những biến chứng do PTTM dân gian để lại. Sau đó, hàng loạt các bệnh viện lớn khác đều có khoa tạo hình thẩm mỹ chuyên nghiệp riêng và các bệnh viện chuyên về PTTM trong tư nhân… Lúc đó, chúng tôi mới xin thành lập Hội PTTM TP.HCM năm 2007 và Hội PTTM Hà Nội năm 2010, nơi tập hợp những người hoạt động riêng rẽ để hợp lại thành một khối thống nhất, nhờ đó mà hoạt động trong ngành ngày càng phát triển.

Đến năm 2009, chúng tôi nhận nhiệm vụ của Thành phố lập ra những bộ môn thẩm mỹ tạo hình trong trường Đại học để dạy chính quy về những PTTM. Có 2 bộ môn được thành lập trong Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường ĐH Y dược TP.HCM. Năm 2009, chúng tôi đào tạo sơ bộ Chuyên khoa I – 1 năm. Đến năm 2011, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở ra ra đào tạo Chuyên khoa I – 2 năm. Dự kiến sẽ mở lớp chuyên khoa 2 trong năm tới. Hiện có khoảng  200 phòng khám PTTM, 30 khoa tạo hình thẩm mỹ làm PTTM trong bệnh viện, 20 BV TM chuyên khoa Thẩm mỹ và hàng ngàn phòng khám da liễu, các phòng khám có làm các dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ và các spa…

Trong ngành PTTM thì danh tiếng của BS Lê Hành đã rất nổi tiếng, ở đỉnh cao của sự nghiệp, lẽ thường người ta thường tập trung cho công việc kinh doanh, cho gia đình nhưng ông lại tiếp tục dành tâm huyết đầu tư, đào tạo, khởi xướng bộ môn PTTM, vì sao vậy thưa ông?

Nếu để sống chỉ kiếm tiền thì vô cùng uổng phí cả cuộc đời. Cả cuộc đời tôi học tập, rèn luyện tay nghề và luôn giúp cho mọi người hết mức trong tầm tay mình. Trong khi tôi làm về PTTM, tôi nhận thấy cần phải xây dựng một ngành thẩm mỹ của Việt Nam vững mạnh, phải làm thế nào để những người có nhu cầu thẩm mỹ được hưởng những điều tốt nhất. Muốn vậy, phải xây dựng thôi. Tất cả anh em làm trong ngành đều có chung tâm huyết như vậy. Và chúng tôi đã xây dựng từ từ, từ một khoa ở bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó các anh em mở các khoa khác ở bv Nguyễn Tri Phương, bv Trưng Vương, bv Bình Dân…

Sau khi đã có hoạt động về thẩm mỹ mạnh mẽ như thế thì chúng tôi thành lập hội để thu hút những người hành nghề chuyên nghiệp về Thẩm mỹ Tạo Hình. Đến nay, hội tp HCM  đã có hơn 250 hội viên tham gia. Vai trò chính của Hội là đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức để bs nâng cao tay nghề qua đó nhân dân mới được phục vụ tốt. Khi có nhiều bệnh nhân, thì trình độ tay nghề cũng phát triển: có các nghiên cứu khoa học và rút nhiều kinh nghiệm… Do vậy bộ môn –  Hội là yếu tố cơ bản để hình thành một chuyên khoa. Việc quản lý cấp giấy phép hành nghề sẽ dựa trên năng lực bác sĩ được đào tạo. Không có đào tạo chuẩn sẽ không quản lý được việc hành nghề của phẫu thuật viên.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình đưa bộ môn PTTM vào giảng dạy?

Giai đoạn đầu tiên khi bắt đầu triển khai hoạt động đào tạo bộ môn PTTM vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải đối diện với câu chuyện truyền khẩu từ xưa nay trong ngành thẩm mỹ, thường là cha truyền con nối, bạn bè dạy nhau với trình độ rất hạn chế nên khi đưa vào dạy trong trường chúng tôi phải nhờ đến hơn 30 giảng viên đào tạo là các bác sĩ đầu ngành để hỗ trợ cho công tác giảng dạy, giảng cho người học những gì tốt nhất cho họ. Đôi khi tôi chỉ mời một thầy dạy đúng 1 bài hay tâm đắc nhât của họ thôi. Đồng thời với việc thành lập bộ môn, chúng tôi xuất bản bộ giáo trình phù hợp. Có thể nói đó là bộ giáo trình về PTTM đầu tiên của Việt Nam bằng tiếng Việt.

Thêm một thách thức nữa đó là tìm kiếm cơ sở thực tập cho học viên. Không dễ gì thực hành phẫu thuật tại phòng mổ riêng tư của các bs, chuyên gia khác. Nhưng kể từ khi có bộ môn PTTM rồi, các bác sĩ, cán bộ giảng của chúng tôi đều rất tâm huyết để cho các học viên của các bộ môn của chúng tôi đến học. Đây là xem là một thành công rất lớn và mang tính chất bước ngoặc của việc đào tạo chuyên ngành PTTM.

Theo ông, để trở thành một Bác sĩ thẩm mỹ cần có những tố chất gì?

Bác sĩ vốn dĩ đã là những người có năng lực, được tuyển chọn và đào tạo riêng biệt trong một thời gian dài nhưng BS PTTM còn cần phải có năng khiếu. PTTM là sự kết hợp giữa khoa học y khoa và nghệ thuật. Biến những kỹ thuật y khoa, công nghệ y khoa thành cái đẹp trên thân thể của bệnh nhân. Muốn làm được điều đó thì phải cảm nhận được cái đẹp và sau đó dùng đôi tay tài hoa của mình để thực hiện phẫu thuật dưới góc độ của người nghệ sĩ. Do vậy không phải các BS đều có thể thành công trong nghề PTTM được vì ngoài việc thực hiện phẫu thuật thì họ còn có một phong độ, một cảm nhận, một cung cách phù hợp với nghề…

Trong ngành thẩm mỹ hiện đại, chỉ có kỹ thuật và công nghệ thôi là chưa đủ, mà cần lắm những người vừa có tài vừa có tâm bởi những sản phẩm mà họ làm ra có thể hiệu quả vô song nhưng tác hại cũng khôn lường, ảnh hưởng trên thể xác, tinh thần và hoạt động của cả một đời người. Đừng để tính “kinh tế” lấn át các giá trị khác của ngành, cần học đàng hoàng để có kỹ năng tốt, cần trung thực trong khi hành nghề và nhất là đừng xem nhẹ tình đồng nghiệp, tôn ti trật tự trong ngành Y.

Chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!

Diệp Anh

Nên đọc