Sao không để lì xì trao những niềm vui hoan hỉ?
Chẳng ai xa lạ gì với tục lệ lì xì, nhưng mấy ai còn nghĩ đến ý nghĩa thật sự của chiếc “hồng bao” làm nên niềm vui ngày Tết?
Nếu có một hình tượng mang mọi cảm xúc vui, buồn, lo, sợ trong những ngày Tết, có lẽ nói không ngoa chính là “lì xì”. Vốn dĩ cái phong bao màu đỏ xinh xinh, mang ý nghĩa của may mắn, tài lộc kia chẳng có lỗi, lỗi ở mọi người đã dần quên mất, lì xì cốt để trao gửi những niềm vui hoan hỉ, tốt đẹp, thay vì những vật chất tầm thường, những món tiền so đo, cân nhắc và mang màu thực dụng theo thời gian.
Như trong một bài viết mới đây của đạo diễn Lê Hoàng, lì xì lại biến thành một câu hỏi hài hước “Con Lì Xì là con gì?” nhưng phản ánh hết thảy thực trạng hiện tại mà lì xì chẳng biết làm gì nên tội để trở thành một kẻ phiền nhiễu, một niềm vui “cân bằng lượng” cho mọi người.
“Con Lì Xì” trong mắt của Lê Hoàng khá dí dỏm: “Lì Xì là một con vật không biết bay, không biết chạy, không biết đi cũng không biết bò. Nó có tên gọi khác là Phong Bao, to khoảng ba ngón tay, thường treo lủng lẳng như mực khô ở lề đường trong những ngày xuân.”, và “chả hiểu Lì Xì bổ béo ra sao mà ai cũng nói tới vào dịp Tết. Tuy nhiên thiên hạ chia làm hai phe rõ rệt vô cùng: Phe rất yêu Lì Xì, Phe rất sợ Lì Xì.”
Lê Hoàng nổi tiếng với các bài viết hài hước, châm biếm sâu cay nhưng chân thực
Nói đến đây, hẳn ai cũng biết mình đang thuộc về phe nào, “Phe Yêu là những kẻ được nhận. Nguyên tắc khi nhận là đứng thẳng đưa hai tay ra đỡ, cảm ơn và nói những lời chúc rất dễ thuộc lòng, được dùng Tết này sang Tết khác, người nọ tới người kia đến mức chưa hết câu thì ai cũng biết. Trong lúc mồm cảm ơn, mắt chớp chớp, tay phải kín đáo và nhẹ nhàng nắn xem Lì Xì béo hay gầy.”
Nhưng dẫu có thế nào thì hình ảnh lì xì cũng trở nên tội nghiệp giữa hai thái cực yêu và sợ. Và càng đọc những “phán đoán” về “con Lì Xì” kỳ bí kia, chắc hẳn không ít người đã vỡ lẽ, đâu rồi niềm vui và ý nghĩa thực sự mà mọi người mong muốn khi nhận lì xì?
“Dù Lì Xì to hay nhỏ, hình vẽ bên ngoài đẹp hay xấu cũng chả ma nào quan tâm. Họ xơi Lì Xì bằng cách dùng tay moi ruột nó và tùy vào văn hóa, tuổi tác, phẩm hạnh mà moi khác nhau. Trẻ con hầu như moi ngay lập tức, người lớn moi sau khi chạy ra chỗ khuất hoặc moi dưới gầm bàn, moi sau cánh cửa, vừa moi vừa nhìn trước ngó sau giống y như ăn vụng.”
Hay thậm chí, vị đạo diễn này còn ví lì xì như những thứ gần gũi nhưng lại không như thế, ai cũng quen mặt đặt tên nhưng mấy ai hiểu được lì xì?
“Chắc chắn Lì Xì không phải thuốc bổ vì chưa thấy bệnh nhân nào pha nó vào nước uống, hoặc bác sĩ nào dán nó lên vết thương. Lì Xì cũng không phải nghệ thuật vì chưa ai cầm lên đọc như đọc sách hoặc múa trên sân khấu mà đội nó lên đầu. Lì Xì cũng chả phải huy chương do cũng chưa thấy bà con đeo lên cổ, càng không phải áo tắm vì đâu thấy cô nào mặt nó nhảy ùm xuống bể bơi.”
Giá như lì xì có thể trở thành những tiếng cười, để niềm vui sẽ tự động lan tỏa
Tôi chỉ nghĩ, giá như lì xì có thể trở thành những tiếng cười, để khi mở chiếc “hồng bao” ấy ra, những niềm vui sẽ tự động lan tỏa, như một lời chúc ý nghĩa cho năm mới. Để lì xì trở thành niềm hạnh phúc của người trao, là niềm vui lan tỏa cho người nhận? Hay chí ít, chiếc “hồng bao” không còn biến thành những gánh nặng vô hình ngày Tết, để chỉ có nụ cười và may mắn ở lại, Tết cười mới đích thị là Tết vui.
Vậy thì người ơi, sao không để lì xì trao những niềm vui hoan hỉ, như chính nó phải vậy?