Số phận nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh sẽ ra sao?
Vừa qua, công trình nhà thờ tổ nghiệp sân khấu của NSƯT Hoài Linh với kinh phí xây dựng lên đến hàng chục tỉ đồng tại phường Long Phước (quận 9, TPHCM) đã phải tạm dừng thi công và nộp phạt do xây dựng trên đất nông nghiệp, không có giấy phép xây dựng. Trong khi số phận công trình còn chưa được quyết định thì dư luận và đông đảo nghệ sĩ không khỏi băn khoăn, liệu nhà thờ tổ mà nghệ sĩ Hoài Linh dồn nhiều tiền bạc, tâm sức có nguy cơ bị xóa sổ hay không?
Mong giữ lại công trình tâm huyết
Theo Quyết định xử phạt do UBND quận 9 ban hành ngày 16/2, công trình nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh đã vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng được quy định ở Nghị định 121 và bị xử phạt 6,25 triệu đồng. Có 3 hạng mục không có giấy phép, gồm: Hạng mục diện tích 319m2 , hạng mục diện tích 68m2 và hạng mục diện tích 128m2 . Sau khi có Quyết định, NSƯT Hoài Linh đã đóng tiền nộp phạt và chờ cơ quan chức năng hướng dẫn làm thủ tục xin phép xây dựng.
Trong “Đơn xin cứu xét” của NSƯT Hoài Linh gửi đến UBND quận 9 được công khai với báo chí có 2 điểm chính được trình bày là: Giải thích lý do vì sao lại dồn tâm sức, tiền bạc tích góp được nhiều năm qua để xây nhà thờ tổ sân khấu, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết cho nghệ sĩ Hoài Linh giữ lại công trình này. Theo nghệ sĩ Hoài Linh, suốt quá trình lao động nghệ thuật, anh chỉ biết mỗi việc biểu diễn khắp nơi, cống hiến cho khán giả, không màng đến cuộc sống cá nhân mình. Được mọi người yêu mến, ủng hộ, Hoài Linh có tích lũy được số vốn và ấp ủ ước mơ, nếu tổ nghiệp cho mình cái gì sẽ trả hết để được có chỗ mà thờ cúng theo tâm linh của tổ nghề sân khấu. Ngoài mục đích xây dựng nhà thờ tổ sân khấu để phục vụ giới nghệ sĩ thờ cúng tổ nghề thì đây còn được coi là điểm các nghệ sĩ giao lưu gặp gỡ nhau. NSƯT Hoài Linh cho rằng, rất nhiều nghệ sĩ có ước muốn này nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện biến nó thành hiện thực, thế nên anh mong được cơ quan nhà nước xem xét cho giữ lại công trình tâm huyết.
Sẽ sớm hoàn thiện thủ tục
Theo nghệ sĩ Hoài Linh, công trình anh xây dựng phù hợp với điều kiện du lịch sinh thái của địa phương, xây bằng gỗ chứ không đúc kiên cố. Lá đơn anh gửi đến UBND quận 9 khi công trình nhà thờ tổ về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Hiện tại, việc xem xét giải quyết công trình trên có được tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng. Về phần nghệ sĩ Hoài Linh, anh cho biết sẽ sớm hoàn thiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng phần diện tích trong khuôn viên đất hiện nay nhằm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Nghệ sĩ Hoài Linh cũng cho biết thêm, từ khi nhận quyết định tạm dừng thi công, mọi hạng mục công trình đã được “niêm phong” đúng hiện trạng. Theo những người dân trong vùng, chỉ khi báo chí đưa tin thì họ mới biết nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh “mặt ngang mũi dọc” ra sao vì khu đất có diện tích khoảng 7.000m2 này vốn được bao bọc bởi hai mặt kênh đào và khu đất trống. Suốt quá trình thi công, toàn bộ công trình đều được rào chắn cẩn thận bởi hệ thống tường bao cao khoảng 4m. Thợ xây dựng làm việc “bí mật” bên trong và chỉ ra ngoài vào giờ ăn. Công trình xây dựng này có người bảo vệ nghiêm ngặt.
Liên quan đến những tin đồn nhà thờ tổ đã bị phá dỡ, NSƯT Hoài Linh khẳng định không có chuyện công trình bị cưỡng chế như một số thông tin đề cập. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ vẫn tỏ ra lo ngại cho anh về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất để xem xét cho tồn tại công trình. Bởi trong quá trình thụ lý, nếu cơ quan chức năng xét thấy không đủ điều kiện, không đảm bảo diện tích phù hợp quy hoạch thì có thể công trình không thể tồn tại được và bấp bênh trước nguy cơ biến thành khu nhà hoang.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Luật sư Nguyễn Thị Hiên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích. Phần đất mà nghệ sĩ Hoài Linh đang sử dụng là đất nông nghiệp nên để có thể xây dựng công trình trên đất, trước tiên phải làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất ở) và nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về đối tượng và các loại giấy phép xây dựng cũng hướng dẫn cụ thể, sau khi tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư còn phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công. Căn cứ vào những quy định trên, có thể kết luận, công trình nhà thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh đã phạm luật. Vì cá nhân không chủ động xin cấp phép, chính quyền địa phương lại phát hiện muộn nên bây giờ công trình đã hiện hữu ở tình trạng gần như hoàn thiện. Bởi vậy, để xử lý sao cho vừa hợp tình, hợp lý lại đúng quy định của pháp luật là bài toán khó. Với tình trạng hiện thời của công trình, để xin chuyển mục đích sử dụng đất là khá phức tạp vì cần được đối chiếu sao cho phù hợp với nhiều quy định, quy hoạch phát triển khu vực kèm theo. Chẳng hạn, phần đất nông nghiệp nói trên vẫn nằm trong kế hoạch ưu tiên phát triển nông nghiệp của địa phương, thì sau khi có quyết định xử lý vụ việc, chủ đầu tư buộc phải trả lại nguyên trạng ban đầu”.
Theo Báo Gia đình & Xã hội