Thâm cung bí sử về quý bà Trần Lệ Xuân (1): Lời tiên tri từ… thầy bói
Người mẹ mới 14 tuổi, đã sinh hạ con gái đầu lòng là Trần Lệ Chi gần như rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi Trần Lệ Xuân cất tiếng khóc chào đời.
Cuốn sách mang tên “Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng” vừa ra mắt ngay lập tức đã trở thành tâm điểm “săn lùng” của độc giả vì sự tò mò về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (1924-2011) – vợ ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền Nam trước đây. Ngay từ những chương mở đầu, số phận người phụ nữ này đã chứa đựng nhiều chuyện li kì, khác lạ.
Nỗi buồn của người mẹ 14 tuổi
“Một người mẹ trẻ mười bốn tuổi như bà Chương đã làm gì với đứa con mới đẻ, một nhúm thịt với gương mặt đỏ hỏn, đang khóc toáng lên trong tay mình? Khi vừa mới chào đời, chẳng có mấy lý do để người ta tin rằng số phận của bà sẽ khác với hàng bao thế kỷ phụ nữ đi trước bà…”– Cách tác giả Monique Brinson Demery miêu tả về ca sinh nở đặc biệt của mẹ bà Trần Lệ Xuân là công chúa Nam Trân đã thu hút sự tò mò của độc giả.
Người mẹ mới 14 tuổi, đã sinh hạ con gái đầu lòng là Trần Lệ Chi gần như rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi Trần Lệ Xuân cất tiếng khóc chào đời.
Dù là người nước ngoài nhưng trong tác phẩm của mình, tác giả Monique Brinson Demery đã cắt nghĩa rõ sự chi phối của truyền thống Khổng giáo Á Đông tới khát khao có con trai nối dõi của công chúa Nam Trân: “Tục ngữ Việt Nam truyền thống đã thâu tóm nỗi thất vọng của việc sinh con gái: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, hay “Một trăm con gái không bằng hòn dái con trai”. Vào ngày cưới, người đàn ông đưa về gia đình một vật sở hữu quý giá hơn tất thảy: một cô con dâu, người sẽ chỉ được giải thoát khỏi vai trò người hầu thật sự của gia đình chồng, đặc biệt là mẹ anh ta, chỉ đến khi cô có con trai. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn…”
Bìa cuốn sách về bà Trần Lệ Xuân
Theo đó, từ khi mang bầu đứa con thứ hai, mẹ của Trần Lệ Xuân đã tự thuyết phục bản thân rằng đứa trẻ nhất định là con trai. Bà tin chắc điều đó đến mức đã mua về nhà rất nhiều đồ chơi, quần áo con trai. Hơn thế nữa, mẹ chồng bà đã đưa ra một vài lời đe dọa đáng ngại như việc chồng bà sẽ lấy vợ lẽ nếu đứa thứ hai là con gái bởi ông Trần Văn Chương là con trưởng của nhà họ Trần danh giá và cái vị trí của người phụ nữ “lá ngọc cành vàng” chẳng bao giờ cần động đến dù chỉ một ngón tay mảnh dẻ, ngoại trừ để rung chuông gọi người hầu như công chúa Nam Trân sẽ lung lay.
Bị coi như một ngôi “sao xấu” mang đến nỗi buồn cho mẹ và gia đình, từ nhỏ Trần Lệ Xuân gần như không được chào đón hay hưởng một phút giây nào của niềm hạnh phúc. Trong khoảng thời gian ở cữ, hai mẹ con Lệ Xuân phải co cụm trong khung cảnh u ám đến ngộp thở.
Ngoại trừ thầy lang, thầy bói là những nhân vật không thể thiếu thì gần như phu nhân của ông Trần Văn Chương bị hạn chế không được tiếp xúc với ai. Nhưng ít người tin rằng, trong chính những ngày tháng bi kịch ấy, một thầy bói đã tiên tri rằng đứa trẻ mang tên Trần Lệ Xuân ấy sau này sẽ có một số phận kì lạ.
Bí ẩn về ngôi sao chiếu mệnh
Trong cuốn sách về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân, một trong những tình tiết độc giả khó có thể bỏ qua được đó là sự xuất hiện của nhân vật thầy bói trong gia đình quyền lực ấy.
Đó là một trong những người nhìn mặt các em bé đầu tiên trong gia tộc rồi đưa ra lời đoán quyết vận mệnh bằng cách đối chiếu ngày sinh, giờ sinh, hoàng đạo với vị trí của mặt trời và mặt trăng và không quên tính cả những ngôi sao xấu đang lướt qua.
“Ông thầy đã thốt lên về số phận của đứa trẻ: Thật là ngoài sức tưởng tượng!. Đứa bé – ông nói với bà Chương đang run lẩy bẩy – sẽ leo lên đến những đỉnh cao vời vợi. Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn! Bé gái sẽ lớn lên trong niềm tin vào vận mệnh của mình đồng thời với lời tiên tri xán lạn đã khiến mẹ cô ghen tỵ một cách sâu xa. Kết quả là một cuộc đời với những mối quan hệ mẹ con đầy căng thẳng và sự ngờ vực bất tận…”, Monique Brinson Demery viết.
Bà Trần Lệ Xuân (phải) bên mẹ của mình
Thân mẫu của bà Trần Lệ Xuân từng được ca ngợi bởi nhan sắc tuyệt mỹ đến độ về sau nhờ đó bà đã giành được một tấm huân chương phong tặng bởi những người Pháp say mê sắc đẹp đặt cho bà biệt danh “Viên ngọc trai Á châu” nhưng con gái thứ hai của công chúa Nam Trân còn có sức ảnh hưởng nhiều hơn cả mẹ không chỉ bởi nhan sắc hơn người mà còn nhờ sự thông minh, nhạy cảm.
Thời điểm ông Chương được đề bạt một công việc mới tại Cà Mau, Trần Lệ Xuân đã bị gửi lại ở cùng ông bà nội nhưng một “bằng chứng” cho sự trở về của bố mẹ mình. Bị những người làm vườn trong gia đình chơi đùa như một món đồ chơi, tuổi thơ của Trần Lệ Xuân chỉ biết lẽo đẽo theo chân họ, đôi lúc còn phải tắm rửa giữa đàn gia súc. Cha mẹ bà chỉ trở về khi nghe tin con gái mình ngã bệnh, đang lơ lửng giữa sự sống và cái chết.
Sau này, khi được đoàn tụ cùng cha mẹ, Trần Lệ Xuân vẫn bị hắt hủi, phân biệt đối xử trước em trai, chị gái của mình dù trong thâm tâm, những người trong gia đình luôn bất ngờ trước sự thông minh hiếm có của bà. Nhiều lần, chỉ vì thông minh đến mức làm “bẽ mặt” người thừa tự của gia đình là em trai mình mà Trần Lệ Xuân bị phạt.
Có lần, vì mặc cảm thua kém mà em trai bà đã giật phắt cây bút lông và ném vào đầu chị mình. Bị ngòi nhọn cây bút đâm thẳng vào trán, mực chảy tràn trên mặt nhưng con gái thứ của công chúa Nam Trân vẫn muốn chứng minh cho cha mẹ biết mình không phải đứa trẻ dễ bị “phủ đầu”.
(Còn nữa)
Theo Báo Gia đình & Xã hội