Thiệt hại do bão số 9 tiếp tục tăng

Theo báo cáo nhanh ngày 27/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra tiếp tục gia tăng.

Tính đến 6h00 ngày 27/11/2018, có 01 người chết; 02 người bị thương (TP Hồ Chí Minh, tăng 02 người so với báo cáo nhanh ngày 25/11). Nhà bị sập đổ hư hỏng: 117 nhà (Khánh Hòa: 06; Ninh Thuận: 01; Bình Thuận: 05; TP. Hồ Chí Minh: 20; Bà Rịa-Vũng Tàu: 73, Bình Dương: 01; Tiền Giang: 08; Tây Ninh: 03). Tàu chìm, hỏng: 58 thuyền (Phú Yên: 01; Bình Định: 01; Khánh Hòa: 01; Ninh Thuận: 02; Bình Thuận: 35; Bà Rịa-Vũng Tàu: 18). Diện tích lúa bị ngập, hư hại: 14.431 ha (Phú Yên: 74 ha; Khánh Hòa: 8.500 ha; Ninh Thuận: 650 ha; Bình Thuận: 4.003 ha; Bà Rịa-Vũng Tàu: 1.204 ha). Hoa màu bị ngập, hư hại: 1.148 ha (Phú Yên: 34 ha; Ninh Thuận: 288 ha; Bình Thuận: 571 ha; Bà Rịa – Vũng Tàu: 76 ha; Bình Dương: 358 ha; Lâm Đồng: 70 ha). Đê, kè bị sạt lở, hư hỏng: 25m2 (Bình Thuận). Bờ biển bị sạt lở: 3.255m (Ninh Thuận: 710m; Bình Thuận: 2.545m). Giao thông bị sạt lở 33.627 m3 đất đá (Phú Yên). Cây xanh bị  gãy đổ: 432 cây (Bà Rịa-Vũng Tàu: 198 cây; TP. Hồ Chí Minh: 223 cây; Bình Dương: 03 cây; Tiền Giang: 08 cây).

Mưa lớn đã làm ngập lụt một số tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và nội đô tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Đến chiều tối ngày 26/11/2018, các tuyến đường trên nước đã rút, giao thông đi lại bình thường. Riêng đoạn giao thông nông thôn tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và tuyến tỉnh lộ 9, tỉnh Khánh Hòa vẫn đang bị sạt lở, ngập nước và ách tắc giao thông.

Về tình hình lũ, lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã đạt đỉnh ở mức báo động 2 – báo động 3 (riêng sông Lũy tại Bình Thuận đã đạt đỉnh ở mức trên báo động 3 là 0,4m); Quảng Trị, Lâm Đồng mức báo động 1. Hiện lũ trên các sông đang xuống, mực nước lúc 07h00 ngày 27/11 tại một số trạm như sau: Sông Kỳ Lộ (Phú Yên): Hà Bằng 8,03m, trên báo động 2 là 0,47m, đã đạt đỉnh 9,05m lúc 15h ngày 26/11; sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận): Tân Mỹ 35,69m, trên báo động 1 là 0,31m), đạt đỉnh 38,42m lúc 15h ngày 25/11; sông Lũy (Bình Thuận): Sông Lũy 24,91m, trên báo động 1 là 1,09m), đã đạt đỉnh 28,40m lúc 4h ngày 26/11.

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính phổ biến ở mức báo động 1 – báo động 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Về tình hình hồ chứa, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Bộ Công thương, trong 155 hồ thuỷ điện cập nhật thông tin vận hành, có 03 hồ xả điều tiết qua tràn: Hồ chứa Đrây Hlinh 1 xả 71m3/s, Vĩnh Sơn 5: 17 m3/s, Sông Giang: 19 m3/s. Về hồ thuỷ lợi, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 16h30 ngày 26/11, khu vực Bắc Trung Bộ có 37/157 hồ chứa lớn đầy, 4/47 hồ có cửa van và 900/1.730 hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Có 02 hồ đang xả qua phát điện (Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả qua phát điện 130 m3/s, Tả Trạch (Thừa Thiên – Huế) xả qua phát điện 5 m3/s); khu vực Nam Trung Bộ có 93/506 hồ đầy nước (18/172 hồ chứa lớn, 10/82 hồ có cửa van, 75/334 hồ chứa nhỏ). Hiện có 20 hồ đang vận hành xả lũ, trong đó có 02 hồ xả lớn nhất: Sông Quao (Bình Thuận) 167m3/s, Lòng Sông (Bình Thuận) 187 m3/s).

Các công việc cần triển khai tiếp theo, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; tập trung công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổng hợp, đánh giá thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khẩn trương xử lý các sự cố, khôi phục giao thông trong khu vực bị ảnh hưởng. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho các khu vực hạ du các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Ứng trực 24/24h tại các hồ xung yếu; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và các chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó, tính toán tham mưu sẵn sàng phương án điều tiết phù hợp với tình hình thực tế.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục duy trì phát sóng các chương trình hướng dẫn, phổ biến kiến thức hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai. Đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa lũ sau bão; tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Theo Đặng Hiếu

ĐCSVN

Nên đọc