Tỷ phú Bill Gates chi hàng trăm tỷ làm toilet bằng giun giúp loại bỏ 99% mầm bệnh

PhunuOnline.net – Nhà vệ sinh không cần xả nước mà dùng giun có chức năng phân hủy chất thải con người, giúp loại bỏ 99% mầm bệnh. 

Tỷ phú công nghệ Bill Gates đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để phát triển nhà vệ sinh không cần nước, giúp đảm bảo sức khỏe cho hàng ngàn người dân Ấn Độ.

Năm 2015, một loại nhà vệ sinh mới mang tên Tiger Toilet được phát minh, xuất hiện bên ngoài các ngôi nhà và trường học tại Ấn Độ. Bề ngoài, nhà vệ sinh này trông giống mọi nhà vệ sinh khác nhưng đặc biệt hơn vì không có mùi. Chúng hoạt động nhờ một đàn giun đất (hay còn gọi là trùn hổ) phía dưới.

“Chúng sinh sản và sống trong tự nhiên. Môi trường sống yêu thích của chúng là trong những đống phân bò hoặc phân ngựa”, Ajeet Oak, Giám đốc công ty Tiger Toilet, cho biết.

http://haiyengroup.com/bang-gia-quang-cao-tren-phunuonline-net/
Tỷ phú Bill Gates cầm lọ hỗn hợp gồm chất thải phân người và giun đất tại hội chợ triển lãm bồn cầu ở Bắc Kinh hôm 6/11/2018. Ảnh: BI.

Tiger Toilet không cần xả nước và cũng không kết nối với hệ thống thoát nước như nhà vệ sinh truyền thống. Khi một người đi vệ sinh, chất thải của họ sẽ rơi thẳng xuống khoang chứa đầy giun bên dưới. Họ có thể đổ thêm một chút nước từ xô để làm sạch bồn cầu xổm vì trong Tiger Toilet không có thiết bị xả tự động. Sau đó những con giun, được đặt vào một thùng chứa bên dưới nhà vệ sinh, sẽ xử lý phân. Chúng có thể loại bỏ 99% mầm bệnh và chỉ để lại không quá 15% chất thải dưới dạng phân hữu cơ. Đây là loại phân bón rất tốt cho cây trồng gồm nitơ, phốt pho, carbon và kali. Đặc biệt nhà vệ sinh Tiger Toilet cũng không thu hút ruồi muỗi hay các loài côn trùng khác.

Hoạt động của đàn giun sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nước, carbon dioxide và một lượng nhỏ phân giun (ít độc và giàu dinh dưỡng hơn phân người). Ông Ajeet Oak cho biết hỗn hợp nước được đàn giun tạo ra có thể được lọc tự nhiên khi thấm vào lòng đất mà không cần đến nhà máy xử lý nước thải.

Giun đất là loài động vật thích ăn chất thải và không thể sống sót trong đất thông thường. Điều này khiến chúng trở thành giải pháp hoàn hảo cho nhà vệ sinh. Hiện chi phí lắp đặt Tiger Toilet là 350 USD.

Để đưa nhà vệ sinh này ra thị trường, Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates đã tài trợ ít nhất 4,8 triệu USD cho trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London để hoàn thiện công nghệ. Tiger Toilet cũng nhận được 170.000 USD từ quỹ từ thiện USAID để thử nghiệm ban đầu ở Ấn Độ, Myanmar và Uganda.

http://haiyengroup.com/bang-gia-quang-cao-tren-phunuonline-net/
Những con giun đất được sử dụng để làm bồn cầu mà không cần đến hệ thống xả nước tại Ấn Độ. Ảnh: BI.

Sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới, công nghệ cuối cùng đã đến được với những người cần loại nhà vệ sinh này nhất. “Đây là những người lần đầu có nhà vệ sinh, trước đó họ chỉ có thể đi vệ sinh ở ngoài đồng”, Ajeet Oak nói.

Tại hội chợ triển lãm bồn cầu ở Bắc Kinh ngày 6/11/2018, Bill Gates chia sẻ ông sẵn sàng chi thêm 200 triệu USD để phát triển công nghệ cho thế hệ toilet sau hoạt động mà không cần đến hệ thống thoát nước. “Đến 2030, đầu tư cho lĩnh vực này có thể lên tới 6 tỷ USD mỗi năm”, tỷ phú Bill Gates nói.

Các phiên bản đầu tiên của Tiger Toilet đã được hơn 5 tuổi và những con giun được sử dụng vẫn chưa phải thay thế. Theo giám đốc công ty Tiger Toilet, sau 8-10 năm họ mới cần bảo trì nhà vệ sinh này.

http://haiyengroup.com/bang-gia-quang-cao-tren-phunuonline-net/

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con người có thể bị đe dọa tính mạng nếu không đảm bảo được điều kiện vệ sinh tối thiểu. Thống kê hàng năm cho thấy bệnh tiêu chảy đã cướp đi sinh mạng của 525.000 trẻ em dưới 5 tuổi toàn thế giới do vệ sinh kém. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn cũng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 223 tỷ USD mỗi năm.

Tiger Toilet đang được thử nghiệm tại một số khu ổ chuột của Ấn Độ, nơi người dân không có nhà vệ sinh. Chính phủ nước này cũng đã bắt đầu khuyến khích người dân lắp đặt Tiger Toilet trong nhà bằng cách hỗ trợ một phần tiền mặt.

Gia Khang

Tổng hợp

Xem thêm:
Chàng trai 23 tuổi đột tử ở đường chạy HCMC Marathon 2019
Những ngành nghề bận rộn suốt năm, Tết Nguyên đán cũng không được nghỉ
5 loại cá biển bà bầu thèm mấy cũng cố nhịn kẻo dị tật thai nhi

Nên đọc