Điện thoại, đồng hồ biến thành ví giữ tiền

So với vài chục năm trước, việc thanh toán khi mua sắm, sử dụng dịch vụ đã tiện dụng hơn nhiều. Nhưng các nhà sáng chế công nghệ muốn tạo ra những phương thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Thanh toán bằng mọi vật dụng
Một đoạn video do MasterCard thực hiện dường như vẽ ra câu chuyện viễn tưởng: Một người phụ nữ bắt đầu ngày bình thường của mình như mọi khi. Cô ghé quán cà phê lấy 1 chai nước sau khi chạy thể dục, ra cửa hàng tạp hóa lấy vài món đồ cần thiết rồi xuống ga tàu điện ngầm đi làm… Rất nhiều giao dịch đã diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng cô không hề sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng, cũng không hề thấy cô “có động tác” trả tiền cho nhân viên bán hàng. Cô chỉ việc “lấy” các món đồ rồi bình thản đi tiếp…
Thật ra, những vật dụng mà cô đeo trên người, như chiếc vòng đeo tay, nhẫn và dây đeo chìa khóa đều đã đóng vai trò như chiếc thẻ tín dụng và được “đọc” bởi hệ thống thanh toán tự động tại các cửa hàng. Biến mọi vật dụng thông thường luôn mang bên người trở thành những thẻ tín dụng và có thể tự động thanh toán mọi lúc, mọi nơi là một dự án mới đầy tham vọng của MasterCard – một trong những hãng tài chính hàng đầu thế giới.
2_CN_tay-chu.jpg

MasterCard tham vọng biến mọi vật dụng thông thường trở thành thẻ tín dụng

Những người đang theo đuổi chương trình này mô tả một viễn cảnh không xa: Khi lái xe qua quầy giao đồ ăn nhanh của McDonald’s, bạn chỉ việc cầm suất ăn và đi tiếp, thay vì phải mất thời gian quẹt thẻ tín dụng và ký, đơn giản vì chiếc xe hay đồng hồ thông minh của bạn đã tự động “trả tiền” thay cho chủ nhân của nó. Tương tự, khi bạn vào siêu thị mua bất cứ món đồ nào, bạn cũng chỉ cần nhặt lấy chúng, bỏ vào giỏ và mang đi. Sẽ không có quầy thu ngân, nên chắc chắn không ai còn phải xếp hàng để chờ tới lượt tính tiền!
“Thiết bị nào rồi cũng sẽ mang khả năng thanh toán, và điều này hoàn toàn khả thi” Sherri Haymond, Giám đốc phòng Triển khai kênh kỹ thuật số (Digital Channel Engagement) của MasterCard, cho biết. Sở dĩ MasterCard tự tin với giải pháp thanh toán “lạ đời” của mình là bởi phương thức này hiện đã có các nhà tiên phong – đó là những dịch vụ thanh toán di động dựa trên nền tảng NFC hiện tại như Apple Pay, Android Pay hay Samsung Pay đã và đang triển khai.
Hiện thời, chỉ cần thiết bị (hay vật dụng) có 1 con chip hỗ trợ công nghệ giao tiếp-tầm gần NFC bên trong (để kết nối với điện thoại chứa sẵn thông tin thẻ tín dụng), ta có thể dùng nó để thanh toán. MasterCard chỉ cần thay thế điện thoại thông minh bằng cách tích hợp tính năng nói trên vào các loại vật dụng đeo trên người để cho chúng trở thành những chiếc ví điện tử có hình dáng “dễ thương” và gần gũi hơn mà thôi.
 
Sẽ ra thị trường năm 2016
Nhằm hiện thực hóa điều này, MasterCard đã bắt tay cùng hãng sản xuất vi xử lý Mỹ Qualcomm và NXP (hãng đứng sau việc ứng dụng công nghệ NFC cho các dịch vụ Apple Pay, Android Pay và những dịch vụ tương tự) để đảm nhiệm về mặt công nghệ. Bên cạnh đó, MasterCard cũng đã liên kết với General Motors, nhà thiết kế Adam Selman, Công ty sản xuất đồ đeo tay Nymi, Công ty thời trang thông minh Ringly và Công ty TrackR chuyên sản xuất thiết bị định vị qua bluetooth, để sản xuất các thiết bị có tính năng thanh toán di động. Một số nguyên mẫu của sản phẩm sẽ xuất hiện tại hội nghị Money 20/20.

3_CN.jpg

Sản phẩm thanh toán tự động đa dạng sẽ thúc đẩy cả hai lĩnh vực công nghệ và tài chính

“Khi ngày càng nhiều các vật được kết nối với nhau, người tiêu dùng sẽ có khả năng vô tận về cách mà họ thanh toán, và sẽ cần đến tất cả các thiết bị của họ để làm việc một cách liền mạch với nhau”, Ed McLaughlin, Trưởng phòng phương thức thanh toán mới tại MasterCard, khẳng định.
Tất nhiên, với một loại thiết bị có liên quan tới vấn đề quản lý tiền bạc, thì một lo ngại lớn mà người dùng luôn đặt ra, đó là khả năng bảo mật của thiết bị sẽ ra sao? Thực tế đã cho thấy, các hacker thường nhắm vào những hệ thống thanh toán kỹ thuật số để ăn cắp tiền và danh tính của người sử dụng. Cùng với đó còn là tính ổn định và sự chấp nhận từ các nhà bán lẻ. Với việc các nạn nhân thường chỉ biết được những “sự cố” khi xem bảng kê khoảng 1 tuần sau đó, mọi người có lý do để hoài nghi và đặt ra nhiều tình huống định trước khi chấp nhận một công nghệ thanh toán mới. “Chương trình này sẽ loại bỏ tất cả những giới hạn về cách thanh toán tiền theo kiểu truyền thống, bằng việc mang một trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số hoàn toàn bảo mật đến bất kỳ vật dụng nào có thể mang theo người”, Ed McLaughlin khẳng định như một lời trấn an đối với người dùng. Ông cũng cho biết trong tương lai, các phương tiện thanh toán mới sẽ được hầu hết các nhà kinh doanh chấp nhận.
Có thể coi chương trình này của MasterCard là một nỗ lực lớn có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng của cả 2 lĩnh vực công nghệ và tài chính. Theo kế hoạch, các sản phẩm này sẽ bắt đầu được tung ra thị trường Mỹ vào năm 2016 và có thể chỉ ít lâu sau sẽ hiện diện tại nhiều quốc gia khác.
Nguồn: Thế giới phụ nữ
Nên đọc