Nghe 6 lời khuyên hài hước mà hữu ích của anh lính cứu hỏa giúp cả nhà thoát nạn

Là người “vào sinh ra tử” trong mỗi trận cháy, lính cứu hỏa là người hiểu rõ nhất những nguy cơ, tình huống thường gặp đe dọa đến tính mạng khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Cùng đọc và “nằm lòng” những lời khuyên hữu ích thông qua giọng văn hài hước của người lính cứu hỏa với tài khoản Facebook Dũng Nguyễn dưới đây:

lính cứu hỏa
Lính cứu hỏa là người hiểu rõ về những tình huống thực tế khi hỏa hoạn xảy ra nhất (Nguồn: Internet)

“Ai rảnh ghé qua đọc, nhất là mấy đứa ở chung cư! Nhớ lấy vài điều vì tao không muốn nhận bạn bè trong tình trạng đen xì và khét mù!

1. Chả có nhà nào an toàn 100% cả, do ý thức con người cả thôi, hoặc đen đủi do sự cố thiết bị điện. Vì vậy hãy nhớ tắt các thiết bị tiêu thụ điện,cắt điện (cúp cầu giao) khi đi ra khỏi nhà. Đồ điện, dây điện cũ hỏng, không chắp nối nữa thì vứt luôn đi, nguy cơ cháy từ đấy mà ra cả!

2. Một căn phòng 50m2 khói lửa sẽ bao trùm kín phòng trong khoảng 3-5 phút, tùy nhà có nhiều đồ hay không, càng nhiều đồ cháy càng to, càng nhanh. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì sẽ không sao cả, thiệt hại ít, an toàn cả gia đình. Hãy mua ít nhất trong gia đình 1 cái bình chữa cháy, sử dụng được ngay khi khẩn cấp.

3. 90% người chết trong các vụ cháy là do ngạt khói, cái này trên mạng nhan nhản, không viết nhiều, nhất là đối với chung cư cao tầng . Hãy mua cho gia đình mỗi người một chiếc mặt nạ chống khói, chẳng đáng bao tiền, an toàn tính mạng .

4. Nếu chung cư xảy ra cháy: Xác định xem buồng thang thoát hiểm có nhiễm khói không. Nếu không có khói thì ung dung vừa đi bộ vừa hút sữa, không cần chạy lỡ trượt chân thì khổ. Nếu bị nhiễm khói thì đừng có rúc đầu vào, 100% là chết. Nếu thang thoát hiểm, hành lang nhiễm khói nặng: đóng cửa ở trong nhà, lấy băng dính dán các khe cửa lại để khói không lọt vào được; cả nhà rủ nhau ra ban công ngồi, bố uống cafe, mẹ uống nước cam, con hút sữa, cầm đèn pin làm tín hiệu chờ tao đến đón bằng cái xe thang to to dài dài. Nếu có khói theo đường ban công thì đeo mặt nạ vào ngồi im đấy mà thở, 100% sống an toàn; nghiêm cấm ngu đần chui vào nhà vệ sinh đóng kín cửa xả nước, trừ khi muốn về với tổ tiên.

5. Đừng có dại mà học theo phim buộc quần áo tạo thành dây để tụt xuống! Tầng 2-3 rơi xuống may thì gãy chân tay, kém may thì sống thực vật, tầng 4 trở lên rơi xuống đảm bảo chết!

6. Khi có cháy hãy nhớ gọi 114, chỉ cần ấn 1-1-4, ấn 043114-024114 …là gọi lên trời đấy!
Chúc chung cư và ngôi nhà các bạn không bao giờ phải gặp tớ!”

Từ những lời khuyên quý giá của anh lính cứu hỏa đáng yêu, có thể mở rộng ra một số kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn như sau:

Khi hỏa hoạn xảy ra, điều cần làm đầu tiên là tìm cách dập đám cháy càng sớm càng tốt. Nếu không có sẵn bình chữa cháy bạn có thể thay thế bằng nước, cát, chăn ướt… Đến khi nhận thấy không thể dập tắt đám cháy, điều cần làm là tìm cách thoát hiểm khỏi đám cháy và ấn chuông báo cháy, hô hào mọi người cùng thoát ra ngoài.

chuông báo cháy chung cư
Sử dụng chuông báo cháy để thông báo cho mọi người biết hỏa hoạn đang xảy ra (Nguồn: Internet)

Đối với người dân sống ở các chung cư cần chú ý bình tĩnh khi xảy ra hỏa hoạn để xác định nơi xuất phát của đám cháy nhằm định hướng thoát hiểm phù hợp. Nếu thấy khói xuất phát từ tầng dưới, hãy tìm cách di chuyển ngược lên tầng thượng. Trường hợp tòa nhà của bạn luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên. Chú ý không nên “liều mình” di chuyển trong môi trường dày đặc khói để xuống tầng trệt vì sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát được. Nếu luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt lưu ý không sử dụng thang máy trong bất cứ trường hợp hỏa hoạn nào.

Một trong những nguyên nhân gây tử vong trong hỏa hoạn là tình trạng ngạt khói, vì thế, các nạn nhân phải bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh… Lúc di chuyển bạn phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò.

chống ngạt khói
Di chuyển trong đám khói nạn nhân phải cúi thấp, trườn hoặc bò đẻ tránh ngạt khói (Nguồn: Internet)

Trước khi chọn lối thoát ra bạn phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Tuyệt đối không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị nóng thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng, có thể áp cách anh Dũng hướng dẫn lấy băng keo dán lại.

Không những tự mình nắm rõ các kỹ năng phòng cháy chữa cháy, bạn cần hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Hoàng Ân

Tổng hợp

 

 

Nên đọc