Dừng chân giữa khung trời Thiên Cấm sơn

Thiên Cấm sơn thường được gọi với cái tên quen thuộc là Núi Cấm. Đây là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của An Giang.

Chuông reo là xuất phát
Nhóm chúng tôi gồm 6 thành viên (3 nam, 3 nữ), đều là sinh viên và có chung sở thích là đi các nơi để khám phá nhiều điều. Vì thế, chuyến đi xuất phát lúc 10h30 – khi chuông reo kết thúc tiết học cuối của buổi học.
Chúng tôi dừng xe ở ngã 3 đường lên Núi Cấm. Sau một lúc bàn bạc, cả nhóm quyết định đem xe vào gửi ở nhà đối diện. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình chinh phục Thiên Cấm sơn, chúng tôi vào quán, mỗi thành viên được “nạp năng lượng” với 2 cái bánh bò và 1 ly nước thốt lốt.

2_NK.jpg

Tượng phật Phật Di Lặc lớn nhất châu Á. Ảnh: ST

14h30, chúng tôi bắt đầu bước vào tuyến đường dành cho người đi bộ lên núi. 7 năm trước, tôi đã có dịp lên Núi Cấm, cũng trên con đường này nhưng lúc ấy 2 bên đường lên núi, các gian hàng kín nhau và nhà người dân đông hơn. Còn bây giờ, đoạn đường từ dưới chân núi đến suối Thanh Long chỉ còn vài gian hàng và các mặt hàng cũng không nhiều.
Lên đến suối Thanh Long là đã đi được 1km đầu tiên. Đến đây, các thành viên đều đã thấm mệt. Cần ăn thêm để tiếp tục hành trình, bởi 2 cái bánh bò dường như không đủ cầm cự thêm giờ phút nào nữa. Đường lên núi thì chỉ có bánh xèo là món thu hút được du khách mà thôi. Bởi nơi đây có nhiều loại rau núi rất ngon ăn kèm bánh mà những nơi khác không có.
Núi Cấm cao 705m – độ cao này nếu đem so sánh với những ngọn núi khác ở nước ta thì vẫn còn thua xa nhưng quãng đường từ chân núi lên đến đỉnh dài hơn 5km cộng với độ cao dần trên từng nấc thang, bậc đá nên cả nhóm cứ đi một đoạn thì phải ngồi nghỉ mệt. Mãi đến hơn 18h45, chúng tôi mới tới đích.

 

3_NK.jpg

Cho cá ăn trong hồ Thủy Liêm. Ảnh: ST

Như Đà Lạt thứ 2
Bữa nay là đêm 18 âm lịch nên trăng rất sáng. Cả nhóm dạo một vòng quanh hồ dù biết đôi chân chiều nay đã phải vận động quá sức ngày thường. Sau đó, 6 đứa cùng nhau ngồi bên bờ hồ Thủy Liêm ăn trứng cút luộc và kể cho nhau nghe những câu chuyện kinh dị mà mình được nghe.

4_NK_anh-chinh-trang-phai.jpg

Đỉnh Núi Cấm đẹp như Đà Lạt. Ảnh: ST

Mọi người ví Núi Cấm như Đà Lạt thứ 2 quả là không sai. Khí trời mát lạnh. Ai cũng có áo khoác ngoài dày, vậy mà ngồi lâu lâu vẫn phải chà 2 bàn tay vào nhau hay thổi hơi ấm vào lòng bàn tay.
Sáng hôm sau, 6 đứa dậy thật sớm để xuống chợ thăm quan. Chợ họp ngay trên mặt đường, cạnh bờ hồ Thủy Liêm. Ở đây, giữa bạn hàng với nhau hay giữa người bán và người mua không có cãi cọ như những nơi khác, thuận mua vừa bán, không tranh giành. Người dân sống trên núi có khi cũng mang rau rừng, trái cây và các loại đồ rẫy ra chợ bán.

Rời chợ, cả nhóm tiến về con đường đến tượng Phật Di Lặc. Với chiều cao 33,6m, pho tượng trên đỉnh Núi Cấm này được bình chọn là tượng phật Phật Di Lặc lớn nhất châu Á. Điểm đến tiếp theo là chùa Phật Lớn. Trên đường sang cầu qua chùa, chúng tôi dừng lại mua thức ăn cho những chú cá được phóng sinh trong hồ Thủy Liêm. Với sức chứa 300.000m3 nước nên cá trong hồ Thủy Liêm cũng nhiều vô kể, nhiều nhất là cá chép. Nơi đây có quy định: Người dân trên núi, ai bắt cá lần đầu bị phạt 150.000đ, lần thứ hai mức phạt sẽ lên 300.000đ, lần thứ 3 thì bị đuổi xuống núi.

5_NK.JPG

Nhóm bạn trẻ khám phá Thiên Cấm sơn. Ảnh: ST

Một ngôi chùa lớn và đẹp với tòa tháp cao 7 tầng trên Núi Cấm mà không ai lại không đến viếng thăm, đó là chùa Vạn Linh. Tòa tháp chỉ mở cửa cho khách vào các ngày 14, 15, 29, 30 âm lịch (hoặc mùng 1 nếu là tháng thiếu) và vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Nhóm chúng tôi may mắn vì hôm nay là Chủ nhật nên mới có dịp lên tòa tháp phóng tầm mắt ngắm khung trời Thiên Cấm sơn.
Đỉnh cao nhất của Núi Cấm là Vồ Bò Hong. Nhưng để đến đây thì cần phải vượt qua hơn 1km đường dốc nữa. Khi đặt chân lên đến Vồ Bò Hong, gió mang theo hơi sương thổi qua tê lạnh cả người. Chúng tôi lại thêm dịp may mắn nữa, vì hôm nay trời trong nắng đẹp nên có thể phóng tầm mắt đến vùng biển Hà Tiên, để thấy quê hương mình vô cùng tươi đẹp.
Nguồn: Thế giới phụ nữ
Nên đọc