Tại sao không nên trả lời mọi câu hỏi của con

Chuyên gia giáo dục Diane Tavenner nói, cha mẹ không cần biết mọi đáp án cho câu hỏi của trẻ mà để chúng theo đuổi sự tò mò và học hỏi nhiều hơn.

Nhiều cha mẹ thấy có lỗi khi không trả lời các câu hỏi của con, nhưng trẻ có đáp án dễ dàng sẽ mất đi cơ hội suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi. “Khi chúng tìm hiểu thêm, chúng sẽ học tập tốt hơn”, Diane Tavenner, tác giả của cuốn “Prepared: What kids need for a fulfilled life” (Trẻ em cần gì cho cuộc đời) nói.


Trẻ em luôn tò mò về mọi thứ và cha mẹ nên hướng dẫn để chúng tìm hiểu chứ không nên trả lời mọi câu hỏi của con. Ảnh: iStock

Theo Tavenner, là cha mẹ, vai trò của chúng ta là tiếp nhận câu hỏi của trẻ về thế giới một cách nghiêm túc và cùng tò mò với trẻ. “Bằng cách mô hình hóa quá trình học tập – cho dù đó là đến thư viện hoặc tìm kiếm trực tuyến – chúng ta đang dạy trẻ cách khám phá thông tin và những ý tưởng có thể khơi dậy niềm đam mê suốt đời”, Tavenner nói.

Bài báo đăng trên tạp chí The Atlantic năm 2011 lập luận rằng việc trở thành “siêu phụ huynh” không khiến những đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Trẻ em là những sinh vật tò mò tự nhiên, bộ não của chúng có nhiều hơn hàng triệu tế bào thần kinh so với người trưởng thành. Tất cả đều sẵn sàng để hình thành các kết nối và liên kết về thế giới.

Angela Duckworth , giáo sư tâm lý học Đại học Pennsylvania nói: “Nếu chúng ta trả lời tất cả các câu hỏi của con, chúng ta đã đánh cắp cơ hội để suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi. Chính sự bền bỉ mà trẻ có được thông qua các lần thử và mắc lỗi sẽ là sự chuẩn bị cho chúng đối mặt với các thử thách trong tương lai”.

Cách phản ứng với câu hỏi của trẻ

Mary Widdicks, một chuyên gia tâm lý học nhận thức, đã hướng dẫn cách đáp lại câu hỏi của trẻ. Ví dụ, khi trẻ hỏi về sự khác biệt giữa bánh ngọt và bánh quy. Bước đầu tiên để khơi gợi sự tò mò là xác nhận câu hỏi bằng cách nói “Câu hỏi tuyệt vời!”. Nếu lúc này trẻ nhận được câu trả lời, trẻ sẽ không còn muốn tự khám phá. Thay vào đó, hãy đưa ra một câu hỏi tiếp theo “Bánh biscotti thì sao nhỉ? Đó là bánh ngọt hay bánh quy?”. Tiếp đó hãy thúc đẩy trẻ tự tìm câu trả lời. “Mẹ sẽ cho con một gợi ý: Bánh quy và bánh ngọt phản ứng khác nhau khi bị để qua đêm. Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?”.

Cách này đã nuôi dưỡng những hạt giống của sự tò mò trong trẻ và trẻ sẽ đắm mình trong việc khám phá câu trả lời. Trẻ bày tỏ sự quan tâm đến một chủ đề; cha mẹ xác nhận câu hỏi của trẻ, ngụ ý rằng cha mẹ biết câu trả lời và cung cấp các gợi ý cho trẻ tự khám phá.

Khám phá câu trả lời cho những câu hỏi khó rất bổ ích. Ngay cả khi ban đầu trẻ cảm thấy bực bội hoặc không thoải mái khi cha mẹ không cho chúng ngay đáp án, chúng có thể sẽ phát triển lòng tự trọng, sự tự tin và mong muốn học hỏi lớn hơn bằng cách tự tìm kiếm kiến thức cho chính mình. Thậm chí quan trọng hơn, chúng sẽ hiểu ra câu hỏi nào đáng để hỏi và câu hỏi nào chỉ lãng phí thời gian của chúng.

Theo Washington Post

Nên đọc