Đừng nghĩ khán giả bỏ tiền mua vé xem phim chỉ vì vài giây cảnh nóng!
Phunuduongthoi.vn – Thời gian gần đây, không thiếu tác phẩm điện ảnh Việt gây ồn ào với cảnh nóng nhưng nhận về nhiều sự chê trách hơn là tán thưởng.
Cảnh nóng trong điện ảnh Việt luôn là chủ đề gây tranh cãi, thu hút sự chú ý của dư luận. Khi bàn về vấn đề này, việc đầu tiên được nhắc tới luôn là liệu những phân đoạn thân mật của các diễn viên liệu có thực sự cần thiết, mang lại giá trị như thế nào hay chỉ đơn thuần là một quân bài để câu khách của các nhà làm phim.
Mới đây nhất, dự án cổ trang Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ lập tức được bàn tán với loạt cảnh “giường chiếu” giữa nữ chính Kaity Nguyễn và hai diễn viên Thuận Nguyễn, Quang Thắng. Ngay sau đó, một dự án khác sắp ra mắt là Chiếm đoạt – với sự tham gia của Miu Lê, Phương Anh Đào – cũng mượn hàng loạt cảnh thân mật của dàn sao để quảng bá nhưng khiến không ít người chưa xem phim đã phải lắc đầu ngao ngán.
Cảnh nóng thừa thãi chỉ khiến người xem phát ngấy
Cảnh nóng trong một bộ phim là quyết định sáng tạo của đội ngũ ekip và phản ánh mục tiêu cũng như tầm nhìn của họ về tác phẩm nghệ thuật của mình. Một số cho rằng chúng giúp gia tăng tính chân thật của câu chuyện và tăng cường sự tập trung của người xem vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Tuy nhiên, người khác có thể cho rằng cảnh nóng không hợp lý sẽ làm mất tập trung khán giả, hoặc có thể xem đó là sự tận dụng thị giác để thu hút sự chú ý mà không cần thiết.
Trong Người vợ cuối cùng của Victor Vũ, cảnh tiêu biểu nhất là phân đoạn lao vào nhau của hai nhân vật chính Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn) trong lần đầu gặp lại sau 7 năm xa cách. Nữ chính lúc đó là bà ba trong gia đình quan huyện quyền lực, nhưng bị đối xử không khác gì người hầu kẻ hạ vì chỉ sinh được con gái. Trong khi đó, nam chính sau thời gian xa xứ trở về vẫn hai bàn tay trắng, ngây ngô và vẫn chỉ biết cắm đầu vào yêu.
Cảnh nóng giữa hai nhân vật là cao trào tượng trưng cho những cảm xúc và khát vọng mưu cầu hạnh phúc của họ trong một xã hội phong kiến không coi trọng tình yêu. Việc để Linh và Nhân ân ái trên màn ảnh là hợp lý nhưng cách đạo diễn đẩy câu chuyện đến tình huống đó lại khá vội vã và sơ sài.
Khi khán giả còn chưa cảm nhận được sự nuối tiếc, đau đớn của cặp tình nhân bị chia cắt nghiệt ngã, họ đã lao vào nhau một cách cuồng nhiệt, bất chấp mọi luân thường đạo lý. Đạo diễn Victor Vũ sử dụng hàng loạt những góc máy tinh tế và kiểu cách cũng không thể giảm đi sự gượng gạo, cưỡng ép của phân cảnh đó.
Còn trong trường hợp của Chiếm đoạt, ngay từ trailer, bộ phim có thể miêu tả bằng một câu hát của Binz với liên tục những cảnh ân ái từ “trong bếp, trên bàn, trước gương, sofa”. Khán giả cũng có thể đoán được rõ ràng ý đồ quảng bá của ekip và phần nào hiểu nội dung của bộ phim sẽ diễn ra như thế nào.
Xem cảnh nóng trong 2 tác phẩm trên, nếu dùng từ dung tục thì phần nào nặng nề với các nhà làm phim. Thế nhưng, cũng thật khó để khán giả tìm ra những dụng ý nghệ thuật nào cao siêu trong đó. Thậm chí, nếu chỉ xét riêng về tính giải trí, chắc nhiều người cũng phải thấy ngán ngẩm về sự rập khuôn, máy móc và thiếu sáng tạo trong chính những phân cảnh này.
Đừng nghĩ khán giả sẽ bỏ tiền mua vé chỉ để thưởng thức vài chục giây nóng bỏng
Từ lâu, nhiều nhà làm phim Việt đã luận bàn và đấu tranh về việc được sử dụng cảnh nóng. Sau những thay đổi về luật, đặc biệt khi các cơ quan quản lý quyết định phân loại phim theo độ tuổi, khâu kiểm duyệt ngày càng được nới lỏng và mở đường cho nhiều tác phẩm táo bạo hơn ra đời. Thế nhưng, số lượng bộ phim chứa cảnh thật sự có sức nặng và tạo được dấu ấn có vẻ lại ngày càng ít đi.
Nếu trước đây, mỗi bộ phim chỉ cần được giới thiệu có cảnh nóng sẽ bị soi xét rất kỹ. Các nhà làm phim từ đó cũng cẩn trọng hơn khi xây dựng các phân đoạn này trong tác phẩm của mình vì “sai một li, đi một dặm”. Thêm cảnh nóng cũng giống như nêm nếm gia vị, làm tăng độ hấp dẫn cho tác phẩm nhưng luôn phải nghĩ làm thế nào là hợp lý, vừa đủ và không bị quá tay.
Việc cởi trói về cảnh nóng cho thấy sự tôn trọng đối với cá tính sáng tạo của cá nhân nhà làm phim cũng như tạo điều kiện để phát triển điện ảnh đa dạng. Thế nhưng, đây cũng dễ trở thành kẽ hở để cho ra đời những tác phẩm mượn da thịt các ngôi sao để câu khách và không đem lại nhiều giá trị.
Thời gian gần đây, không thiếu tác phẩm điện ảnh Việt cũng gây ồn ào với cảnh nóng nhưng nhận về nhiều sự chê trách hơn là tán thưởng. Tiêu biểu phải kể đến màn khoe da thịt của Ngọc Trinh trong đoạn mở đầu Chị chị em em 2. Cảnh phim bị nhận xét phản cảm và cực kỳ vô lý. Trước đó, một bộ phim khác cũng khiến nhiều khán giả phải “ngượng chín mặt” khi xem là Người tình của đạo diễn với hàng loạt cảnh nóng táo bạo do Minh Tú thể hiện.
Trong thời buổi bùng nổ thông tin – truyền thông, cảnh nóng cũng không còn là điều gì quá to tát với khán giả. Vì vậy, các nhà làm phim cũng đừng nên nghĩ đến việc người ta sẽ bỏ tiền ra mua vé xem một bộ phim chỉ để đổi lấy vỏn vẹn vài chục giây “ướt át” trên màn bạc.
Câu trả lời cho việc có cảnh nóng trong phim có thực sự cần thiết hay không thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nội dung của kịch bản, cách thể hiện và tác động của chúng tới người xem. Cũng vì vậy, khi quyết định đưa cảnh nóng vào tác phẩm của mình, các nhà làm phim như tự đẩy bản thân đi trên một lằn ranh mỏng manh giữa yếu tố nghệ thuật và phản cảm. Khi không được sử dụng hợp lý, những phân đoạn ân ái, hở da thịt chỉ khiến khán giả thêm mệt mỏi, mất tập trung và phần nào phá nát trải nghiệm xem phim của họ.
Theo Phụ nữ Mới
Xem thêm: