Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa
Phunuduongthoi.vn – Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.

Gánh nặng bệnh tật do sốt xuất huyết
Nhìn vào bức tranh chung toàn cầu, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3 triệu trường hợp mắc được ghi nhận trên thế giới và khoảng 1.000 trường hợp tử vong. Từ đầu năm tới nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp SXH chính thức trong hệ thống, dù số lượng bệnh nhân thực tế trong cộng đồng có thể cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ ghi nhận 5 trường hợp tử vong.
So với những thời điểm trước đây, số ca mắc SXH trong năm 2025 chưa phải là cao. Nhưng chúng ta không được phép chủ quan bởi mùa mưa chỉ mới bắt đầu và số ca bệnh có thể tăng rất nhanh trong thời gian tới nếu các biện pháp dự phòng không được triển khai quyết liệt.
Theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Gánh nặng bệnh tật mà SXH mang lại chủ yếu thể hiện qua số lượng ca bệnh. Nếu số ca bệnh tăng cao, hệ thống y tế chắc chắn sẽ bị quá tải. Mặc dù tỷ lệ tử vong hiện tại thấp, nhưng nếu số lượng ca bệnh không được khống chế và tiếp tục tăng, số ca nặng và tử vong sẽ không dừng lại ở con số hiện tại.
Khi SXH chỉ đơn thuần là sốt, tình trạng xuất huyết nhẹ và được xử lý sớm tại bệnh viện thì mức độ nguy kịch không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, với những trường hợp nhập viện không được điều trị đúng cách, số ca nguy kịch có thể lên tới 20% số trường hợp nhập viện. Đây là con số không hề đơn giản.
Bài học kinh nghiệm từ dịch Covid-19 cho thấy, khi số lượng trường hợp nhập viện thấp, các trường hợp nặng và tử vong gần như không xảy ra. Ngược lại, khi số lượng nhập viện quá cao, các trường hợp nặng và tử vong sẽ tăng lên rất nhiều theo cấp số nhân. Vì vậy, việc phòng ngừa sớm, giảm thiểu tối đa số ca mắc trong cộng đồng, giảm số ca nặng và quản lý, kiểm soát tốt tất cả các trường hợp SXH là điều cốt lõi để đạt được mục tiêu không có tử vong liên quan đến SXH.
Sốt xuất huyết không còn xảy ra theo chu kỳ
Trước đây, dịch SXH thường có một “khoảng lặng” sau một vài năm không có nhiều ca bệnh, sau đó lại có một đợt bùng phát. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2017 trở lại, việc dự báo mức độ dịch (cao hay thấp) so với thời điểm trước rất khó khăn.
Năm 2017 là một đỉnh điểm với rất nhiều tỉnh phải chi viện cho Hà Nội chống dịch. 2018 và 2019 số ca có giảm nhưng không đáng kể, và nửa cuối năm 2019 số ca đã tăng vọt trở lại. Điều này cho thấy không còn tình trạng sau một năm cao điểm là những năm thấp điểm nữa. Các năm 2019, 2020, đặc biệt là năm 2022, số ca bệnh mắc đạt mức kỷ lục. Sau thời điểm kỷ lục đó, số ca bệnh không hề thấp đi. Năm 2023 vẫn rất cao. Năm 2024 dù đã giảm nhưng so với đỉnh điểm 2017 cũng chỉ giảm một chút, với khoảng 140.000 trường hợp trong năm.
“Chúng tôi rất khó để đưa ra dự báo cho năm 2025. Tình hình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, liệu họ có tích cực giải quyết vấn đề loăng quăng bọ gậy, có chủ động phòng chống SXH hay không, có tham gia tự nguyện vào công tác phòng, chống hay không, và khi mắc bệnh có đến cơ sở y tế kịp thời không. Đây là một bài toán rất khó và chỉ khi toàn thể cộng đồng, chính quyền đến từng người dân có sự tham gia vào công tác phòng chống thì bệnh này mới có thể dự đoán được”- PGS.TS.BS Phạm Quang Thái chia sẻ.
Sốt xuất huyết: Hiểu rõ để phòng ngừa
Theo các chuyên gia y tế, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue (thuộc họ Flaviviridae) gây ra, gồm 4 type huyết thanh (D1, D2, D3, D4). Nhiễm một type tạo miễn dịch với type đó nhưng không bảo vệ trước các type khác.
Nguy hiểm hơn, lần nhiễm sau với type virus khác thường dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn (SXH Dengue, sốc Dengue) do cơ chế tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).
Ở thể nhẹ, người mắc SXH có các biểu hiện: Sốt cao đột ngột 39-40°C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ. Đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp. Buồn nôn, nôn. Phát ban, nổi mẩn. Dấu hiệu dây thắt dương tính (xuất huyết dưới da nhẹ).
Nếu người bệnh có tất cả triệu chứng thể nhẹ, cộng thêm ít nhất một dấu hiệu xuất huyết: Chấm/đám xuất huyết dưới da; chảy máu cam, chảy máu chân răng; nôn ra máu, đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa); kinh nguyệt kéo dài, ra máu âm đạo bất thường; xuất huyết nội tạng; giảm tiểu cầu nghiêm trọng (< 100.000/mm³)… cần tới bệnh viện cấp cứu ngay.
Biến chứng nguy hiểm nhất của SXH là khi có dấu hiệu suy tuần hoàn: Mạch nhanh nhỏ, khó bắt. Huyết áp kẹt (hiệu số tâm thu – tâm trương ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp. Da lạnh, ẩm, nổi vân tím. Vật vã, lừ đừ, lơ mơ (giảm tưới máu não).
Về con đường lây truyền, muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là vật chủ truyền bệnh chính. Cơ chế lây bệnh: Muỗi vằn cái đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó virus nhân lên trong cơ thể muỗi (6-12 ngày). Muỗi đốt người lành, truyền virus qua vết đốt, sau đó người lành nhiễm bệnh.
Bởi vậy, để phòng ngừa SXH, Bộ Y tế đã nhấn mạnh: 80% nỗ lực tập trung vào diệt loăng quăng, bọ gậy. Đây là giải pháp bền vững, hiệu quả cao, tránh phụ thuộc hóa chất và nguy cơ muỗi kháng thuốc. Theo đó, mỗi hộ gia đình chỉ cần dành 10 phút mỗi tuần để thực hiện các bước đơn giản sau: Loại bỏ nơi sinh sản, không cho muỗi đẻ trứng. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy tận gốc. Phòng muỗi đốt, bảo vệ cá nhân bằng cách mặc quần áo dài, ngủ màn, dùng kem xịt/chống muỗi…
Ngoài ra, người dân cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế khi đến phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực mình sinh sống. Phun hóa chất chỉ diệt muỗi trưởng thành tại thời điểm đó, không diệt được trứng, bọ gậy, nên cần kết hợp với diệt lăng quăng. Tham gia tích cực các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy do địa phương phát động.
Khi sốt cao đột ngột, kèm theo bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào (đau đầu, đau mắt, đau cơ, phát ban, chấm xuất huyết…), hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý: Dùng thuốc Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt (vì làm tăng nguy cơ xuất huyết); truyền dịch tại nhà không có chỉ định và giám sát y tế. Theo dõi sát sao người bệnh trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh – giai đoạn nguy cơ cao tiến triển nặng và sốc.
Theo Thảo Hương / Phụ Nữ Thủ Đô
Xem thêm: