Các bước quan trọng để sơ cứu người bị đột quỵ thoát khỏi “cửa tử”, ai cũng cần phải biết!

Phunuduongthoi.vn – Thời gian ‘vàng’ để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và ‘kim cương’ là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

Đối với người bị đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Mọi người phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não vì “mất thời gian là mất não” và nguy cơ tử vong cao.

8 bước quan trọng để sơ cứu người bị đột quỵ ai cũng cần phải biết!- phunuduongthoi.vn 1
Cách nhận biết một người bị đột quỵ

Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T:

Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi – má mờ.

Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.

Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ… như bình thường trước đó.

Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

7 bước quan trọng giúp sơ cứu người bị đột quỵ kịp thời

– Gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt.

– Trong trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. Chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh. Không để bệnh nhân tự di chuyển vì có thể ngã.

– Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát dấu hiệu bất thường. Thời gian ‘vàng’ để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và ‘kim cương’ là 30 phút. Nếu muộn hơn, không còn thông mạch được nữa thì việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu rất cao.

– Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê cao 30-45 độ, trang phục nếu mặc quá nhiều thì cần cởi bớt, đảm bảo mặc quần áo thoáng.

– Nếu người bệnh nôn thì nhanh chóng lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.

– Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

– Luôn phải cho bệnh nhân nhận được oxy để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê: cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não

8 bước quan trọng để sơ cứu người bị đột quỵ ai cũng cần phải biết! 2
Những sai lầm khi sơ cứu người bị đột quỵ

– Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ… Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

– Không được cho bệnh nhân ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

– Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn. Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu thì cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách “khơi thông” dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.

Bên cạnh đó, đừng chủ quan với các cơn thiếu máu não thoáng qua. Trong nhiều trường hợp, người có triệu chứng đột quỵ chỉ bị lướt qua, khoảng một giờ sau đó giảm dần. Nhưng đừng vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe. Cứ 10 bệnh nhân có cơn thiếu máu não “thoáng qua” thì sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ thật sự trong một tuần kế tiếp.

Theo Tuổi trẻ, Người Lao Động

Xem thêm:

Nên đọc