Cẩn thận kiến ba khoang khi mùa mưa đến
PhunuOnline.net – Bác sĩ Lâm Bình Diễm, Khoa Da liễu, Bệnh viện quận 2, TP HCM, cho biết kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa mưa do độ ẩm cao, thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Kiến ba khoang có thân dài, kích thước từ 1,5 đến 20 mm, màu đỏ nâu, được gọi bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, kiến cong đít. Chúng tiết ra chất pederin có độc tính, gây bỏng, khi tiếp xúc với da người tạo phản ứng viêm da, mụn nước như bỏng, mụn mủ nhỏ li ti.
Kiến ba khoang đốt nguy hiểm như thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.
Vị trí kiến ba khoang đốt thường ở vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.
Khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, trong vòng 24 giờ đầu, bạn sẽ thấy xung quanh vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng. Sau 2-3 ngày, các vùng da tiếp xúc sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ như mụn nước khi bị phỏng. Sau đó mụn nước sẽ vỡ ra và tụ lại tạo thành dạng vết thương như vết bỏng.
Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da cũng giống như viêm da do ấu trùng bướm nhưng ở cấp độ nặng hơn, có thể bị nhiều tổn thương trên da. Rất nhiều người khi thấy kiến ba khoang thường lấy tay đập, vô hình trung lượng chất độc là pederin trong loại kiến này khi tiếp xúc với da sẽ lan nhanh và rộng hơn làm cho vùng da bị tổn thương lớn.
Không phải ai cũng kịp thời đến bệnh viện xử lý vết thương do kiến ba khoang gây ra. Một số người nhầm lẫn giữa mẩn đỏ do tiếp xúc kiến ba khoang và bệnh giời leo (zona), tự ý mua thuốc thoa lên da. Vết bỏng do kiến ba khoang không nguy hiểm và có thể tự khỏi, nhưng nếu xử lý không phù hợp, tình trạng tổn thương da sẽ nặng hơn.
Bác sĩ Diễm khuyên khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, bạn cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Tùy mức độ nặng nhẹ mà điều trị bằng cách khác nhau. Trường hợp nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Vết thương nặng, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách. Người bệnh được chỉ định uống kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc dùng corticosteroid. Thông thường, vết thương sẽ ổn định sau 5 đến 7 ngày.
Mọi người nên ngủ trong màn, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, có thể bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà. Kiểm tra mũ, nón, khẩu trang, khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Để tránh côn trùng bay vào nhà, cần hạn chế mở cửa, buông rèm, lưới ngăn côn trùng ở khu vực gần cây cối khi thắp đèn.
Hạnh An
Theo Sức khỏe và đời sống
Xem thêm:
Những thực phẩm kỵ nhau khi nấu cháo cho bé
6 thực phẩm không thể bỏ qua cho người thiếu máu
Bất ngờ với tác dụng quả mận, lợi nhiều hơn hại