Những biểu hiện sau khi tiêm vaccine Covid qua lời kể của nữ phóng viên y tế
Phunuduongthoi.vn – Một giờ sau mũi tiêm vaccine Covid-19, tay trái tôi bắt đầu đau. Cơn sốt đến kèm ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, các cơ nhức mỏi.
Sau mũi tiêm vaccine AstraZeneca sáng ngày 4/5 tại Viện Pasteur TP HCM, tôi về làm việc tại nhà. Ban đầu, cơn nóng lan dần từ vị trí mũi tiêm xuống các ngón tay. Có những lúc tay trái rã rời, cảm thấy cạn lực. Các ngón tay di chuyển khó khăn trên bàn phím máy tính.
Vài tiếng tiếp theo, tôi thấy mình ốm thực sự. Toàn thân sốt và đau mỏi. Tôi bắt đầu bị tiêu chảy. Chị gái và bạn trai tôi nhấp nhổm, cứ vài tiếng gọi video một lần. Sếp dặn, dấu hiệu tệ hơn phải vào bệnh viện.
Khó chịu nhất là buổi tối, tôi nhắm mắt chập chờn vì toàn thân nóng bừng bừng, đau nhức. Cánh tay bên tiêm tê nhiều hơn. Cả vùng bắp tay bì cứng, nóng rẫy, không thể nằm nghiêng phía tay này.
Những lần đau bụng tiêu chảy bất chợt khiến tôi mất nước nhiều hơn. Nhiệt độ cơ thể từ 37,6 đến 38,8 độ C, uống hạ sốt không giảm.
Tôi quyết định gọi điện cho bác sĩ phụ trách theo dõi sau tiêm. “Những biểu hiện này không nghiêm trọng”, anh nói và khuyên tôi tắm nước nóng ít nhất 10 phút, rồi uống một liều hạ sốt.
Thực ra, trong cơn sốt, tôi vẫn không gợn chút sợ hãi nào. Tất cả tác dụng phụ sau tiêm đã được bác sĩ cho biết trước, gồm: nóng ngứa hoặc bầm nơi tiêm, cảm giác không khoẻ, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc sốt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, khớp, tiêu chảy. Một số người có thể cảm thấy chóng mặt, ăn kém, đau bụng, nổi hạch bạch huyết, ngứa da, phát ban hoặc đổ mồ hôi nhiều. Các biểu hiện cho thấy hệ thống miễn dịch cơ thể đang phản ứng với vaccine tốt và chuẩn bị chống lại virus.
Hơn hai ngày sau tiêm, sức khoẻ tôi ổn trở lại. Tôi không lo lắng khi tới hiện trường tác nghiệp, chấp hành 5K và cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn rất nhiều.
Dịch đi đến đâu, phóng viên y tế theo tới đó. Hiện trường làm việc thường xuyên của chúng tôi là bệnh viện, các điểm phong toả, khu cách ly, thậm chí nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, do đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều người, tôi khá lo lắng sẽ mang mầm bệnh về khu trọ, hoặc vô tình lây lan dịch ra cộng đồng.
Đợt dịch trước, tôi đã chứng kiến nước mắt của người “biết thế đã không rời Đà Nẵng để khỏi liên luỵ đến người khác”, đã thấy những người mất đi cuộc sống, những hy sinh không thể liệt kê.
Tết vừa rồi là năm mới đáng nhớ nhất với tôi. Dù rất nhớ mẹ nhưng tôi không dám gọi về nhiều, phần vì bận việc, phần vì không muốn thấy bà khóc. Trừ lúc ngồi trên xe di chuyển hoặc phỏng vấn nhân vật, cả kỳ nghỉ Tết mắt tôi luôn dán vào màn hình máy tính hoặc điện thoại để viết bài, cập nhật tin tức về dịch. Tôi cũng chỉ sắm ít đồ hộp và thực phẩm phòng khi không gọi được đồ ăn bên ngoài.
Cái Tết năm thứ hai đại dịch, tôi bội thu tin, bài. Bù lại, mắt cận thêm 1,5 diop và giảm ba cân, có khi kiệt sức vì mệt và thiếu ngủ. Nhưng so với hàng trăm nghìn nhân viên y tế, sự vất vả ấy chẳng thấm gì.
Tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và cách ly các F1, người nhập cảnh, dường như không có Tết. Bữa tất niên chia tay năm cũ của họ chỉ duy nhất một nồi cháo gà. Mỗi người bưng một tô, ngồi ăn cách nhau hai mét, gói gọn trong vài chục phút. Sau đó, ai lại vào việc nấy, nhận bệnh, làm hồ sơ, đi kiểm tra bệnh viện, quan sát camera phòng cách ly…
Không chỉ Giao thừa, đêm nào cũng vậy. Hơn một năm qua, hàng trăm nhân viên y tế ở đây vẫn thầm lặng làm việc cường độ cao, dù thành phố có ca dương tính hay không.
Đồng nghiệp tôi mới kể câu chuyện về hai cán bộ y tế huyện Nậm Pồ, Điện Biên nằm chợp mắt ngay bên vệ đường sau nhiều ngày không được ngủ.
Anh Linh và anh Thân là cán bộ tham gia dập dịch. Khu tập trung có 5 cán bộ phục vụ khoảng 200 người. Các anh liên tục phải đón các F, phun khử khuẩn, phục vụ ở khu cách ly cả ngày lẫn đêm. Chỉ bốn ngày, anh Linh sút 3 cân. Rạng sáng 18/5, sau khi chở các bệnh nhân F0 về bệnh viện dã chiến, anh Thân nói “chúng ta xuống đây nằm chợp mắt một lúc cho khoẻ rồi đi, anh không thể tiếp tục được nữa”. Hai anh em nằm bên vệ đường một lúc thì có người đi tập thể dục sáng sớm nhìn thấy.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Bệnh viện Đà Nẵng kể với tôi, anh và các đồng nghiệp đều phải làm việc với công suất 200%-300%. Việc ngủ gục đâu đó bên góc phòng, trên ghế dựa, bên hộp cơm đang ăn dở trong bộ đồ bảo hộ rất bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Đào, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã đi 80.000 bước chân chỉ trong hai ngày hỗ trợ tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam hồi tháng 8/2020. Con số bằng tổng quãng đường chị đi trong một tháng. Đôi chân đau mỏi, nhưng chị bảo sẽ không dừng.
Từ khi có dịch, gần hai năm qua, tôi không dám từ TP HCM về Yên Bái thăm bố mẹ. Ông bà đã 60, mẹ tôi mắc tiểu đường type 2, viêm phế quản mạn tính và tim mạch. Chẳng may nếu tôi là một trong số các F, thật không dám tưởng tượng người thân sẽ thế nào.
Vì thế, được tiêm vaccine sớm và miễn phí, với tôi là một may mắn lớn. Tôi đang chờ mũi tiêm Covid-19 thứ hai của mình vào ngày 3/8. Khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm vaccine sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, bớt đi những ngày cả nước sống trong tâm lý thời chiến.
Miễn dịch cộng đồng, hay miễn dịch đám đông, chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm vaccine, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ hầu hết dân số được tiêm vaccine đủ để bảo vệ những người không thể tiêm chủng như trẻ em.
Còn theo Bộ Y tế và nhiều chuyên gia Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng khi đạt trên 70% dân số sẽ tạo ra quần thể có thể miễn dịch với tác nhân truyền nhiễm. Với đại dịch Covid-19, giai đoạn đầu, mỗi người nhiễm virus có thể lây cho trung bình 2-3 người. Khi đa số dân chúng được tiêm vaccine, một người chỉ lây cho ít hơn một người khác. Dịch bệnh sẽ chấm dứt.
Chính phủ vừa lập Quỹ vaccine để tạo nguồn lực sớm mua được 150 triệu liều cho khoảng 75 triệu dân. Tôi và bạn trai dự tính sẽ đăng ký tiêm ngay cho cả hai bên gia đình khi Việt Nam có vaccine dịch vụ.
Trải qua bốn mùa dịch bệnh, tôi càng trân trọng nỗ lực của biết bao người đang duy trì thành trì chống dịch bất kể đêm ngày. Khi biên tập viên hỏi, em rút ra bài học gì sâu sắc nhất, tôi quả thật chẳng có bài học gì to tát. Bởi những gì tôi đang có: sức khỏe, công việc, một mái nhà, thức ăn, người thân và mỗi ngày được thức dậy đã đủ để tôi cảm thấy biết ơn tự đáy lòng.
Theo VNE
Xem thêm: