Những ca nội soi lấy dị vật “dở khóc dở cười”
Bi hài những ca hóc dị vật khiến các bác sĩ “hoang mang”, đến mức phải can thiệp nội soi và thậm chí là phẫu thuật.
Theo BS. Cao Hùng Phong, Trưởng đơn vị nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trẻ em hay bị hóc dị vật là các vật dụng, đồ chơi hay thức ăn có hình tròn, bầu dục có kích thước nhỏ, dị vật thường gặp ở người lớn là hàm răng giả, xương gà, xương cá, vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn, que sắt, cây đinh, tăm xỉa răng, cục gân bò to…
Từ lơ đễnh, sơ ý…
Mới đây, BS. Phong và ê-kíp vừa thực hiện thành công ca nội soi lấy dị vật thực quản cho anh Đ.V.H sinh năm 1970, cư trú tại Hóc Môn. Dị vật là một viên thuốc nén còn nguyên vỏ nhôm. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng đau họng dữ dội do lơ đễnh nuốt cả viên thuốc còn nguyên vỏ khi uống thuốc.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh và quan sát thực tế của bác sĩ cho thấy, tại vị trí 1/3 trên thực quản của bệnh nhân H có viên thuốc còn nguyên vỏ bị mắc kẹt với các cạnh sắc nhọn găm sâu vào thành thực quản. Bệnh nhân cho biết, trước đó, anh đã đến một cơ sở y tế khác để lấy viên thuốc nhưng không thành công. Theo BS. Phong, chính điều này đã khiến các cạnh của viên thuốc càng găm sâu vào thành thực quản, gây chảy máu và tổn thương nghiêm trọng thực quản, đồng thời khiến việc nội soi lấy dị vật phức tạp hơn.
“Với trường hợp này, chúng tôi đã dùng kềm gắp để điều hướng, đưa viên thuốc xuống dạ dày. Sau đó, rút ống soi, gắn cap (mũ chụp – một thiết bị chuyên dụng) vào đầu ống soi, đặt lại ống soi xuống dạ dày, rồi dùng kềm kéo viên thuốc vào cap và kéo viên thuốc ra. Nếu không đươc xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng và viêm thực quản với nhiều hệ lụy khó lường. Nguy hiểm hơn, nếu để viên thuốc đi vào dạ dày, sẽ làm tổn thương, thậm chí có thể làm thủng dạ dày”, BS. Phong cho biết.
… đến sai lầm có chủ đích
Trái với những trường hợp hóc dị vật do lơ đễnh hay sơ ý, nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu lấy dị vật do chủ ý. Theo BS. Phong, những trường hợp này thường nặng và mức độ xử lý cũng rất phức tạp do dị vật thường đã đi vào sâu trong cơ thể. Điển hình, vào tháng 4/2016, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận cấp cứu một ca hóc dị vật được được đưa đến bởi lực lượng công an. Bệnh nhân là một người nghiện ma túy đang trong thời gian ở trại cải tạo.
“Bệnh nhân đã chủ động nuốt 2 que sắt nhọn, giấu ở cuống họng để qua mặt lực lượng an ninh. Nhưng không may, que sắt đã đi sâu vào thực quản và mắc kẹt không thể lấy ra được. Khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Ê-kíp trực phải xử lý khẩn cấp để lấy dị vật ra nhằm tránh tổn thương thêm những bộ phận khác”, BS. Phong chia sẻ về một ca nội soi lấy dị vật đặc biệt đã thực hiện.
Những tai nạn hy hữu
Bên cạnh những ca được phát hiện và xử lý ngay, nhiều bệnh nhân không biết mình bị hóc dị vật đến khi dị vật đã đi sâu vào cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng như thực quản, dạ dày, ruột… Hầu hết trường hợp này là hóc dị vật trong và sau quá trình ăn uống như các loại xương, mảng thịt lớn, tăm xỉa răng… và được phát hiện sau thời gian dài, từ vài tuần đến hàng tháng do xuất hiện biến chứng, tổn thương bên trong cơ thể.
Theo BS. Phong, có trường hợp, bệnh nhân đến khám do đau bụng kéo dài. Qua chẩn đoán hình ảnh, phát hiện do mẫu xương heo đâm vào dạ dày gây nên. Khi được phát hiện, dạ dày của bệnh nhân đã tổn thương nghiêm trọng và gần thủng. Kết quả chụp CT cho thấy mẫu xương dường như xuyên qua khỏi thành dạ dày của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ phân tích, hóc dị vật thường có hai hướng là hóc dị vật thực quản (đường ăn) hoặc hóc dị vật đường hô hấp (đường thở). Trong đó, người lớn hay bị hóc dị vật thực quản với triệu chứng như: đau vọng, vướng ở họng, đau vùng ngực… có thể có các trường hợp đau ở dạ dày, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường.
Khi bị hóc dị vật đường thực quản, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.