10 siêu phẩm điện ảnh thay đổi định nghĩa về “đàn bà”

Điện ảnh từ trước đến nay luôn là đề tài được rất nhiều người quan tâm và yêu thích. Có lẽ hiếm có loại hình nghệ thuật nào tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ một cách cụ thể, sống động và đầy đủ như điện ảnh. Phụ nữ chính là một nguồn cảm hứng bất tận cho bộ môn nghệ thuật này. Hãy cùng Phunuonline.net điểm qua những bộ phim về phái đẹp đáng xem nhé!

Legally Blonde – Nữ luật sư tóc vàng (2001)

 

 

Bộ phim hài tình cảm xoay quanh nhân vật Elle – một cô gái vốn chỉ quen ăn chơi và mua sắm bỗng quyết tâm học ngành Luật ở Đại học Havard với mục tiêu lấy lòng bạn trai, người đã nói chia tay với Elle bởi vì cô có mái tóc vàng. Xã hội phương Tây vốn có định kiến với những cô gái tóc vàng xinh đẹp, cho rằng họ là những người kém cỏi, ngốc nghếch.

Dù mục tiêu ban đầu của cô nàng không phải là sự nghiệp, mà vì si tình, nhưng rốt cuộc trong hành trình lạ lùng này, Elle đã tìm thấy được chính mình, nỗ lực học tập, làm việc để khẳng định được bản thân: xinh đẹp, điệu đà không đồng nghĩa với ngu ngốc và thiếu bản lĩnh.

Thành công trong sự nghiệp đến với Elle khi cô chọn thấu hiểu khách hàng bằng sự đồng cảm của nữ giới, tự tin thể hiện cá tính riêng chứ không đóng khung mình vào hình ảnh một nữ luật sư nghiêm trang với bộ trang phục buồn chán.

 

Pride And Prejudice – Kiêu hãnh và định kiến (2005)

 

Chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Jane Austen, bộ phim nói về 5 chị em nhà Bennet. Cuộc sống của Jane xinh đẹp và mạnh mẽ, Elizabeth thông minh, Maryham đọc sách, Kitty nhí nhảnh và Lydia hoang dã, tất cả đều chưa chồng đang diễn ra êm đềm cho đến khi một chàng trai trẻ giàu có, Bingley, và bạn thân của anh chàng Darcy trở thành hàng xóm của họ.10 bộ phịm về phụ nữ

Nhiều tình huống ngang trái bắt đầu nảy sinh. Darcy (Matthew Macfadyen) phải lòng Elizabeth (Keira Knightley), nhưng anh có những nhận định sai lầm khi đã tỏ ra quá kiêu hãnh và có cái nhìn thiên lệch về địa vị xã hội, Elizabeth thì thấy mình đã kết luận quá vội vã về Darcy. Sau tất cả những rắc rối và mâu thuẫn, hai đôi trẻ đã có một kết thúc hạnh phúc. Họ đã vượt qua sự kiêu hãnh và những định kiến của bản thân cũng như của xã hội Anh thời bấy giờ.

 

The Devil Wears Prada – Yêu Nữ Hàng Hiệu (2006)

 

Bộ phim dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang xa hoa với những nhãn hiệu đắt tiền và cả sự nghiệt ngã, đánh đổi chính bản thân mình của những con người làm việc trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này.

Dựa theo nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger, “The Devil Wears Prada” kể về Andy Sachs (Anne Hathaway), một cô sinh viên quê mùa mới ra trường được nhận làm thư ký cho Miranda Priestly (Meryl Streep) – người đàn bà quyền lực của tòa soạn tạp chí thời trang danh tiếng Runway ở New York, biệt danh “yêu nữ”. Để thành công, Andy phải tìm cách thỏa mãn những yêu cầu, dù là khắt khe nhất của Miranda. Tuy nhiên, khi nhìn vào ánh hào quang của người đàn bà này, Andy chỉ thấy một sự đơn độc.

Lựa chọn giữa một công việc nhiều sức ép, đánh mất chính bản thân mình song cơ hội thăng tiến cao hay một công việc vừa phải nhưng thực sự đam mê – bài học của nhân vật Andrea hẳn sẽ giúp ích cho không ít cô gái.

 

Áo Lụa Hà Đông ( 2006 )

 

Người phụ nữ trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc gần như là đề tài không bao giờ cạn của phim Việt nhưng ở “Áo Lụa Hà Đông”, chúng ta có một góc nhìn khác. Phim lấy bối cảnh những năm 1954, dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, miền Bắc lâm vào thời loạn lạc. Đôi vợ chồng Dần và Gù cũng theo dòng người di cư từ Bắc vào Nam để đi tìm một tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng do đói khổ, lại vừa đúng lúc Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đành phải dừng chân tại Hội An. Từ đó, họ gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai này… Xem Áo Lụa Hà Đông, chúng ta sẽ thấy được những nổi gian khổ của người phụ nữ Việt khi phải tha hương tìm kiếm bình yên.

 

Đứa trẻ thất lạc ( 2008 )

 

Dựa trên một câu chuyện có thật, “Changeling” đưa khán giả tới Los Angeles vào năm 1928. Một ngày nọ, người mẹ đơn thân Christine (Angelina Jolie) trở về nhà và phát hiện cậu con trai 9 tuổi của mình đã mất tích. Trong tâm trạng hoảng loạn, cô cầu viện sự giúp đỡ của cảnh sát để rồi 5 tháng sau, cơ quan chức trách thông báo họ đã tìm được con trai cô tại Illinois. Song khi đoàn tụ, Christine đã khẳng định đây không phải con mình, để rồi bước vào cuộc chiến với dư luận và lực lượng cảnh sát…

Khi mới đọc kịch bản, Angelina Jolie cho biết mình đã rất xúc động bởi với tư cách một người mẹ, cô hiểu nỗi lo sợ một ngày con mình biến mất sẽ khủng khiếp ra sao. Màn nhập vai đầy cảm xúc trong “Changeling” đã đem về cho minh tinh này đề cử Oscar thứ hai trong sự nghiệp, lần này là ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc”.

Xem thêm :

Những bộ phim đáng xem ngày Halloween

10 phim điện ảnh Hàn Quốc ăn khách nhất 2015

 

Đấu trường sinh tử (2012)

 

“The Hunger Games” là series phim đình đám được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Suzanne Collins, đã từng làm bùng nổ doanh thu cho tất cả các phòng vé. Đặt trong bối cảnh khu vực bắc mỹ bị hủy hoại do thiên tai và chiến tranh, cả khu vực trở thành một Panem với Capitol và 13 huyện. Mỗi năm sẽ có 24 thanh niên của 12 huyện được lựa chọn để tham gia một Trò chơi sinh tử được tường thuật cho cả đất nước xem trong đó chỉ có một người gan dạ và mưu trí nhất mới có thể sống và chiến thắng.

Cô nàng Katniss Everdeen (do nữ diễn viên Jennifer Lawrence thủ vai) một công dân của Quận 12, từ việc tự nguyện tham gia thay em gái, dần dần vai trò của cô trở thành biểu tượng dẫn dắt những người dân nghèo khổ đứng lên chống lại sự áp bức, độc tài tàn khốc của The Capitol.

 

Joy – Người Phụ Nữ Mang Tên Niềm Vui (2015)

 

Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về nữ doanh nhân Joy Manago (Jennifer Lawrence). Cô là một trong số lãnh đạo cấp cao của Ingenious Designs và là người phát minh ra “cây lau nhà kỳ diệu”- đồ lau nhà có thể tháo rời, tự vắt đầu tiên trên thế giới. Bố mẹ ly dị, bản thân cũng thất bại trong hôn nhân, Joy phải vất vả gồng gánh cả gia đình, mất hơn một thập kỷ tủi khổ mưu sinh và chôn vùi niềm đam mê thuở nhỏ.

Nhưng chính trong giờ phút khổ cực nhất, cô có đã nảy ra một ý tưởng và có một quyết định đổi đời. Vượt qua những ngày đen tối nhất, bằng ý chí và tinh thần mãnh liệt đã giúp cô kiên cường lèo lái công việc kinh doanh từ con số 0, trở thành đế chế tỷ USD dưới sự ghen ghét, đố kỵ của bao người.

 

The Intern – Bố già học việc (2015)

 

Nghe bộ tên bộ phim có vẻ không liên quan gì đến phụ nữ. Tuy nhiên, đây đúng là một bộ phim đáng xem kể về câu chuyện của một người phụ nữ thành đạt.

Nhà sáng lập của một công ty thời trang trực tuyến – Jules, năng động, xinh đẹp và đầy đam mê, nhưng cũng vì thế mà cô quá bận rộn và không có đủ thời gian cho gia đình. Nên cô đã đổi vị cho chồng là người chịu trách nhiệm chăm sóc con cái. Tuy nhiên, “đồng vợ đồng chồng” chưa hẳn lúc nào “tát biển Đông cũng cạn”, hôn nhân của cô lung lay ngay lúc những khó khăn trong việc điều hành một doanh nghiệp non trẻ ập đến. Ánh mắt kỳ thị của những bà nội trợ dành cho phụ nữ thành đạt, sự thiếu lòng tin của nhà đầu tư dành cho CEO nữ là những thử thách không hề dễ dàng cho Jules.

 

Chuyện Phụ Nữ – Certain Women ( 2016 )

 

Phim khắc họa những mặt tối đầy ngạc nhiên cùng cách miêu tả khéo léo về sự cô lập, thất vọng và cô đơn của người phụ nữ vùng nông thôn nước Mỹ. Ba người phụ nữ với ba hoàn cảnh khác nhau, chất chứa những nỗi niềm riêng mà không phải ai cũng hiểu.

Kristen Stewart, Laura Dern và Michelle Williams hóa thân vào ba nhân vật đó một cách xuất sắc như thể họ đang diễn cuộc đời của chính mình vậy. Khai thác những khía cạnh hết sức đời thường nhưng phim đã vượt qua 12 đối thủ và giành giải phim xuất sắc nhất liên hoan phim London 2016.

 

Cô Ba Sài Gòn ( 2017 )

 

Tuy rằng bộ phim này chưa ra mắt, tuy nhiên hiệu ứng mà bộ phim đem lại cho khán giả rất tốt. Mang tựa đề tiếng Anh là The Tailor, Cô Ba Sài Gòn là câu chuyện về Như Ý – con gái của một tiệm áo dài nổi tiếng hồi thập niên 1970. Một sự kiện khiến cô bất ngờ chu du tới tương lai sau đó 50 năm. Như Ý nhận ra tà áo dài lúc này đã có rất nhiều thay đổi trong thế kỷ 21.

Cùng với chính bản thân khi về già, cô quyết tâm cứu gia đình khỏi tình cảnh phá sản, nhưng đồng thời tìm cách gìn giữ truyền thống dân tộc, đặc biệt là tấm áo dài. Cô Ba Sài Gòn do Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất, đồng thời sắm vai chính trong phim. Khi công bố dự án, người đẹp tiết lộ cô đã mất ba tháng để học may trước lúc bộ phim bấm máy.

Với những bộ phim mà Phunuonline vừa giới thiệu, chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai sẽ có rất nhiều tác phẩm điện ảnh khắc họa hình ảnh người phụ nữ hiện đại, năng động, tự tin. Mong rằng, với những bộ phim ý nghĩa trên, các chị em sẽ có những giây phút thư giãn tuyệt vời cùng gia đình để thưởng thức trọn vẹn nó nhé!

Thanh Thanh

Nên đọc