Thói quen mua bán bị thay đổi, cửa hàng trung tâm Sài Gòn gặp khó vì dẹp vỉa hè
Dạo quanh một số tuyến đường tại các quận trung tâm thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Chu Mạnh Trinh… các vỉa hè phần nào thông thoáng tạo điều kiện cho người đi bộ. Đó là ấn tượng dễ thấy sau hơn 2 tháng ra quân chiến dịch đòi lại vỉa hè được lãnh đạo các quận thực hiện ráo riết. Tuy nhiên, với những hộ kinh doanh họ đang phải tìm mọi cảnh xoay sở để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới.
Khổ vì chỗ để xe
Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) chia sẻ, trước đây phần vỉa hè trước quán được trưng dụng làm chỗ để xe cho khách hàng nhưng nay đã không được sử dụng nữa. Khách muốn vào mua gặp khó vì không biết để xe ở đâu, quanh khu vực cũng không có bãi xe nào cả. Thói quen khách mua xưa giờ chỉ dừng xe trước cửa quán rồi bước vào nay bắt họ đi gửi xe ở chỗ xa rồi đi bộ lại, mất thêm tiền giữ xe nên khách hàng cũng không thích.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, một chủ cửa hàng điện thoại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc không có chỗ để xe cho khách hàng. Bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè bị đập phá thì còn có thể khắc phục chứ kinh doanh mà không có chỗ để xe khiến chúng tôi rất đau đầu. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn chính quyền có giải pháp sớm để hỗ trợ kinh doanh. “Mặt bằng tại những khu phố này rất đắt đỏ, nếu không có giải pháp hỗ trợ sớm thì chúng tôi sẽ không thể trụ lại được”, chủ cửa hàng cho biết.
Nam, một nhà đầu tư mặt bằng cho thuê khu vực trung tâm cho biết, từ khi chiến dịch vỉa hè diễn ra đã làm xáo trộn khá nhiều đến lượng thuê cũng như giá thuê tại các mặt bằng tuyến phố lớn. Việc không có chỗ để xe là vấn đề nan giải nhất. Xưa nay, giá cả cho thuê mặt bằng nhà phố thường được ngầm hiểu là tính luôn cả phần diện tích để xe ở phía trước, nay diện tích này không còn khiến người thuê chần chừ.
Nếu như mặt bằng các tuyến phố lớn đang gặp khó khăn thì những ngôi nhà cho thuê mặt bằng trong các hẻm lại đang được quan tâm. Đặc điểm của loại sản phẩm này là có vị trí cách mặt tiền đường lớn chỉ vài trăm mét, là hẻm nhưng không quá nhỏ và đặc biệt là có chỗ cho khách hàng để xe. Tuy nhiên, loại mặt bằng này chỉ phù hợp với những cửa hàng kinh doanh nhỏ, các sản phẩm đơn thuần như hàng ăn, quần áo… còn những mặt hàng kinh doanh đặc thù thì không thể đưa vào hẻm được.
Nhu cầu lớn về bãi xe ở trung tâm
Bà Võ Thị Phương Mai, Quản lý bán lý bộ phận bán lẻ của Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, hiện nay thị trường cho thuê nhà phố tại các tuyến phố trung tâm rất khan hiếm và cạnh tranh. Việc dọn dẹp vỉa hè được ủng hộ nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động buôn bán cũng như việc cho thuê các mặt bằng này. Bà Mai phân tích, sỡ dĩ vỉa hè đóng vai trò quan trọng là do thói quen mua bán của khách hàng, họ thích giao dịch nhanh chóng, tiện lợi. Từ trước đến nay, những quy định và cách quản lý vỉa hè cũng chưa cụ thể, nhất quán nên người dân mặc định vỉa hè là của riêng mình.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, bên cạnh thói quen mua bán thì một nguyên nhân khác nữa đó là hiện khu vực trung tâm thành phố quá thiếu bãi đỗ xe. “Hiện nay khu vực trung tâm rất thiếu các bãi giữ xe, một số ít bãi xe hiện tại cũng chưa phân bố hợp lý khiến cho người dân buộc phải trưng dụng vỉa hè để giữ xe cho khách”.
Theo ông Quang, việc dẹp vỉa hè là cần thiết nhằm xây dựng lại bộ mặt đô thị, lấy lối đi cho người đi bộ. Nhưng trong thời gian tới chính quyền cũng sẽ có những động thái để hỗ trợ người kinh doanh. Những vỉa hè rộng, lượng người đi bộ không lớn có thể tính toán cho các hộ kinh doanh thuê.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang lấy ý kiến của các sở ngành, quận huyện về dự thảo Sửa đổi quy định quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, để trình UBND thành phố. Dự thảo đề xuất được phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường các tuyến được UBND thành phố chấp thuận cho phép kinh doanh, được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Trong đó, bề rộng vỉa hè sử dụng để trông giữ xe phải đạt tối thiểu 3 m và khi cho thuê kinh doanh phải đạt 5 m. Phần còn lại phải rộng ít nhất 1,5 m để cho người đi bộ. Lòng đường phải bảo đảm phần đường còn lại có bề rộng tối thiểu cho 2 làn xe trên một chiều. |