Đừng để con ‘chọn cách im lặng’ khi bị bắt nạt, bạo lực học đường
Có bao nhiêu điều xảy ra với con cái chúng ta mà vì một lý do nào đó, chúng sẽ chọn cách im lặng, rồi cha mẹ chúng ta chỉ biết chuyện, khi mọi thứ đã đi quá xa và trở nên quá tệ.
Từ hôm đọc bài báo về bé trai 10 tuổi, học sinh lớp 5 ở TP Hồ Chí Minh bị thủng và hoại tử dạ dày, đường ruột và phải cắt bỏ 40cm ruột non, tôi cứ ám ảnh mãi. Nguyên nhân là do bé đã nuốt vào bụng 9 viên bi sắt có nam châm, người ép bé làm việc đó là một nhóm 6 bạn cùng lớp. Sau một tuần giữ 9 viên bi sắt trong bụng cùng tâm trạng lo lắng và sợ hãi, chỉ đến khi bé nôn mửa, mệt lả và tình cờ được phát hiện bởi một phụ huynh bé mới được đưa tới bệnh viện. Bác sĩ nói rằng, chậm 5 phút nữa thôi là có lẽ mọi nỗ lực cũng không giúp giữ được tính mạng cậu bé.
Nhưng điều khiến tôi cảm thấy đau lòng nhất khi đọc câu chuyện này chính là chi tiết, cậu bé đã chọn cách im lặng khi bị bạn bè bắt nạt vì sợ các bạn sẽ hành hung. Có bao nhiêu điều xảy ra với con cái chúng ta mà vì một lý do nào đó, chúng cũng sẽ chọn cách im lặng, rồi cha mẹ chúng ta chỉ biết chuyện, khi mọi thứ đã đi quá xa và trở nên quá tệ.
Tôi rất thấu hiểu những bình luận lên án thầy cô và nhà trường trong những tình huống như thế này. Thầy cô đã ở đâu khi con chúng tôi bị bắt nạt? Những biểu hiện khác thường của con chúng tôi ở lớp thầy cô có quan sát và biết không? Chúng tôi giao con nhà trường không phải để chúng bị đối xử như vậy?… Nhưng bạn có nghĩ gì không? Nếu như mỗi cha mẹ chỉ có một, hai, thậm chí ba đứa con, mà chúng ta còn không cảm nhận được những biểu hiện cảm xúc khác thường, những hành vi bối rối của con, hay là sự mơ hồ trong ánh mắt của chúng, thì các thầy cô giáo với 40, 50, thậm chí 60 học sinh một lớp cùng với một núi các công việc và áp lực khác, họ có bao nhiêu thời gian để sát sao con cái chúng ta, để ngồi xuống trò chuyện hay nhìn vào mắt chúng? Vấn đề không phải là “Lỗi tại ai?” mà là cha mẹ chúng ta đã thực sự làm tốt vai trò của tôi ở nhà hay chưa?
Những đứa trẻ của chúng ta trong hành trình lớn lên, khi bắt đầu đi học mẫu giáo và có những giao tiếp xã hội vượt ra khỏi phạm vi gia đình, có thể gặp phải sự kì thị, bắt nạt hay bạo lực ở bất cứ đâu, bất cứ khoảnh khắc nào, thậm chí nhiều em bé gặp phải những trải nghiệm đó ở ngay trong chính gia đình tôi. Cha mẹ có thể dạy con rất nhiều về kĩ năng tự bảo vệ tôi, về sự phản kháng, về cách nhận biết những hành vi bắt nạt và bạo hành, nhưng tôi nghĩ, cho dù có cố gắng dạy con bao nhiêu bài học đó đi nữa thì cũng sẽ không bao giờ đủ để đảm bảo cho con một vòng bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Điều quan trọng hơn cả là gì? Đó là: Cha mẹ có dành đủ thời gian chất lượng cho con không? Chỉ có thời gian và sự có mặt của chúng ta ở bên lũ trẻ, trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời chúng mới có thể tạo nên sự kết nối và gắn bó tình cảm mật thiết, đó là nên tảng của tình yêu thương và sự tin tưởng vô điều kiện, để những đứa trẻ, dù còn bé bỏng hay khi đã trưởng thành, mỗi khi bị rơi xuống hố sâu đều sẽ có một nơi mà chúng nhất định phải tìm về, đó là nơi nương náu tin cậy mà không có bất cứ nỗi sợ hãi hay “thế lực” nào có thể ngăn cản chúng, để đủ bình tĩnh và sáng suốt nói rằng: “Bố mẹ ơi, con muốn nói với bố mẹ chuyện này….”.
Cảm giác gắn bó và tin cậy giữa cha mẹ và con cái cần rất nhiều thời gian, rất nhiều kiên nhẫn, rất nhiều bao dung, rất nhiều thấu hiểu, rất nhiều tôn trọng để vun đắp từng chút một trong suốt hành trình làm cha mẹ của chúng ta; thế nhưng, có thể nhìn thấy khá rõ rằng, sợi dây mỏng manh vô hình đó đang bị đứt gãy ở nhiều đoạn bởi sự bận rộn và căng thẳng của cha mẹ hiện đại, chúng ta thậm chí không bao giờ có đủ thời gian để lắng nghe con hay ngay lập tức gạt sang một bên mọi việc để ngồi xuống bên cạnh lũ trẻ khi chúng cất tiếng gọi “Bố mẹ ơi!”, “công thức giao tiếp” ưa thích mà cha mẹ chúng ta hay dùng với con cái là “Nhanh lên nào!”, “Con để yên cho bố/mẹ làm việc!”, “Sao con cứ đòi hỏi bố/mẹ thế nhỉ?”, “Chờ bố/mẹ một lúc”, “Mười phút nữa bố/mẹ sẽ ra với con”….
Chính những mẫu câu mang tính “thời đại” đó là một trong những yếu tố quan trọng khiến những đứa trẻ của chúng ta dần chọn cách IM LẶNG, thay vì tìm kiếm sự an ủi, sự giúp đỡ hay lời khuyên từ cha mẹ khi chúng thực sự có vấn đề. Đó là nỗi sợ hãi và cảm giác cô đơn của người không có một chỗ dựa tinh thần vững chắc và tin cậy.
Mọi đứa trẻ đều cần được lắng nghe, chúng luôn cần có một người lắng nghe tận tụy, bao dung và chân thành ở bên tôi, đôi khi không phải để trả lời nghìn câu hỏi tại sao mà là để nuôi dưỡng cảm giác “luôn có một người sẵn sàng lắng nghe tôi” cho lũ trẻ. Với tôi, đó là một cảm giác cực kì quan trọng.
Trong cuốn sách “Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt” của tác giả Barbara Coloroso có một đoạn ở ngay lời tựa mà tôi rất nhớ như này: “… trong hầu hết các trường hợp, hành vi bắt nạt vẫn được tiếp diễn mà không hề có những hình thức phản đối đáng kể, sự phẫn nộ, sự can thiệp thích đáng, hay sự bất bình. Chúng ta bàng hoàng bởi hành động bạo lực cuối cùng nhưng hiếm khi bất bình bởi những sự kiện dẫn tới hành động cuối cùng đó. Điểm mấu chốt là: những hậu quả bi thảm này đáng lẽ không nên xảy ra. Bắt nạt là một hành vi học từ người khác. Nếu nó do học từ người khác, thì nó có thể phân tích được và thay đổi được”.
Chúng ta và lũ trẻ của chúng ta sẽ ít có nguy cơ phải trải qua cảm giác tồi tệ của “hành động cuối cùng”, nếu như sự có mặt và đồng hành của cha mẹ là nội lực mạnh mẽ cho những đứa trẻ không lựa chọn cách im lặng, hoặc ít ra, bằng sự nhạy cảm và chú tâm của những người làm cha mẹ, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay những “sự kiện bất thường” xảy ra xung quanh đứa trẻ của mình.
Theo Phụ Nữ TP