Đừng nghĩ học vẽ để trở thành họa sĩ

Danh họa Pablo Picasso đã từng nói: “Tôi vẽ giống như cách người ta viết tự truyện. Những tấm bố được vẽ xong hay còn dang dở đều là những trang nhật ký của tôi”, danh họa Vincent Van Gogh quan điểm rằng: “Một bức tranh đẹp cũng như một nghĩa cử cao đẹp”.

Người vẽ tranh không đơn thuần để trở thành họa sĩ, mà các bức tranh còn là nơi chuyển tải tư tưởng, tình cảm của người vẽ trong từng nét vẽ, từng gam màu. Hội họa nói chung và nghệ thuật nói riêng là nơi để con người quyện hồn mình vào đó. Đối với trẻ em, vẽ tranh là điều cần thiết khi mà trẻ thường biết vẽ trước khi biết viết. Nhờ vẽ tranh mà trẻ thể hiện được cảm xúc, quan điểm, góc nhìn của mình về cuộc sống xung quanh. Do đó ngoài việc tạo điều kiện cho trẻ vẽ tại nhà, ở trường thì tham gia các cuộc thi vẽ cũng là cơ hội giúp trẻ khẳng định tài năng và thể hiện được ý tưởng của mình.

Trường Mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA)
Các họa sĩ nhí vẽ tranh tại vòng chung kết cuộc thi “Tài năng sáng tạo xanh” ở Resort Làng Bình An, Vũng Tàu – Ảnh: Thiên Lý

Tại vòng chung kết cuộc thi “Tài năng sáng tạo xanh” do tổ chức Trường Mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA) tổ chức ở Resort Làng Bình An – Vũng Tàu, dưới sự đồng hành và tài trợ của Hệ thống Trường Quốc tế Học viện Anh Quốc.

Thạc sĩ nghệ thuật, họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng là giám khảo chính của cuộc thi vẽ với chủ đề “Biển đảo và trong lòng đại dương”.

Họa sĩ Sĩ Hoàng cho rằng: “Cuộc thi được tổ chức không gian mở, chủ đề biển thì ra ngay biển để vẽ. Điều này giúp trẻ đánh thức cả năm giác quan, khi mà trẻ ngồi trong không gian cảm nhận cái nắng cái gió của biển. Môi trường quyết định hành vi, mang lại lợi ích cho não bộ khi quan sát đi vào thông tin não, từ đó não tổng hợp thông tin và đưa ra giải pháp cụ thể, giải phát chính là bức tranh bé thể hiện.”

“Đừng nghĩ học vẽ để trở thành họa sĩ. Phải biết rằng tất cả các loại hình nghệ thuật nói chung giúp kích hoạt bộ não, kích hoạt chỉ số thông minh cảm xúc, giúp trẻ thông minh và học gì cũng dễ cũng tốt. Hội họa phải có óc quan sát, người quan sát tốt sẽ đưa ra nhận định sâu sắc, không phiến diện, đa chiều, không duy ý chí. Cuộc thi là cơ hội tốt để bé thể hiện ý tưởng và suy nghĩ của mình một cách tự do, hồn nhiên nhất, phát triển theo cách tự nhiên nhất”, họa sĩ Sĩ Hoàng cũng nhận định.

Trường Mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA)
Thạc sĩ nghệ thuật, họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng (giữa), bà Mã Mỹ Loan – Giám đốc điều hành Hệ thống SGA (phải) cho rằng trẻ học được nhiều điều qua vẽ tranh – Ảnh: Thiên Lý

Anh Phan Hoàng Tú, phụ huynh bé Phan Hoàng Ân trong lúc con trai thi vẽ: “Đây là sân chơi bổ ích cho bé sáng tạo và thể hiện tài năng, cơ hội để bé đi đây đi đó và học hỏi. Trong quá trình thi bé rèn luyện năng khiếu hội họa qua việc bé biết pha màu, biết thể hiện ý tưởng theo chủ đề và nâng cao kiến thức về chủ đề thi. Khi tham gia bé được hòa mình vào các hoạt động cộng đồng nên dạn dĩ hơn.”

Trường Mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA)
Anh Phan Hoàng Tú (trong cùng) cùng gia đình xem tranh triển lãm sau khi bé Phan Hoàng Thiên (thứ hai, từ ngoài vào) hoàn thành bài thi vẽ- Ảnh: Thiên Lý

Với tư cách là nhà làm giáo dục, bà Mã Mỹ Loan – Giám đốc điều hành Hệ thống SGA cho biết: “Tham gia cuộc thi vẽ giúp bé rèn luyện được tâm lý vững, tự tin và không bị tác động trong quá trình thi. Bên cạnh đó, hội họa là cách bé rèn luyện trí thông minh cảm xúc, kỹ năng quan sát, lắng nghe, thể hiện, trình bày.”

“Trong nghệ thuật, bàn tay không bao giờ có thể tạo ra điều gì cao hơn điều trái tim có thể tưởng tượng.” – “In art, the hand can never execute anything higher than the heart can imagine.” – Triết gia Ralph Waldo Emerson. Vì vậy, những bức tranh không đơn thuần chỉ vẽ bằng đôi tay mà được vẽ bằng cả con tim. Người vẽ tranh là người có tâm hồn đẹp, thể hiện tâm hồn qua tranh vẽ và không nhất thiết họ học vẽ để trở thành họa sĩ.

Thiên Lý/PNO

Nên đọc