Đừng vội mạt sát những đứa con “được” nâng điểm, muốn trách thì trách thói sĩ diện của cha mẹ trước đi!


PhunuOnline.net – Lên Google gõ từ khóa “gian lận điểm thi”, chỉ trong 0.34 giây đã có 18.400.000 kết quả được hiện ra. Vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình cùng danh tính phụ huynh, những đứa con “được” nâng điểm một lần nữa đang nấu sôi dư luận.

Dưới những bài báo, những link share Facebook là hàng trăm ngàn bình luận tỏ ra tức giận, căm phẫn, thậm chí là những lời lẽ mạt sát những người trong cuộc, đặc biệt là mạt sát những đứa trẻ mới bước vào đời kia. Chuyện gian lận này ai cũng có lỗi nhưng muốn trách hãy trách thói sĩ diện của cha mẹ trước đi!

Nhìn lại danh sách phụ huynh các thí sinh ở Hòa Bình gian lận điểm, mới thấy họ phần lớn là những lãnh đạo, những người có chức có quyền. Nhưng “liếc” qua hành động của họ đi, thực hiện hành vi gian lận, chạy chọt điểm để đưa con cái có “chân” trong những ngôi trường danh tiếng: HV An Ninh, HV Cảnh Sát, Trường Lục Quân, ĐH Y, ĐH Sư Phạm… Và đây chỉ là con số ít trong số phụ huynh của 222 thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Ảnh minh họa

Điều gì khiến họ phải tốn công, tốn sức “lót đường” cho con như vậy?

Xin thưa đó là thói sĩ diện!

Khi “cái dại con mang”

Từ xưa đến nay, ông bà ta vẫn có câu “con dại cái mang”, con lầm lỗi thì cha mẹ phải chịu tội. Mỗi lần con phạm sai thì cha mẹ phải đứng mũi chịu sào. Nhưng với trường hợp gian lận điểm thi đang gây bức xúc dư luận này, người viết xin đổi lại thành “cái dại con mang”.

Từ nhỏ những đứa trẻ này đã phải sống trong một gia đình lấy sĩ diện làm đầu và lúc nào cũng học thuộc 4 chữ “con nhà người ta”. Sĩ diện là khi cha mẹ làm cán bộ, sợ người khác đến nhà biết con mình học hành không tốt rồi lại lời ra tiếng vào. Rồi từ đó những lần dịp lễ tết hay những lần sắp đến kỳ thi của con, cha mẹ lại đến trước nhà giáo viên, giám thị gửi “một chút quà bồi dưỡng”. Và như vậy, năm nào con cũng học sinh giỏi, thi chuyển cấp thì vào trường chuyên. Ai chả ngưỡng mộ khi nhà bố mẹ làm to còn con thì học giỏi!

Những đứa trẻ này liệu có vui với những gì chúng đang được nhận? Hay chúng chỉ đang là những con rối trong trò chơi sĩ diện của các bậc phụ huynh? Có nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ cần đưa cho những đứa con một đống tiền, chúng muốn tiêu gì thì tiêu, xài thế nào thì xài, chỉ cần chúng giữ nguyên thanh danh của gia đình, là được điểm cao, học trường “ngon”.

Xin thưa với những ông bố, bà mẹ đang “lót sẵn đường” cho những đứa trẻ tội nghiệp kia, hành động dung túng, mua điểm, mua lỗi lầm của con chẳng phải là hành động thương con. Nó cũng chẳng phải là hành động lo cho tương lai của tụi nhỏ. Đó là hành động thỏa mãn thói sĩ diện của cha mẹ mà thôi!

Từ nạn nhân trở thành tội đồ

Biết bao giờ cái mô tuýp “tiền – quyền – quan hệ” mới chấm dứt ở một xã hội hiện đại?

Nhiều người thẳng thừng chỉ trích bọn trẻ “được” nâng điểm: Chúng đã đủ 18 tuổi, chúng phải có trách nhiệm với những gì chúng làm.

Nữ thủ khoa kép của ĐH Sư phạm Hà Nội là thí sinh “được” nâng điểm.

Đúng, chúng đủ tuổi thành niên, chúng phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi nhưng xin thử đặt mình vào vị trí những đứa trẻ và cảm nhận. Khi phải sống trong môi trường mà từ nhỏ cha mẹ đã uốn nắn cho con giải quyết các vấn đề bằng tiền, quyền và quan hệ thì phần lớn bọn trẻ đã quen với thói quen xấu đó rồi. Hành động của cha mẹ đã biến con mình từ là nạn nhân của thói sĩ diện đến thành tội đồ của hành vi gian lận thi cử.

Gian lận điểm thi có lỗi của các em nhưng hãy cho các em ấy một cơ hội để quay đầu.

Ai có thể khẳng định rằng, tuổi trẻ mình không từng sai lầm?

An Hoa

Xem thêm:
Thủ khoa nhiều trường đại học là thí sinh có điểm thi gian lận
Vụ dâm ô bé gái trong thang máy: Dân đồng loạt ký đơn yêu cầu khởi tố, kỳ án 200.000 đồng còn không?
Nữ diễn viên đăng ảnh nóng gài “bẫy” fan khiếm nhã

Nên đọc